Nhiều ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận 17 ca dương tính SARS-CoV-2 về từ các tỉnh có dịch, phân bố tại các quận Thanh Xuân (3), Đống Đa (2), Hoàng Mai (2), Hoàn Kiếm (1), Hà Đông (1), Mê Linh (2), Phú Xuyên (1), Mỹ Đức (2), Chương Mỹ (2) và Phúc Thọ (1).
Đặc biệt, F0 tại phố Đình Ngang, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, về từ TP.HCM nhưng không tuân thủ quy định tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày.
Cô gái 27 tuổi này di chuyển nhiều nơi như mua cơm trên phố Đình Ngang, đến nhà em gái ở phố Hàng Bông, đi làm tóc trên phố Bạch Mai, đến nhà bạn ở chung cư trên phố Minh Khai (tại đây tiếp xúc gần 5 người không nhớ tên).
Qua điều tra truy vết, cơ quan chức năng xác định có 9 F1 gồm 5 người tại số 8 Đình Ngang, 2 người tại phố Hàng Bông, 2 người tại quận Thanh Xuân và Long Biên. UBND phường Cửa Nam tạm thời phong tỏa phố Đình Ngang, phối hợp với TTYT quận lấy 119 mẫu xét nghiệm PCR các F1 và người dân trong khu vực gửi CDC Hà Nội. Tính đến chiều nay, 119 mẫu âm tính lần 1.
Cơ quan chức năng chốt chặn 2 đầu phố Đình Ngang, lấy mẫu 119 người sau ca dương tính về từ TP.HCM
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, ca bệnh về từ TP.HCM nhưng không thực hiện việc tự theo dõi sức khỏe mà đi lại nhiều nơi, lịch trình phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị cần có biện pháp quản lý, giám sát, theo dõi chặt những người về từ TP.HCM và một số địa phương từng có dịch, tránh gặp phải trường hợp tương tự.
Trao đổi với chúng tôi tối 17/10, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) nhận định Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ khi người dân từ các vùng có dịch đổ về, xác suất có nhiều ca nhiễm.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phát hiện và kiểm soát tốt. Nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2, chính quyền địa phương phải nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, truy vết và dập dịch, không để lây lan ra cộng đồng.
PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
Hà Nội tạo điều kiện cho người dân trở về từ các vùng có dịch không phải cách ly tập trung, thay vào đó tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày. Theo ông Phu, tự theo dõi sức khỏe tại nhà là không đi ra khỏi nhà, thực hiện triệt để 5K để hạn chế lây lan cho người nhà và cộng đồng.
"Chúng ta đang hướng đến việc mở cửa, chuyển sang trạng thái bình thường mới. Nếu người dân không ý thức thì rất nguy hiểm. Những ai về từ các địa phương có dịch phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, hạn chế tiếp xúc, không đến chỗ đông người", ông Phu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 tạm dừng áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 trên toàn quốc, nhu cầu di chuyển giữa các địa phương của người dân tăng cao. Do đó, để kiểm soát tình hình dịch bệnh, người dân cần nâng cao ý thức tuân thủ nguyên tắc 5K, khai báo y tế khi về địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành cách ly tại nhà.
"Cách ly tại nhà là một trong những biện pháp được áp dụng để đảm bảo an toàn cho người dân và những người xung quanh, đồng thời hạn chế lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng", luật sư Tiền nói.
Đối với trường hợp F0 tại quận Hoàn Kiếm, lãnh đạo UBND quận cho biết đang giao Công an quận lập hồ sơ để xem xét xử lý. Theo luật sư Tiền, tùy vào tính chất, mức độ hành vi và hậu quả do việc không tuân thủ quy định phòng, chống dịch gây ra thiệt hại mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, đối với trường hợp không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng.
Trong trường hợp không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Nếu làm lây truyền dịch bệnh cho người khác do không tuân thủ quy định về cách ly có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
"Người dân cần nâng cao trách nhiệm công dân với sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Biện pháp đơn giản mà hữu hiệu nhất mà mỗi người có thể đóng góp trong thời điểm này không phải là tiền của, vật chất mà chính là ý thức chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch", luật sư Trần Xuân Tiền nói.
Clip: Những điểm mới hướng dẫn xét nghiệm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (Nguồn: Bộ Y tế)