Ông L.M.Q (bìa phải) tại đám tang cháu Q.
Liên quan đến vụ cháu bé chết bị thiêu không rõ ràng, ngày 13/9, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng cho biết, tại TP. Bảo Lộc chỉ có 3 cơ sở ở xã Lộc Thanh, xã Đam B’ri và phường Lộc Phát được cấp phép nuôi dạy trẻ khuyết tật, chậm phát triển; còn trên địa bàn phường Lộc Tiến không có cơ sở nào được cấp phép.
Tuy nhiên, trước đó, như ông N.H.N (45 tuổi, ngụ TP.Huế) phản ánh, khi ông đưa con trai N.L.M.Q (SN 2019) đến Lâm Đồng để ông L.M.Q (SN 1977, thường trú tại đường Nguyễn Bính, thành phố Huế; tạm trú thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thăm khám, ông này khẳng định sẽ chữa lành bệnh chậm phát triển cho cháu vì ông từng học ở Anh quốc về tật học và có cơ sở điều trị rất hoành tráng tại 54/39 Phan Chu Trinh (phường Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc).
Bà N.T.B (72 tuổi, chủ nhà 54/39 Phan Chu Trinh) chia sẻ đã cho ông Q. thuê lại căn nhà này từ đầu năm 2022 với giá 3 triệu đồng/tháng. Bà không biết ông Q. làm nghề gì, chỉ thấy có 1 phụ nữ và 1 đứa trẻ đến ở cùng người này. Ông Q. cũng không treo bảng hiệu hay quảng cáo gì liên quan đến việc điều trị bệnh chậm phát triển cho trẻ em.
Cơ sở điều trị hoành tráng mà ông Q. "nổ" với ông N., thực chất chỉ là căn nhà cấp 4 mà ông thuê để ở
Nhiều người dân trong xóm thông tin, ông Q. bị tật 2 chân, đi khập khiễng. Những người trong gia đình này thường rời nhà từ sáng sớm, đến tối mới về; không thân thiết, nói chuyện với ai.
Đầu tháng 3/2022, ông N. giao con cho ông Q. cùng với số tiền ứng trước là 600 triệu đồng để ông này chữa bệnh cho con mình; thế nhưng, ngày 27/3 gia đình nhận hung tin cháu N.L.M.Q chết vì mắc COVID-19, thi thể bị hỏa táng bằng than củi.
Uẩn khúc cần làm rõ
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế phường Lộc Tiến không ghi nhận trường hợp nào có tên N.L.M.Q bị mắc COVID -19 và cũng không có người nào chết do COVID-19.
Ngay ngày hôm sau, ông N. đã gửi đơn cho Cơ quan CSĐT Công an TP. Huế xin tố giác tội phạm đối với ông L.M.Q về việc gây ra cái chết cho bé Q. rồi tự ý đốt xác. Công an TP. Huế đã chuyển đơn này cho Công an Lâm Đồng theo thẩm quyền.
“Đến ngày 9/4, do đang lo mai táng cho con và sợ ông bà nội biết chuyện sẽ bị sốc, đột quỵ; sợ thông tin bị đưa lên mạng xã hội hoặc ra tòa sẽ ảnh hưởng đến vợ và con gái, nên tôi đã viết đơn xin rút đơn tố giác tội phạm. Tôi cũng đã 2 lần xin hoãn làm việc với Công an Lâm Đồng vì lo xây mộ, hương khói và do sức khỏe chưa ổn định sau biến cố quá lớn này”, ông N. trình bày.
Sau đó, bình tâm suy nghĩ lại, thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn rằng con mình bị xâm hại nên đến ngày 3/8, ông N. đã làm đơn gửi Công an Lâm Đồng xin rút lại đơn không tố giác tội phạm.
“Ông Q. phải đi lại bằng 2 nạng. Vậy ai là người giúp ông ta đưa thi thể của con tôi lên xuống xe, ai giúp ông Q. thiêu thi thể của cháu? Liệu bình tro cốt đó có phải là xương cốt của con trai tôi không?”, ông N. trăn trở.
Theo lãnh đạo Công an Lâm Đồng, quá trình làm việc với ông Q.và bà T. thì 2 người này khai lúc thì nói đốt xác cháu bé ở Đắk Lắk, lúc thì nói ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra yêu cầu đưa đến các địa điểm trên để kiểm tra, xác minh, ông Q. đưa ra giấy tờ với lý do bị ốm, sức khỏe yếu chưa đi được.
Công an Lâm Đồng đang chờ kết quả giám định ADN; đồng thời làm việc với các bên để làm rõ, xử lý vụ cháu bé bị thiêu không rõ ràng gây xôn xao dư luận này.