Chúng tôi đến thăm các bệnh nhân tại khoa Nhi - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vào thời điểm mà dịch sởi vẫn đang là nỗi sợ hãi của nhiều gia đình. Không khí trong phòng cách ly vẫn khiến những người khi bước chân vào đây khó kìm nén được lòng mình. Những em nhỏ chỉ mới vài tháng tuổi đã phải quấn quanh mình đủ thứ dây ống từ các loại máy móc. Những tiếng thở nặng nề của bố mẹ khi nỗi sợ hãi về bệnh sởi đã lên đến đỉnh điểm.
Bà Thúy đã thức trắng 6 đêm chăm cháu từ ngày vào viện - (Ảnh: Doãn Tuấn).
Gặp chúng tôi ở phòng cách ly - Khoa nhi (BV Nhiệt đới Trung ương), bà Vũ Thị Thúy (43 tuổi, bà ngoại bệnh nhi Đỗ Ngọc Ánh) đôi mắt thâm quầng vì 6 đêm thức trắng trông cháu gái 8 tháng tuổi bị bệnh sởi. Bà Thúy nghẹn ngào nhớ lại: cháu Ánh cùng mẹ về quê ngoại ở Nam Định chơi thì bị lây sởi. Sau nhiều ngày điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh nhưng không thuyên giảm. Gia đình phải gom từng đồng tiền, vay mượn bà con hàng xóm để đưa cháu lên bệnh viện tuyến trên chữa trị. "Đưa cháu lên tới viện thì mẹ cháu cũng lây sởi. Mẹ điều trị tầng trên, con điều trị tầng dưới. Chồng thì chăm vợ, bà ngoại thì chăm cháu" - bà Thúy chia sẻ.
Cháu Ánh còn nhỏ, lại mang bệnh nên hay quấy khóc. 6 ngày nhập viện cũng là 6 đêm bà Thúy thức trắng. Khi chúng tôi vào đến phòng, bà Thúy vừa gửi cháu cho người nhà bệnh nhân bên cạnh để chạy vội ra cổng bệnh viện mua suất cơm bình dân ăn tối và mua hộp sữa bột cho cháu Ánh. "Mẹ cháu ít sữa, lại đang bệnh nên không có sữa cho cháu. Từ hôm nhập viện đến nay, cháu chỉ ăn sữa ngoài thôi. Một mình loay hoay trong viện, chỉ mong sao cháu nhanh khỏe lại, không cả nhà lo lắng lắm" - bà Thúy Nghẹn ngào nói.
Người bà từng đêm lo lắng cho sức khỏe của cháu - (Ảnh: Doãn Tuấn).
Người phụ nữ ấy, 6 đêm thức trắng chăm cháu, mà lòng không hề bớt lo âu. Đứa trẻ còn quá nhỏ để đủ sức chống chọi với bệnh tật khắc nghiệt, và người bà cũng không đủ dũng cảm để chứng kiến những trường hợp bệnh nhân nhi lần lượt rời xa bố mẹ chúng vì bệnh sởi. Mỗi ngày trong viện, bà Thúy không ngừng lo lắng, bà cứ ôm chặt cháu mình vào lòng như cố bảo vệ cháu giữa cái không gian chỉ có bệnh nhân, máy móc và những tiếng khóc đầy lo lắng.
Cũng trong căn phòng cách ly ấy, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người mẹ đứng hàng giờ đồng hồ bên giường chỉ để nhìn con. Đó là chị Đinh Thu H. (Hải Phòng), con chị mới hơn 2 tháng tuổi, nhưng chị đã quen với những lần đi bệnh viện. Tuy nhiên, lần đồng hành cùng con vượt qua dịch sởi này khiến chị lao tâm khổ tứ nhiều nhất, chứng kiến những trường hợp trẻ tử vong do sởi, lo lắng trong chị lại tăng thêm bội phần.
Bà trắng đêm bế ru cháu ngủ
"Đặt xuống giường là cháu nó không chịu ngủ. Phải bà bế lên đi đi lại lại khắp phòng cháu mới chịu chợp mắt. Được một lúc cháu lại tỉnh, nên tôi cứ phải bế cả đêm, vừa đi vừa dỗ cho cháu đỡ khóc, rồi ngủ" - bà Nguyễn Thị Mỹ (ở Hưng Yên) tâm sự với chúng tôi về những ngày chăm cháu bệnh sởi trong bệnh viện.
Bé Trà My nổi ban khắp người - (Ảnh: Doãn Tuấn).
Cháu gái của bà Mỹ là Vũ Trà My (gần 1 tuổi), ban đầu cháu bị sốt, sau đó phát ban đỏ khắp người. Khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên của cháu giờ nổi chi chít ban đỏ, cháu không thể nở những nụ cười như thường ngày vẫn vui đùa cùng bà nội. Bế cháu nội trên tay, bón cho cháu từng thìa sữa trong khi cháu bé liên tục khóc, ho khiến bà Mỹ và bố mẹ cháu rất lo lắng. "Vào đây 3 ngày rồi nhưng bệnh tình cháu vẫn chưa thuyên giảm. Các bác sĩ cũng rất tận tình chăm sóc, chỉ mong bệnh tật cháu mau qua khỏi" - bà Mỹ nhìn về phía xa như một lời khẩn nguyện.
Theo dõi thông tin trên báo đài, rồi chứng kiến những trường hợp bệnh nhi tử vong do sởi, bà Mỹ lại càng lo lắng hơn. Hằng đêm, bà vẫn bế cháu trên tay đi lại, ru những tiếng ru thật khẽ để cháu chìm vào giấc ngủ. Những lần viêm phổi liên tục trước đây chưa kịp lấy lại sức thì nay bà Mỹ lại phải đưa cháu nội vào viện vật lộn với những vết ban đỏ trên người.
Trong cơn bão bệnh sởi, gia đình các bệnh nhân nhi đang cố lau những dòng nước mắt, cầu trời cho các con mau khỏi bệnh. Khi các gia đình đang vô cùng lo lắng thì các y bác sĩ cũng tất bật, làm việc với tần suất gấp 3 - 4 lần để chữa trị, chăm sóc cho các cháu nhỏ... tất cả đều nỗ lực hết mình vì sức khỏe của các bệnh nhân nhi.