Báo Người Lao Động vừa phản ánh trường hợp một khách hàng của ngân hàng Eximbank ở Quảng Ninh mở thẻ tín dụng và có phát sinh dư nợ hơn 8,5 triệu đồng nhưng không thanh toán, 11 năm sau khoản dư nợ này lên tới hơn 8,8 tỉ đồng.
Thông tin này khiến nhiều người "sốc" trước số tiền lãi mà người đàn ông ở Quảng Ninh phải trả. Đa phần các ý kiến đều thắc mắc về số tiền lãi mà người đàn ông phải trả được tính như thế nào để ra một con số khổng lồ như vậy?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, thẻ tín dụng là một giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng được cấp. Chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45-55 ngày.
Có nhiều loại lãi suất khác nhau khi dùng thẻ tín dụng, chủ thẻ cần lưu ý để tránh phát sinh nợ quá hạn
Hết thời hạn miễn lãi, chủ thẻ có 2 lựa chọn thanh toán mỗi tháng (tương đương với mỗi kỳ sao kê): thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ.
Trường hợp chủ thẻ chọn thanh toán dư nợ tối thiểu (khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kỳ sao kê) sẽ không bị tính phí phạt trả chậm. Tuy nhiên, khoản nợ còn lại vẫn sẽ bị tính lãi suất lên tới 20% - 40%/năm (tùy ngân hàng) và sẽ được cộng dồn vào kỳ thanh toán kế tiếp.
Trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán đủ dư nợ tối thiểu trong 1 kỳ sao kê theo thông báo của ngân hàng, sẽ bị tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ cộng thêm phí chậm trả.
Cụ thể, khách hàng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm khoảng 5% tổng dư nợ (tối thiểu là 100.000 đồng, tùy theo quy định của ngân hàng) và lãi suất quá hạn lên đến 20 - 40%/năm, số tiền sẽ được tính tùy theo số ngày quá hạn.
Với những trường hợp chậm trả thanh toán thẻ tín dụng trong thời gian dài, số tiền phát sinh có thể hiểu như sau: Số tiền lãi và gốc phải trả của kỳ này được tính dựa trên số tiền gốc và lãi phải trả của kỳ ngay trước đó (không phải tính dựa trên dư nợ gốc).
Những loại lãi suất khác khi sử dụng thẻ tín dụng
Lãi suất thẻ tín dụng khi rút tiền mặt: Khi sử dụng tính năng rút tiền mặt tại các ATM, khách hàng sẽ chịu một khoản phí áp trên số tiền đã rút, dao động từ 3% - 5% tùy theo quy định của từng ngân hàng.
Lãi suất chuyển đổi ngoại tệ: Khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng tại các quốc gia khác ngoài lãnh thổ Việt Nam, sẽ chịu một khoản phí trên mỗi giao dịch phát sinh chuyển đổi ngoại tệ. Khoản phí này dao động từ 2% - 4% tùy theo quy định của từng ngân hàng.
Lãi suất chuyển đổi trả góp: Khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng đối với giao dịch mua hàng trả góp, thẻ tín dụng phải chịu lãi suất chuyển đổi trả góp. Biểu phí lãi suất có thể thay đổi theo quy định của từng ngân hàng. Do đó, khách hàng cần nắm rõ biểu phí trước khi giao dịch hoặc liên hệ ngân hàng phát hành để được tư vấn chi tiết. Hiện nay mức lãi suất chuyển đổi trả góp thẻ tín dụng dao động từ 0,8% - 1,3%/năm.