Ngày 25/8, hạ sĩ Kareem Nikoui, 20 tuổi, đã gửi về cho gia đình một đoạn video ghi lại cảnh anh đang phát kẹo cho những đứa trẻ Afghanistan tại sân bay Kabul. Một ngày sau đó, anh là một trong số 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương.
Steve Nikoui, cha của hạ sĩ Kareem, làm nghề thợ mộc cho biết ngày 26/8 là thứ 5 kinh hoàng nhất trong cuộc đời ông. Khi hay tin có vụ đánh bom làm rung chuyển sân bay Kabul, nơi con trai đang làm nhiệm vụ, ông Steve Nikou chỉ biết cả ngày dán mắt vào TV để chờ đợi tin tức, ông không biết con trai yêu dấu còn sống hay đã chết.
Steve Nikoui cứ chăm chú theo dõi bản tin, không thể làm được việc gì, chỉ mong con trai có thể bình an vô sự. Và rồi điều ông không mong muốn nhất đã xảy ra, 3 lính Thủy quân lục chiến đã đến nhà báo cho ông tin tức đau lòng.
Kareem Nikoui cùng người thân
"Con tôi chào đời cùng năm cuộc chiến bắt đầu và kết thúc cuộc đời mình cùng hồi kết của cuộc chiến này", Nikoui nói từ nhà riêng ở thành phố Norco, bang California hôm 27/8, đề cập năm 2001, khi Mỹ bắt đầu chiến dịch quân sự ở Afghanistan.
Nikoui đau đớn nói: "Tôi đã thức trắng cả đêm, bây giờ vẫn đang bị sốc. Tôi vẫn chưa thể hình dung chuyện gì đã xảy ra. Vợ chồng tôi luôn tự hào về con khi nó có thể cống hiến cho đất nước. Thằng bé từ nhỏ đã có giấc mơ trở thành lính Thủy quân lục chiến".
Ông Nikoui đang đợi liên lạc viên của Thủy quân lục chiến đến nhà giúp sắp xếp đưa vợ chồng ông tới căn cứ Không quân ở Delaware, nơi thi thể con trai họ sẽ được hồi hương trong những ngày tới. Nikoui nói rằng ông đang rất tức giận.
"Tôi thực sự thất vọng về cách Tổng thống xử lý điều này, càng tức giận hơn với cách xử lý của quân đội. Các chỉ huy thực địa lẽ ra phải nhận ra mối đe dọa này và giải quyết nó", ông nói.
Một quân nhân khác cũng nằm trong danh sách những người thiệt mạng của vụ nổ bom là lính thủy đánh bộ Rylee McCollum ở bang Wyoming. Anh đã kết hôn và sẽ đón con đầu lòng ba tuần tới.
"Anh ấy muốn cả đời làm lính thủy đánh bộ, mang khẩu súng trường và giày lính", Roice, em gái của Rylee, đăng Facebook hôm 27/8.
Bên cạnh đó, gia đình cho hay, Rylee muốn trở thành giáo viên lịch sử và huấn luyện viên đấu vật sau khi xuất ngũ. Trong mắt những người thân thiết, Rylee McCollum là một người đàn ông "thông minh, mạnh mẽ và can đảm".
Vụ đánh bom liều chết đã khiến biết bao người phải đổ máu oan ức
Marilyn là chị gái của nhân viên quân y Max Soviak, người cũng thiệt mạng trong vụ tấn công chia sẻ trên Instagram: "Em trai đẹp đẽ, thông minh, sôi nổi, ồn ào và lôi cuốn của tôi bị giết hôm qua để cứu nhiều sinh mạng".
Bài đăng cuối cùng của Soviak trên mạng xã hội cũng mang nhiều điềm báo. "Giết hoặc bị giết, chắc chắn sẽ cố gắng ở bên tiêu diệt kẻ thù", Soviak đăng ngày 10/6, kèm theo ảnh chụp anh và hai binh sĩ khác đang mặc quân phục, cầm vũ khí.
Max Soviak
Hunter Lopez, 22 tuổi, lính thủy đánh bộ khác thiệt mạng trong vụ nổ, là con trai của một cảnh sát ở bang California. Lopez đã lên kế hoạch tiếp bước cha mẹ, trở thành một cảnh sát sau khi xuất ngũ.
Dì của anh, Brittany Jones Barnett và những người thân khác mô tả Hoover là người dũng cảm và tốt bụng. "Thế giới đã mất đi một nguồn ánh sáng thực sự. Trái tim chúng tôi tan nát. Chúng tôi sốc, không tin nổi, kinh hoàng, buồn bã, đau đớn và tức giận", bà cho hay.
Hunter Lopez
Cha của hạ sĩ Lance Jared Schmitz, 20 tuổi đã gọi đến một đài phát thanh địa phương ở Missouri hôm 27/8 để nói về cái chết của con trai mình và niềm đam mê hoạt động quân sự của anh.
"Con tôi không phải kiểu người chỉ thích ngồi một chỗ, hoàn thành 4 năm quân ngũ rồi rời đi. Con tôi muốn tạo ra sự khác biệt", Mark Schmitz cho hay.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), nhánh hoạt động tại Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã lên tiếng thừa nhận việc tiến hành vụ đánh bom. Quân đội Mỹ hôm 27/8 thông báo đã thực hiện không kích bằng máy bay không người lái, tiêu diệt chiến lược gia của IS-K để đáp trả vụ đánh bom.
Nguồn: USD Today