Vượt qua nỗi sợ bị kỳ thị để đi mua sắm cho gia đình, giáo sư Hàn Quốc bất ngờ trước lòng tốt của nhiều người Mỹ giữa đại dịch Covid-19

Jayden, Theo Tổ Quốc 12:38 04/04/2020
Chia sẻ

Người châu Á bị kỳ thị ở Mỹ và các nước châu Âu giữa dịch Covid-19 là sự thật. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ những ai gặp khó khăn bất kể hoàn cảnh hay xuất thân của họ.

Kim Seong-kon là giáo sư danh dự khoa tiếng Anh tại Đại học Quốc gia Seoul, hiện sống ở Mỹ. Ông đã có những trải nghiệm đáng nhớ khi là người châu Á sống ở trời Tây giữa đại dịch Covid-19, chứng kiến không ít sự kỳ thị và cách hành xử vô lý. Tuy nhiên đến cuối cùng, giáo sư Kim nhận ra lòng tốt vẫn luôn hiện hữu, dưới đây là những chiêm nghiệm của ông.

Vượt qua nỗi sợ bị kỳ thị để đi mua sắm cho gia đình, giáo sư Hàn Quốc bất ngờ trước lòng tốt của nhiều người Mỹ giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Giáo sư danh dự Kim Seong-kon (Ảnh: Korea Herald)

Không nghi ngờ gì nữa, đây là khoảng thời gian khó khăn cho người châu Á hay gốc Á sinh sống ở trời Tây. Khi đại dịch toàn cầu Covid-19 gây thiệt hại chưa từng thấy, nhiều người phương Tây đã đổ lỗi cho Trung Quốc. Vậy nhưng, ngay cả khi virus được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc, người dân nước này không nên bị đổ lỗi cho sự tồn tại của nó.

Hơn nữa, trong mắt của nhiều người phương Tây, tất cả người châu Á đều nhìn giống hệt nhau, vì vậy người da vàng có thể là đối tượng bị căm ghét và chế giễu ở nhiều nước Âu Mỹ. Thậm chí tệ hơn, nhiều người phương Tây còn cho rằng dân châu Á là những kẻ mang mầm bệnh.

Hậu quả là người châu Á ở các nước phương Tây thường bị khiêu khích, quấy rối và tấn công bạo lực trong những ngày gần đây. Theo một bản tin, ai đó đã xịt nước khử mùi vào một người châu Á trên tuyến tàu điện ngầm của thành phố New York, như một cách để "tẩy trùng" kẻ mang mầm bệnh.

Những sự cố tương tự cũng xảy ra ở Ý, Canada hay Úc. Khi đại dịch còn tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, chuyện này chắc chắn còn diễn ra thường xuyên.

Vượt qua nỗi sợ bị kỳ thị để đi mua sắm cho gia đình, giáo sư Hàn Quốc bất ngờ trước lòng tốt của nhiều người Mỹ giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: The Economist)

Có lẽ khách du lịch hay người tạm trú dễ đối mặt với vấn đề hơn, vì cuối cùng họ cũng sớm được về nước. Tuy nhiên, nếu việc kỳ thị xảy ra đối với người gốc Á được sinh ra ở Mỹ, Ý, Canada hay Úc, họ sẽ cảm thấy vô cùng tức giận và thất vọng. Người phương Tây không nên cho rằng người châu Á là "ngoại bang" hay mang tội lỗi lây truyền chủng virus chết chóc.

Hiện tại, tôi đang sống ở thành phố Lebonon, bang New Hampshire, gần trường Cao đẳng Dartmouth. Gần đây, tôi cũng có đến cửa hàng BJ's Wholesale Club để mua sắm nhu yếu phẩm trong thời gian từ 8 đến 9 giờ sáng - khung giờ dành cho người cao tuổi.

Việc người Mỹ chu đáo sắp xếp khung giờ mua sắm dành riêng cho người già giữa dịch Covid-19 khiến tôi vô cùng ấn tượng, bởi vì chuyện này chẳng diễn ra ở một quốc gia có truyền thống Nho giáo như Hàn Quốc.

Ở Hàn, giới trẻ thường chỉ tôn trọng những người lớn tuổi là sếp của mình. Còn nhìn chung, họ chẳng mấy tôn kính người già, cho rằng lớp người đó thật vô dụng và héo rũ. Ngược lại, ở Mỹ, các siêu thị dành các khung giờ riêng để bảo vệ người cao tuổi - đối tượng dễ bị tổn thương nếu nhiễm virus.

