“Bảo tàng” những nỗi đau thầm kín của phụ nữ

Thái Linh, Theo Trí Thức Trẻ 10:01 28/04/2013

40 câu chuyện - 40 hiện vật vô tri, nhiều hiện vật không có giá trị sử dụng như viên gạch vỡ, chiếc áo rách… nhưng lại là hiện thân của những câu chuyện đầy nước mắt.

Năm 2009, CSAGA (Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới – phụ nữ - gia đình và vị thành niên) có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tổ chức một cuộc trưng bày những hiện vật gắn với những câu chuyện đầy nước mắt của những phụ nữ bất hạnh. 

Hơn 40 hiện vật đã có mặt trong một cuộc trưng bày chưa từng có: những câu chuyện tủi hờn. Tuy nhiên, để họ có thể viết lên được những dòng tâm sự đầy nước mắt, đó là cả một sự thay đổi lớn về tư tưởng, chứ chưa kể đến việc họ mang tới CLB những vật chứng gắn với những chuyện buồn của mình.

Cho nên, hơn 40 đồ vật vô tri, có mặt tại cuộc trưng bày, là cả một cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng của những người trong cuộc, và những cán bộ chuyên gia tư vấn tâm lý, những người “lắng nghe câu chuyện” của họ.

 

“Bảo tàng” đơn giản chỉ là một chiếc tủ kính đơn sơ, chia làm ba tầng với nhiều ngăn khác nhau. Trong mỗi một ngăn, người ta đặt một hiện vật, kèm theo một tờ giấy A4 đánh máy khá ngắn gọn, chữ chưa đầy một mặt giấy. Đó là những “hiện vật” được trưng bày.

Người ta sẽ nhanh chóng lướt qua, không để ý đến nó, bởi nhiều vật được bày bên trong, nhiều thứ vô cảm tới mức chẳng gợi cho người xem một suy nghĩ gì: một viên gạch vỡ, một chiếc xích sắt, chiếc can nhựa, chiếc bô, chiếc điếu cày… 

“Bảo tàng” những nỗi đau thầm kín của phụ nữ 1

Thế nhưng, đằng sau mỗi đồ vật ấy là một câu chuyện đẫm nước mắt gắn với những người phụ nữ bất hạnh.

Hoàn toàn dễ dàng giải thích sự im lặng của những người phụ nữ bất hạnh: họ có đức hy sinh truyền thống hàng ngàn năm của những người phụ nữ phương Đông; họ cam chịu và nhẫn nhịn để giữ yên ấm cho mái ấm gia đình nhỏ bé của mình; giữ cho chồng niềm sỹ diện, và giữ cho những đứa con không phải xấu hổ trước chúng bạn… 

Thế nhưng, sự cam chịu và nhẫn nhịn ấy, vô hình trung đã “đồng lõa” và “tiếp tay” cho những gã chồng độc ác. Nếu như, những người chồng ấy có lương tâm và biết thức tỉnh, sẽ thay đổi, quay về nẻo phải, và phải biết ơn sự hy sinh của những người vợ cam chịu của mình. Tuy nhiên, những cái đầu tăm tối và cạn nghĩ vì ghen tuông, vì ma men… đã không thể nhận thức được.

“Bảo tàng” những nỗi đau thầm kín của phụ nữ 2

Bà Nguyễn Thu Thúy – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Thông tin về bạo lực giới cho biết: Thời gian đầu, những người phụ nữ bất hạnh, nạn nhân của những cuộc bạo hành, gọi điện đến Trung tâm trong những dòng nước mắt tủi nhục. Đấy là khi, sự chịu đựng của họ đã đến cùng cực, và giọt nước tràn ly, họ mới dám tâm sự và kể ra những sự thật mà bấy lâu nay, họ vẫn âm thầm cam chịu. Có những chị vừa viết lại những câu chuyện của chính mình vừa khóc. Và, sự cảm thông của những người cùng cảnh ngộ, đã cùng dìu dắt nhau vượt qua những cơn bĩ cực về tinh thần. 

Theo báo cáo của Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em, 90% nạn nhân của những vụ bạo hành gia đình là phụ nữ. 10% còn lại là người già, nam giới và trẻ em. Đây là những người phụ nữ bất hạnh nhất thế kỷ 21, bởi không chỉ bị đánh đập, đau đớn về thể xác, cái mà họ chịu đựng, và là điều bất hạnh nhất, đó là sự chà đạp, bạo lực về tinh thần. 

Nguyên nhân của những vụ việc bạo hành do những người chồng gây ra, đó là do sự nhận thức kém của những ông chồng văn hóa thấp, tính nết cộc cằn, thô lỗ… Thế nhưng, sự im lặng, cam chịu và nhẫn nhịn của những người vợ, nạn nhân của những cuộc bạo hành này, vô hình trung đã trở thành thứ “kích thích” và “bảo vệ” những hành vi xâm hại đến tinh thần và thể xác của những người chồng độc ác. 

Câu chuyện về bộ quần áo ngủ…

Câu chuyện mà chúng tôi sắp kể dưới đây gắn với bộ quần áo ngủ của một người phụ nữ mới gần 30 tuổi, nhưng đã có hai mặt con. Đứa con thứ hai khi mới gần hai tuổi, trước nhu cầu quá lớn về tình dục của gã chồng cuồng dâm, chị đã không dưới năm lần vào viện phá thai vì thụ thai ngoài ý muốn. Khi lần thứ năm phá thai vừa mới xong, từ bệnh viện trở về, chị lại phải hứng chịu cơn cuồng dâm của chồng, phải chịu cảnh bị chính chồng vừa cưỡng dâm, vừa bị đánh đập trong đau đớn và nước mắt…

“Bảo tàng” những nỗi đau thầm kín của phụ nữ 3

Người phụ nữ bất hạnh ấy, phải sau một thời gian rất dài mới dám đứng lên tố cáo, nhờ cậy sự giúp đỡ về tinh thần của hội phụ nữ, nhờ sự giáo dục của chính quyền cấp cơ sở…, đã lên tiếng. Đấy là khi chị thức tỉnh được một sự thật đau đớn: nếu như chị không lên tiếng, thì những kẻ độc ác, mất nhân tính, những kẻ là chồng, là cha của các con chị, sẽ vẫn được bảo vệ để rồi tiếp tục đánh đập, dày vò vợ con, phá nát hạnh phúc gia đình. 

Bức thư đầy nước mắt cùng những tủi nhục gắn với bộ quần áo ngủ - thứ đồ vật vô tri nhưng là nhân chứng, vật chứng đã chứng kiến từ đầu đến cuối cơn điên loạn của gã chồng vũ phu trút lên đầu chị.

“Bộ quần áo ngủ này đã tan nát như chính thân thể và tâm hồn tôi khi bị chồng tôi đòi quan hệ. Tôi không đồng ý vì mới cách đây ba hôm, tôi vừa phải ra viện phụ sản giải quyết lần thứ 5, sau khi sinh con được gần hai năm. Đáng lẽ để tôi được nghỉ ngơi thì chồng tôi lại đòi quan hệ mà không cho dùng bao cao su. Sau khi xé được quần áo tôi, chồng tôi đổ lên người tôi như một khúc gỗ. Vừa quan hệ, chồng tôi vừa tát, vừa đấm. Hắn ta cắn vào hai bầu ngực, túm tóc dằn đầu tôi xuống giường, miệng thì chửi: “Mày không chiều tao thì mày để dành cho bố mày à?”. Kết quả của trận cuồng dâm ấy, mặt mũi tôi sưng vù, hai bầu ngực bị cắn rớm máu, bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm phải điều trị mấy tháng mới đỡ…”.

Bức thư thứ hai: chiếc bô…

Khác với chị T, câu chuyện của người đàn bà quê mùa N.T.H lại bắt đầu bởi một chiếc bô dùng cho đứa con hai tuổi của chị hàng ngày vẫn đi vệ sinh vào đấy. Nó là một sự việc quá đỗi bình thường, bởi hàng triệu đứa trẻ, sinh ra, lớn lên… vẫn có nhu cầu sử dụng đến chiếc bô ấy khi còn nhỏ. Thế nhưng, sẽ không có gì đáng nói nếu như đó không phải là gã chồng cục súc, độc ác và điên rồ của chị, khi trong một cơn điên loạn vì mất lý trí, sự độc đoán, gia trưởng…, hắn đã dùng chính chiếc bô ấy để đày đọa ba mẹ con chị, bắt  chị phải chịu đựng những thứ mà có lẽ, trần đời có một…

“Bảo tàng” những nỗi đau thầm kín của phụ nữ 4

“Lúc đau ốm, tôi rất mong muốn nhận được sự chăm sóc của chồng. Và chồng tôi đã chăm tôi ngoài sức tưởng tượng. Ngoài những “món” như chửi, đánh con, đập phá… thì chồng tôi còn dành thêm một món “đặc biệt” lúc ốm: đó là cái bô mà đứa con nhỏ của tôi vẫn thường dùng để đại tiện. 

Một lần, đứa con nhỏ của tôi vừa đi đại tiện xong, chồng tôi đã đến “thưởng” cho con ba cái phát cháy mông vì đã tạo ra “sản phẩm”. Đứa nhỏ sợ bố không dám khóc. Đánh con xong, cái bô đó được chồng tôi đem bỏ cạnh đầu giường tôi “bồi dưỡng” khi tôi ốm đau, kèm theo một câu “động viên”:: “Tao để cái bô đấy cho mày ngửi, cho mày chết mẹ mày đi!”. Rồi anh ta đóng sập cửa buồng lại, để “thuốc bổ” không phát tán được. 

Đứa con lớn thấy thế, sợ mẹ “chết ngạt”, lợi dụng lúc bố không để ý, lẻn vào lấy tờ giấy đậy lại và chỉ dám đem đổ  khi bố đi ra khỏi nhà. Thương mẹ, giận bố, và với lý trí của một đứa trẻ, nó chỉ biết quay sang trút hết sự bực dọc vào em. Nó quát em: “Tại sao lúc ấy lại đòi đi?!”.

“Bảo tàng” những nỗi đau thầm kín của phụ nữ 5

Nhìn hai đứa trẻ trứng gà trứng vịt, nghe câu mắng của đứa chị đối với đứa em đầy vô lý như thế, nhưng trong hoàn cảnh ấy, đối với nhận thức non nớt của nó, thì rõ ràng là có lý, tôi trào nước mắt. Chúng nó mới như măng non, không được hạnh phúc, yêu thương như những đứa trẻ cùng trang lứa thì thôi, đằng này…

Các con của tôi, nó chỉ biết rằng, nếu như không có cái bô, thì không có nguồn cơn như thế, và cái bô chính là nguyên nhân khiến mẹ nó phải khổ… Chúng không biết rằng, người chồng độc ác của tôi, người cha vô lương tâm của chúng nó mới là nguyên nhân của những đau đớn, dày vò mà ba mẹ con phải chịu đựng.