Gia cảnh nghèo của thủ khoa có biệt danh "Cường đô la"

Infonet, Theo 15:04 28/07/2013

Lê Minh Cường, thủ khoa ĐH Sư phạm TP.HCM thường được bạn bè trong lớp gọi là “Cường đô la”. Nhưng Cường mồ côi bố và là một trong những học sinh nghèo khó nhất trường.

Bỏ trường chuyên ở quê, lên Sài Gòn học tư thục

Lê Minh Cường (18 tuổi, huyện Định Quán, Đồng Nai) trở thành niềm tự hào của trường tư thục Quốc Văn (Q.Tân Phú, TP.HCM) trở thành học sinh đỗ thủ khoa đầu tiên của một trường đại học. Cường thi khối A, ngành Sư phạm Toán, ĐH Sư phạm TP.HCM, với số điểm 28,5 (Toán: 9,75; Lý: 9; Hóa: 9,5).

Gia cảnh nghèo của thủ khoa có biệt danh "Cường đô la" 1
Lê Minh Cường, thủ khoa trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Chia sẻ về thành tích của mình, Cường nói: “Lúc thi xong, em ước chừng mình được 28 điểm. Em cũng thoáng nghĩ biết đâu mình là thủ khoa, ai ngờ đúng thật. Biết tin, em báo ngay cho mẹ. Mẹ vui lắm, mọi người trong xóm ai cũng chúc mừng mẹ có con đậu thủ khoa”.

Cường chọn thi sư phạm Toán để hiện thực hóa mong muốn làm giáo viên, mà từ hồi lớp 9 Cường đã nghĩ đến. Trong lớp, Cường thường xuyên là trưởng nhóm học tập, hướng dẫn, kèm cặp cho các bạn. Qua những lần làm trưởng nhóm, nhận thấy mình có khả năng truyền đạt, giảng dạy càng giúp Cường tự tin đặt bút chọn sư phạm. Các thầy cô trong trường Quốc Văn cũng khuyên học trò mình theo nghiệp sư phạm.

Ba năm trước, trong kì thi vào lớp 10, Cường thi đậu vào trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Biên Hòa – Đồng Nai). Nhưng cuối cùng, Cường quyết định không học mà một mình khăn gói lên Sài Gòn, học trường THPT tư thục Quốc Văn, trong khi gia cảnh gia đình rất khốn khó. Đằng sau sự trái khoáy ấy là cả một câu chuyện.

“Cường đô la” nghèo khó, ham học

Các thành viên trong lớp hay gọi Cường là “Cường đô la”. Dù vậy, chàng thủ khoa lại là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất trường. Cha mất vì ung thư từ khi Cường 4 tuổi, một mình mẹ bươn chải nuôi ba anh em. Từ bé, Cường đã phải cùng anh chị và mẹ đi chặt mía, gặt lúa thuê, làm nương rẫy sau mỗi giờ học.

Gần chục năm nay, gia đình Cường luôn nằm trong danh sách những hộ nghèo nhất xóm. Thu nhập từ làm mướn của mẹ ngày nào cao nhất thì 100.000 đồng. Anh trai làm công nhân ở Bình Dương. Cũng vì nhà nghèo mà Cường mới bỏ trường chuyên, lên Sài Gòn theo học trường tư thục.

Gia cảnh nghèo của thủ khoa có biệt danh "Cường đô la" 2
Minh Cường trong lễ tốt nghiệp phổ thông của trường.

Năm lớp 9, qua sự giới thiệu của Hội khuyến học H.Định Quán mà Cường có được học bổng toàn phần của trường Quốc Văn. Học bổng tạo điều kiện cho Cường được ăn, học miễn phí suốt 3 năm học. “Nhà em nghèo quá, ba mất sớm chỉ mình mẹ làm mướn, trồng trọt khó mà nuôi đủ ba anh em ăn học nên em quyết định lên Sài Gòn học, để đỡ mất công mẹ nuôi”, Cường tâm sự.

Còn cô Nguyễn Thị Mai (57 tuổi), mẹ của Cường kể thêm: “Nếu cho con theo học trường chuyên ở tận Biên Hòa thì cũng tốn nhiều tiền. Còn nếu học trường gần nhà thì sợ con mình không phát huy hết khả năng mà còn phải nửa ngày học, nửa ngày làm. Lên Sài Gòn dù trường tư, nhưng chắc trường cũng có nhiều cách dạy hay, được ăn học miễn phí cũng đỡ một phần cho gia đình”.

Thời gian đầu nhớ nhà, nhiều lúc không đủ tiền về thăm nhà đành nhờ bạn bè giúp đỡ. Đợt thi đại học vừa qua, không như nhiều thí sinh khác được cha mẹ đi thi cùng, một mình Cường tự đi thi, thuê phòng trọ gần trường thi. “Mẹ muốn lên cùng em nhưng em không cho vì em tự lo được, lên lại tốn thêm chi phí”, Cường cho biết.

Sẽ đi làm thêm

Trong trường, Cường từng là một bí thư trường năng nổ, là học sinh ưu tú mang lại nhiều thành tích cho trường. Biết gia cảnh của cậu học trò nghèo hiếu học, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt để “Cường đô la” được tập trung học hành. Ngoài ăn học miễn phí, tặng máy tính xách tay, nhà trường còn hứa sẽ trợ cấp hàng tháng 3 triệu nếu Cường đỗ đại học.

Gia cảnh nghèo của thủ khoa có biệt danh "Cường đô la" 3
Là một trong những học sinh ưu tú nên nhà trường luôn tạo điều kiện để Cường học thật tốt.

Dù nhận được sự hỗ trợ đó, nhưng dự định sắp tới của tân thủ khoa sẽ vẫn cố gắng sắp xếp thời gian học tập hợp lý để còn đi làm thêm. Cường tâm sự: “Em có nghe mấy anh chị sinh viên nói làm gia sư cũng có thu nhập tốt. Hơn nữa em học sư phạm, nên chắc thời gian đầu xin đi làm gia sư là phù hợp nhất, để có thể tự lập trang trải cuộc sống sinh viên”. Còn dự định xa hơn của Cường sẽ là ở lại TP.HCM sinh sống, làm việc.

Thầy Lư Quang Thuận (giáo viên Toán) cho biết: “Nghe tin Cường đậu thủ khoa, các thầy cô ai cũng vui vì từ khi lập trường đến 8 năm nay mới có học trò giỏi như vậy. Nhà trường sẽ luôn theo sát, giúp đỡ Cường trên chặng đường sắp tới, vì đó cũng là niềm tự hào của trường”.