Vượt qua nỗi sợ bị kỳ thị để đi mua sắm cho gia đình, giáo sư Hàn Quốc bất ngờ trước lòng tốt của nhiều người Mỹ giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: ABC News)

Ban đầu, tôi cũng có chút e dè vì là người châu Á giữa một thành phố nhỏ với người da trắng chiếm đa số. Tôi sợ rằng người ta sẽ lảng tránh vì nghĩ rằng tôi đang mang mầm bệnh. Tuy nhiên, "người đàn ông sẽ làm những gì mà anh ta phải làm". Tôi còn có gia đình phải chăm sóc. Ngoài ra, vợ tôi cứ thở dài thườn thượt mỗi lần nhìn thấy tủ lạnh trống rỗng.

Dĩ nhiên, tôi lo sợ trước chủng virus lây nhiễm mạnh mẽ này. Nhưng thực ra tôi ngại nhất là bị kỳ thị. Là một giáo sư danh dự ở Hàn Quốc, tôi có thể khá được trọng vọng ở quê nhà. Nhưng giữa xứ cờ hoa, tôi cũng chỉ là một người châu Á, có thể bị chỉ trích là mang theo chủng virus chết người. Tôi rời khỏi nhà với tâm trạng đầy nghi hoặc như vậy.

Nhưng nỗi lo lắng của tôi gần như tan biến khi đến siêu thị. Thay vì virus corona, tôi đã gặp được những người vô cùng tử tế và thân thiện. Các nhân viên bán hàng tươi cười nói "chào buổi sáng" dù chúng tôi không quen biết nhau.

Khi tôi gặp chút rắc rối để scan giá sản phẩm, một nữ quản lý đã chạy ngay tới giúp đỡ. Một nhân viên khác đã giúp tôi sử dụng thẻ quà tặng. Và cả một nam nhân viên nữa, đã giúp tôi chất thùng hàng lên ô tô. Đó thật sự là một trải nghiệm mua sắm thoải mái giữa thời dịch bệnh đầy khó khăn.

Vượt qua nỗi sợ bị kỳ thị để đi mua sắm cho gia đình, giáo sư Hàn Quốc bất ngờ trước lòng tốt của nhiều người Mỹ giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Cuộc sống vẫn luôn có những người tốt bụng và sẵn sàng giúp nhau vượt qua giai đoạn khó khăn (Ảnh minh họa: AP)

Nước Mỹ vẫn có nhiều người ấm áp và tốt bụng. Dĩ nhiên mọi chuyện sẽ khác đi một chút ở những thành phố lớn. Còn ở Lebonon, New Hampshire, mọi người vẫn rất rộng lượng và thoải mái, họ không giữ định kiến quá lớn đối với người châu Á như tôi.

Trên đường về nhà, tâm trạng của tôi đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mọi người đều nói Covid-19 là đại dịch kinh khủng nhất từ sau Cái chết đen thời Trung Cổ. Và chắc chắn, những vết thương tâm lý do cơn khủng hoảng này gây ra cũng rất khó để chữa lành. Sự định kiến đối với người dân châu Á sẽ tồn tại trong thời gian dài ngay cả khi dịch bệnh qua đi.

Thật đáng buồn là virus corona đã phá hủy nhiều điều quý giá như sự tiếp xúc gần gũi giữa con người, những niềm tin chung và sự thấu hiểu văn hóa. Đó là chưa kể đến những sinh mạng bị cướp đi; việc làm và nền kinh tế thịnh vượng cũng đang chao đảo.

Tuy nhiên, bất chấp dịch bệnh lan rộng và tàn khốc, chúng ta cũng không nên đánh mất "lòng trắc ẩn, sự hi sinh và sức chịu đựng" - giống như tiểu thuyết gia William Faulkner đã phát biểu khi nhận giải Nobel.

Chỉ cần mọi người còn quan tâm lẫn nhau, như những người tốt bụng mà tôi đã gặp ở New Hampshire, thì vẫn còn có hi vọng. Cùng nhau, chúng ta chắc chắn có thể vượt qua cơn khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này.

(Theo Strait Times)

Vượt qua nỗi sợ bị kỳ thị để đi mua sắm cho gia đình, giáo sư Hàn Quốc bất ngờ trước lòng tốt của nhiều người Mỹ giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 6.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày