Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, 2 vợ chồng không chỉ lo cho gia đình nhỏ, mà còn lo cho gia đình 2 bên. Đa phần họ vẫn nhận được lời khuyên rằng nên công bằng cả về tài chính lẫn tinh thần khi hỗ trợ gia đình nội - ngoại. Nếu không, rất dễ gây mất lòng và khiến 2 vợ chồng tranh cãi khi thấy gia đình bên nội/ngoại mình lại chịu thiệt nhiều hơn thế.
Như mới đây, một người vợ cũng hỏi ý kiến về câu chuyện diễn ra trong gia đình mình:
"Các bà ơi, vô duyên nhưng mà nếu chồng các bà kiểu thiên vị bên nhà chồng quá thì các bà tính sao? Nay nhà mình bán đất, có lãi chút thì chồng báo trích 10 triệu ra biếu.
- Ông bà nội 5 triệu (vì mua bán ông tìm người, làm giấy tờ cũng ông). Ok thì cái này mình không nói gì.
- Cho các con chị gái chồng 2 triệu (nhưng lúc chuyển lại thấy chuyển khoản cho 3 triệu)
- Bảo mình sang biếu ông bà ngoại 1 triệu lấy lộc, cho mấy đứa cháu mình 1 triệu. Cho 2 đứa em gái mình 1 triệu.
Thực ra là đưa ông bà ngoại đưa bao nhiêu thì chưa chắc là ba mẹ mình đã nhận. Ông bà toàn cho các cháu luôn. Nhưng vụ thiên vị như thế này đã diễn ra nhiều lần rồi" .
Ảnh minh hoạ.
Bên dưới bài đăng này, đã nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều.
Trong đó, nhiều người cho rằng dù số tiền người chồng chia cho bên nội và bên ngoại đang chênh lệch, nhưng cũng không phải là không có lý. Bởi việc biếu ông bà nội 5 triệu là hoàn toàn đúng đắn khi ông đứng ra tìm người mua và làm giấy tờ. Nhiều netizen còn khuyên nên "tán lộc" thêm cho ông, phải ít nhất 10-20 triệu chứ công sức ông bỏ ra giúp 2 vợ chồng rất nhiều.
Trừ số tiền đưa cho ông bà nội, thì số tiền người chồng chia cho đằng nội và ngoại lại đang cân bằng nhau - 3 triệu. Song, điều gây lấn cấn ở đây là biếu ông bà ngoại 1 triệu, còn ít hơn cho chị gái của chồng. Điều này nếu để người lớn trong gia đình đằng ngoại biết được, đặc biệt khi so sánh với ông bà nội thì rất dễ gây mất lòng giữa đôi bên.
Ngoài ra, nhiều người cũng nhận xét không biết việc bán đất được lãi bao nhiêu, song nếu "tán lộc" chỉ 1 triệu thì đang hơi ít. Do đó, nhiều người khuyên cặp đôi nên nói chuyện thẳng thắn lại với nhau và nâng số tiền đưa cho ông bà ngoại.
Ngoài ra, cả hai nên có cuộc nói chuyện lại với nhau về vấn đề đưa tiền cho 2 bên nội ngoại. Nếu gia đình nhà nội khó khăn hơn, người chồng có thể thiên vị hơn để giúp đỡ cho người thân. Song cũng không nên quá thiên vị, vì về lâu dài có thể gây mất lòng đôi bên, nghĩ rằng người chồng đang bị bên nặng bên nhẹ trong chuyện tình cảm.
Ảnh minh hoạ.
Dưới đây là một số bình luận nhận xét nổi bật:
- "Mình thấy hợp lý vì chỗ 5 triệu coi như là công của ông bà chồng (hoa hồng). Còn cũng cho đều 2 bên là 3 triệu rồi. Nhưng nếu là mình thì mình sẽ đề xuất biếu ông bà ngoại 3 triệu. Nếu người lớn biết được biếu ông bà bên nội 5 triệu, trong khi bên ngoại chỉ 1 triệu thì dù ông bà nội có giúp việc vẫn khiến đôi bên khó xử lắm".
