WHO kết thúc 28 ngày điều tra ở Vũ Hán: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Kiều Anh, Theo VOV 19:45 18/02/2021

Đội ngũ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khép lại nhiệm vụ 28 ngày tới Vũ Hán, Trung Quốc mà không tìm được bằng chứng về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Các chuyên gia tin rằng đại dịch Covid-19 khiến hơn 110 triệu người mắc và hơn 2,4 triệu người tử vong này rất có thể đã lây nhiễm sang con người từ một vật chủ trung gian.

Sau khi các ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã phong tỏa thành phố 11 triệu dân này trong 76 ngày với các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt.

Chuyến thăm mới đây của các chuyên gia WHO tới Vũ Hán đã gây ra không ít tranh cãi, nhất là sau khi cuộc điều tra này gặp phải một vài trì hoãn cùng với những tranh cãi về việc tiếp cận dữ liệu cũng như những bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ về nguồn gốc đại dịch.

Các chuyên gia của WHO gồm những ai?

Được dẫn đầu bởi bác sĩ Peter Ben Embarek, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về an toàn thực phẩm và động vật lây truyền bệnh, nhóm điều tra 14 thành viên của WHO bao gồm các nhà dịch tễ học, các chuyên gia về dịch bệnh trên người và động vật, các bác sĩ thú y, bác sĩ y khoa và các nhà virus học.

Trong số đó có nhà virus học Peter Daszak, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Dominic Dwyer, nhà virus học thuộc Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Hà Lan Marion Koopmans và nhà dịch tễ học Đan Mạch Thea Kolsen Fischer.

Nhiệm vụ của đội ngũ này là gì?

Ngoài việc xem xét giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, 3 giả thuyết khác mà đội điều tra của WHO cùng các công sự Trung Quốc nghiên cứu là: virus lây trực tiếp từ vật chủ sang người, virus lây qua các loài động vật trung gian và cuối cùng là khả năng lây nhiễm của virus sang con người qua các sản phẩm đông lạnh.

Nằm trong chương trình của cuộc điều tra, đội ngũ chuyên gia WHO đã thăm một số địa điểm quan trọng như chợ Hải sản Hoa Nam, nơi các ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận và Viện Virus học Vũ Hán, nơi có liên quan đến các nghiên cứu về virus corona.

Những tranh cãi xoay quanh việc tiếp cận dữ liệu

Các quốc gia phương Tây đã chỉ trích Trung Quốc không minh bạch trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, khiến cho dịch bệnh vượt ra ngoài biên giới nước này và lây lan khắp thế giới.

Chuyến thăm của các chuyên gia WHO tới Vũ Hán ban đầu cũng bị trì hoãn. Sự việc này đã dẫn đến chỉ trích hiếm hoi của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi đầu tháng 1 rằng, ông cảm thấy "rất thất vọng" khi Bắc Kinh không chịu "bật đèn xanh".

Ngoài ra, cũng có những mối lo ngại xoay quanh việc phải 1 năm sau khi đại dịch bùng phát, đội ngũ của WHO mới tiếp cận được dữ liệu giữa bối cảnh một số người cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản công bố những thông tin nhạy cảm.

Mặc dù một số thành viên trong đội điều tra của WHO khẳng định họ được tiếp cận đầy đủ tới các địa điểm và những người họ yêu cầu gặp gỡ nhưng một số người khác cho rằng họ không được cung cấp những dữ liệu thô mà thay vào đó bị phụ thuộc vào những phân tích của các nhà khoa học Trung Quốc.

Bác sĩ Dwyer cho biết hôm 13/2 rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã từ chối chia sẻ dữ liệu thô về dịch Covid-19. Theo đó, đội ngũ của WHO yêu cầu dữ liệu thô từ 174 ca bệnh ở Vũ Hán nhưng sau đó chỉ được cung cấp một bản tóm tắt.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với AFP, bác sĩ Embarek cho biết đội ngũ của WHO lẽ ra nên được tiếp cận các dữ liệu thô về các ca bệnh ban đầu, trong đó có các ca viêm phổi, cúm và sốt, vốn là những triệu chứng của Covid-19.

Tuy nhiên, một thành viên khác của đội điều tra này, bác sĩ Daszak lại có quan điểm khác khi tweet rằng: "Tôi nhận thấy sự tin tưởng và cởi mở từ các đồng nghiệp Trung Quốc. Chúng tôi đã được tiếp cận đầy đủ các dữ liệu mới quan trọng. Chúng tôi đã hiểu hơn về các cách thức mà dịch bệnh này có thể đã lây lan".

Các chuyên gia nói gì về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm?

Đội điều tra của WHO cho biết hoàn toàn không có khả năng virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán.

Tuyên bố của WHO đã xác nhận các nhận định trước đó của các quan chức Trung Quốc, vốn bác bỏ khả năng virus bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump từng đưa ra nhận định chưa có bằng chứng rằng virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Trung Quốc để dịch bệnh Covid-19 lây lan ra toàn thế giới.

Giả thuyết về khả năng virus lây lan qua các sản phẩm đông lạnh

Các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra những nhận định cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã tới Vũ Hán qua các sản phẩm đông lạnh khi liên hệ giả thuyết này với các đợt bùng phát dịch bệnh trong nước tại các địa điểm khác nhau những tháng vừa qua.

Các thành viên trong đội điều tra của WHO dường như cũng xem xét đến khả năng virus có thể lây lan qua các sản phẩm đông lạnh mặc dù các chuyên gia khác, trong đó có chuyên gia về tình trạng khẩn cấp hàng đầu của WHO là Mike Ryan và Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) trước đó đã hạ thấp nguy cơ này.

Dù vậy, bác sĩ Embarek tuần trước cho biết rằng những nghiên cứu cần được tiến hành thêm để khẳng định liệu các loài động vật hoang dã đông lạnh trong những điều kiện phù hợp có thể lây lan virus SARS-CoV-2 hay không.

Phản ứng của thế giới

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thể hiện "sự quan ngại sâu sắc" về những phát hiện này và hối thúc Trung Quốc cung cấp dữ liệu trong những ngày đầu đại dịch bùng phát.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đề xuất một thỏa thuận toàn cầu về các đại dịch, nơi mà các quốc gia có thể chia sẻ dữ liệu về các đại dịch trong tương lai, sau khi Ngoại trưởng Anh lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về mức độ tiếp cận dữ liệu mà đội điều tra của WHO được phép thực hiện.

Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ việc này khi người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cho biết Mỹ không nên đổ lỗi cho Trung Quốc và các quốc gia khác ủng hộ WHO trong đại dịch Covid-19.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Sau khi câu hỏi về một vài giả thuyết liên quan đến đại dịch Covid-19 bị bác bỏ, Tổng giám đốc WHO Tedros đã nhận định hôm 12/2 rằng mọi khả năng vẫn để ngỏ và cần có thêm các nghiên cứu về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Các nghiên cứu tương lai có thể bao gồm việc liệu virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang con người qua các thực phẩm đông lạnh hay không, theo dõi các chuỗi cung ứng sản phẩm động vật đông lạnh ở chợ Hoa Nam để xác định vật chủ chứa virus này và mở rộng cuộc điều tra ra toàn cầu nhằm tìm kiếm bằng chứng về sự lây lan dịch Covid-19 trước tháng 12/2019.

Bản tóm tắt về những phát hiện của đội điều tra WHO có thể sẽ được công bố trong tuần này trong khi báo cáo đầy đủ với những khuyến cáo cụ thể sẽ được công bố sau đó./.