Vụ nam sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến tự tử: "Đừng để con phải mệt mỏi khi cố gắng làm vừa lòng người lớn"

Thục Hạnh, Theo Helino 16:20 12/04/2018
Chia sẻ

Nam sinh trường THPT Nguyễn Khuyến tự tử, để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do không đáp ứng được kỳ vọng từ gia đình. Sự việc xảy ra khiến nhiều người đau lòng và thương xót, đồng thời bày tỏ nhiều ý kiến về sự giáo dục hợp lý của gia đình và nhà trường.

Sáng 10/4, em H.T.C. - học sinh lớp 10 của trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP.HCM) đã gieo mình từ mái tôn lầu 4 của dãy lớp học xuống sân trường tự tử. Trong lá thư "tạm biệt" mà em để lại, C. cho biết mình đã quá áp lực trong học tập, điểm số và không đáp ứng được kỳ vọng từ gia đình.

Sự việc xảy ra khiến ai cũng bàng hoàng, thương xót. Trên mạng xã hội, không ít người đã bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của nam sinh mới chỉ 16 tuổi, cho rằng trước mắt em là tương lai rộng mở, là rất nhiều niềm vui, tại sao em lại chọn cách hy sinh đi mạng sống? Cũng qua câu chuyện đau lòng này, nhiều người cũng bày tỏ quan điểm, nêu lên tầm quan trọng của sự giáo dục trong nhà trường và định hướng của gia đình đối với con trẻ.

Vụ nam sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến tự tử: Đừng để con phải mệt mỏi khi cố gắng làm vừa lòng người lớn - Ảnh 1.

Trường Nguyễn Khuyến, nơi xảy ra vụ việc

Đừng để con phải mệt mỏi khi cố gắng làm vừa lòng người lớn

Chị V.N.Nga (TP.HCM) chia sẻ lên trang Facebook cá nhân những ý kiến về áp lực trong học tập. Theo chị, áp lực do nhà trường hay do gia đình đều không đáng sợ bằng 1 người tự gây áp lực lên chính mình. Với những đứa trẻ, gia đình hãy để con được tự do phát triển thế mạnh bản thân, đừng để con phải mệt mỏi khi cố gắng làm vừa lòng người lớn.

"Áp lực từ thầy cô và gia đình như thế nào, cũng không đáng sợ bằng áp lực bản thân.

Mỗi người có một nhận thức khác nhau, nó được thiết lập trong quá trình nuôi dưỡng từ bé hay sự nhận thức ở môi trường xung quanh. Rất ít đứa trẻ có thể tự nhận thức được mình sẽ phải đối đáp lại mọi suy nghĩ của gia đình, xã hội ra sao.

Hãy để sấp nhỏ được phát triển tự nhiên trong việc định hướng đúng theo tính cách của nó! Ngưng kỳ vọng tụi nhỏ thành ông này bà kia.

Chỉ cần dạy tụi nó nghị lực vượt qua nghịch cảnh, dạy tụi nó có niềm tin vào bản thân. Và hãy dạy tụi nó cách đón nhận sự việc. Trở thành ai không quan trọng, chỉ cần làm tốt nhất việc của mình trong khả năng và cố gắng!" - chị Nga chia sẻ.

Vụ nam sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến tự tử: Đừng để con phải mệt mỏi khi cố gắng làm vừa lòng người lớn - Ảnh 2.

Đồng quan điểm với chị Nga, anh Đ.Ngọc cũng chia sẻ quan điểm của mình. Theo anh, cha mẹ nào cũng muốn con chăm ngoan, học giỏi, thế nhưng đừng vì thế mà tạo áp lực lên tâm lý vốn còn mong manh của con em mình. Tuổi teen là lứa tuổi có nhiều phức tạp trong tâm lý, rất cần sự đồng hành, định hướng từ cha mẹ, gia đình.

"Tôi đọc tin em học sinh 16 tuổi mà run rẩy. Đau xót quá. Cha mẹ em sẽ vật vã thế nào khi hay tin cái chết của con. Giá có ai đó bên em nhận biết, chia sẻ kịp thời phút non dại, cùng quẫn của em, để giúp em qua được đoạn này. Giá cha mẹ em quan tâm, đừng đặt gánh nặng kỳ vọng quá mức của mình lên vai con... Hành động nhảy lầu của em là giọt nước cuối cùng của chuỗi diễn biến tâm lý buồn chán, lo âu, mặc cảm kém cỏi, và em đơn độc, không vượt qua được giây phút cùng quẫn ấy.