- "Mình nghĩ thiên vị hay không cũng có thể giải quyết được. Nhưng quan trọng nhất là 2 vợ chồng cần minh bạch và rõ ràng chuyện tài chính với nhau nha. Nói 2 triệu, nhưng chuyển 3 triệu là lấn cấn đó. Bạn có chắc chỉ chuyển đúng 3 triệu không?
Tốt nhất là nên đồng lòng, và 2 vợ chồng thống nhất bên nhiều bên ít tuỳ vào hoàn cảnh gia đình. Nhưng mình đang thấy chồng bạn nói cứ nói, còn làm thì đã làm rồi. Có phải bình thường bạn cũng hay dễ tính trong chuyện tiền bạc nên chồng mới coi việc này là bình thường hay không? Nếu vậy thì cần thay đổi đi nha!".
- "Chuyện gì không biết nhưng biếu ông bà nội chồng 5 triệu là quá ít đó nha. Tính đơn giản thì phí môi giới tự do là 1-1,5% giá trị miếng đất, môi giới theo công ty là 3%. Phí cho môi giới chạy lên chạy xuống làm giấy tờ khoảng 3-5 triệu nữa. Mà 2 bạn chỉ đưa 5 triệu cho ông bà nội là quá ít đó. Nếu là mình, thì không khéo lần sau sẽ chẳng giúp đỡ đâu. Dù cũng biết là người thân thì bản thân mình cũng nên xởi lởi trước thì mai này mới dễ giúp lại bạn ạ".
- "Nếu chồng làm lương cao hơn và nhà nội khó khăn hơn thì biếu chênh lệch chút như vậy cũng không sao. Chồng mình mỗi tháng biếu 5 triệu cho bên nội mà mình còn không nói gì nè. Lâu lâu bên nội có việc lại biếu thêm 3-5 triệu, lễ tết 15 triệu, chứ mà bán đất có lãi biếu vậy mình thấy quá ít luôn đó. Bù lại lương mình làm ra mình biếu bên ngoại nhiêu tuỳ mình, chồng mình không can thiệp".
- "Trường hợp này thì cũng khó phân xử quá. Đầu tiên phải xét xem sự đóng góp giúp đỡ của 2 nhà như thế nào với nhà bạn, rồi kinh tế gia đình ai là người gồng gánh. Bạn chỉ mới kể được một phần câu chuyện. Riêng việc ông bà nội môi giới và hỗ trợ bán đất thì mình nghĩ nên đưa thêm cho ông bà nhiều hơn, chứ 5 triệu quá ít. Còn nếu mọi sự đều phụ thuộc vào nhà chồng thì việc biếu hơn là hợp lý.
Còn nếu cả 2 vợ chồng góp công sức tương đối giống nhau thì hãy nói thẳng với chồng. Mình nhịn 1 lần còn được, nhưng nếu đã từng xảy ra nhiều lần thì nên thẳng thắn nói lại với chồng về việc cân bằng giữa 2 bên gia đình. Như mình thì công bằng cả hai, mình bảo chồng cho em trai tiền tiêu vặt. Mình còn để ý nhà chồng thiếu gì thì dặn chồng mua, và ngược lại, chồng cũng mua nhiều thứ cho ông bà ngoại. Mình cứ chủ động nói là 2 vợ chồng rất hoan hỉ và vui vẻ, lại được lòng đôi bên nữa" .
Ảnh minh hoạ.
Việc vợ chồng hỗ trợ tài chính cho hai bên gia đình nội ngoại không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách thể hiện lòng hiếu thảo và tình cảm. Tuy nhiên, nếu không được xử lý khéo léo, việc này có thể dẫn đến bất đồng giữa vợ chồng hoặc gây áp lực tài chính cho gia đình nhỏ.
Để cung cấp tài chính cho gia đình nội ngoại một cách thỏa đáng, vợ chồng cần bắt đầu bằng việc thảo luận cởi mở về nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi bên. Hãy chia sẻ rõ ràng về tình hình tài chính của bố mẹ hai bên – như họ có cần hỗ trợ thường xuyên (tiền sinh hoạt, y tế) hay chỉ hỗ trợ dịp đặc biệt (lễ Tết, sửa nhà).
Ví dụ, nếu bố mẹ chồng cần 2 triệu/tháng để trang trải y tế, còn bố mẹ vợ cần hỗ trợ 1 triệu/tháng, hai người có thể lập kế hoạch dựa trên con số này.
Một cách hỗ trợ thỏa đáng là phân bổ tài chính dựa trên thu nhập chung của gia đình và nhu cầu thực tế của hai bên nội ngoại, thay vì cố gắng hỗ trợ bằng nhau. Cách này đảm bảo công bằng về nhu cầu, tránh cảm giác thiên lệch.
Ví dụ nếu thu nhập chung là 30 triệu/tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt (20 triệu) và tiết kiệm (5 triệu), vợ chồng có thể dành 5 triệu để hỗ trợ nội ngoại. Thay vì chia đều 2,5 triệu mỗi bên, hãy cân nhắc hoàn cảnh: Nếu bố mẹ chồng có lương hưu ổn định nhưng bố mẹ vợ cần tiền chữa bệnh, có thể hỗ trợ 1,5 triệu cho nội và 3,5 triệu cho ngoại.
Ảnh minh hoạ.
Dù hỗ trợ nội ngoại là nghĩa vụ, vợ chồng cần đặt giới hạn để không làm ảnh hưởng đến tài chính gia đình nhỏ, đặc biệt khi có con cái hoặc mục tiêu lớn như mua nhà. Một nguyên tắc thường áp dụng là không nên dành quá 10-20% thu nhập chung cho việc hỗ trợ, trừ khi có trường hợp khẩn cấp (như bố mẹ ốm nặng).
Ví dụ, với 30 triệu/tháng, giới hạn hỗ trợ có thể là 3-6 triệu, chia đều hoặc theo nhu cầu. Nếu một bên yêu cầu nhiều hơn – như bố mẹ chồng cần 10 triệu để sửa nhà – hãy thảo luận để tìm giải pháp, như hỗ trợ một phần hoặc trả góp. Thỏa thuận này giúp tránh mâu thuẫn khi một người cảm thấy gia đình mình bị "bỏ rơi" so với bên kia.
Để hỗ trợ nội ngoại mà không gây bất hòa, vợ chồng có thể phân chia trách nhiệm dựa trên vai trò và mối quan hệ. Vợ có thể quản lý quỹ chung và trực tiếp gửi tiền cho bố mẹ mình, trong khi chồng làm điều tương tự với bố mẹ anh ấy, miễn là tổng số tiền nằm trong giới hạn đã thống nhất.
Ví dụ, nếu quyết định hỗ trợ 4 triệu/tháng (2 triệu mỗi bên), vợ chuyển tiền cho ngoại và chồng chuyển cho nội, nhưng cả hai đều báo cáo để đảm bảo minh bạch. Cách này giúp mỗi người cảm thấy có trách nhiệm với gia đình mình, đồng thời giảm áp lực cho vợ – người thường giữ vai trò chính trong quản lý tài chính.
Cuối cùng, để việc hỗ trợ nội ngoại luôn thỏa đáng, vợ chồng cần thảo luận định kỳ – như mỗi 6 tháng hoặc khi có thay đổi lớn (thu nhập tăng hay bố mẹ cần hỗ trợ thêm). Đây là lúc xem lại mức hỗ trợ có còn phù hợp, có cần ưu tiên bên nào hơn (như khi bố mẹ ngoại ốm), hoặc có thể giảm hỗ trợ nếu hai bên đã ổn định.
Nếu chồng muốn tăng tiền cho bố mẹ mình, vợ nên lắng nghe và cân nhắc, nhưng cũng thẳng thắn đề xuất giới hạn để bảo vệ ngân sách gia đình. Sự linh hoạt và thấu hiểu này không chỉ giúp tài chính ổn định mà còn củng cố sự đồng lòng, biến việc hỗ trợ nội ngoại thành biểu hiện của tình cảm và trách nhiệm chung.