Lại nhớ, mới đây con trai tôi, học sinh lớp 8, học kỳ 1 vừa rồi chẳng may thi toán chỉ được 7 điểm, kéo điểm tổng kết môn xuống 7.9, mà rớt học sinh giỏi. Trong khi điểm tổng kết học kỳ 1 của con là 8.4. Nó khóc thút thít khi biết kết quả, nghẹn ngào liên hồi nhìn thương không chịu nổi. Thấy rõ con khóc vì sợ làm mẹ buồn, thất vọng, khi từ lớp 1 luôn là học sinh giỏi; khóc vì cay đắng chỉ vì sơ sót, chỉ vì 0,1 điểm mà rớt hạng. Tôi xót xa dỗ dành con: "Điểm tổng kết thế là cao rồi, mẹ biết con chỉ sơ sót xíu thôi. Con vốn học giỏi mà". Một hồi nó ngưng khóc và nhẹ nhõm hẳn vì thấy mẹ không buồn gì cả. Vâng, tôi sẽ vui khi con trai tôi là học sinh giỏi, nhưng tôi vui hơn nhiều khi con không phải khóc nghẹn ngào vì 0,1 điểm. Nghĩ nhiều về sự "gò" học sinh, áp lực thành tích, điểm số của trường, về hệ thống tư vấn tâm lý học đường giờ hoạt động ra sao?...

Cha mẹ nào cũng muốn con ngoan, học giỏi, nhưng quá kỳ vọng, tạo áp lực cho con đến mức trẻ phải quyên sinh thì... đau lòng quá. Hẳn là nhiều cha mẹ, trong đó có tôi phải nhập tâm điều này. Nhất là với trẻ tuổi teen, giai đoạn phát triển tâm sinh lý phức tạp, dễ xảy ra những điều đáng tiếc. Có những sai lầm mà chúng ta chẳng bao giờ còn có cơ hội để sửa chữa...

Yên nghỉ ở thế giới bên kia, con nhé!".

Vụ nam sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến tự tử: Đừng để con phải mệt mỏi khi cố gắng làm vừa lòng người lớn - Ảnh 3.

Lứa tuổi teen rất cần sự quan tâm của gia đình - Ảnh: Internet

Sự giáo dục, kỷ luật của nhà trường quyết định rất nhiều đến tâm lý của các em

Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ ý kiến, đối với học sinh đang tuổi đến trường, sự giáo dục, kỷ luật của nhà trường quyết định rất nhiều đến tâm lý của các em. Nếu nhà trường quá khắt khe, đặt kỳ vọng quá nhiều cho học sinh thì tâm lý tiêu cực sinh ra là điều dễ hiểu.

Anh C.T.L.B viết trên mạng xã hội: "Nhà trường là nơi các em học sinh dành phần lớn thời gian học tập, vui chơi. Các thầy cô nên tạo mối quan hệ thân thiết để có thể thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ của học sinh. Hơn thế nữa, nhà trường cũng nên tổ chức các buổi dã ngoại, tư vấn để định hướng tương lai, nghề nghiệp phù hợp với từng học sinh. Đừng để khi mọi chuyện đã quá muộn, chúng ta mới lại ngồi để tiếc nuối".

Vụ nam sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến tự tử: Đừng để con phải mệt mỏi khi cố gắng làm vừa lòng người lớn - Ảnh 4.

Ngoài sự giáo dục của nhà trường, sự quan tâm của gia đình cũng rất quan trọng - Ảnh: Internet

Trong khi đó, anh N.D.Ngọc chia sẻ: "Tôi là người đã từng tham gia dạy, quản lý nội trú học sinh theo mô hình nội trú kiểu này từ hơn 10 năm trước, nhận thấy nhiều vấn đề bất ổn ở môi trường này mà không thể làm gì được để giúp các em nên tôi đã nghỉ!

Các em thật đáng thương vì trở thành "gà công nghiệp", bị áp lực đủ điều, từ không gian sinh hoạt, phương pháp giáo dục; tạo áp lực từ sáng sớm đến 10h đêm nên không bị tâm thần, điên mới là lạ.... Hệ lụy của loại hình này thật đáng sợ".

"Chưa bao giờ tôi ủng hộ môi trường giáo dục đặt quá nhiều gánh nặng cho học sinh như thế này. Mỗi người đều có 1 khả năng, 1 sở trường riêng, tại sao lại cam kết đậu đại học cho các em rồi ép phải học?" - chị B.Duyên viết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày