Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2023, hơn 87% số người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và các tổ chức được phép khác, vượt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2020.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu dựa trên số liệu của Ngân hàng Thế giới của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), bức tranh tiếp cận dịch vụ tài chính trên quy mô toàn quốc có sự phân hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trưởng thành thuộc nhóm thu nhập thấp nhất có tài khoản thanh toán, kém xa so với bốn nhóm thu nhập còn lại; tốc độ cải thiện về sở hữu tài khoản của nhóm thu nhập thấp nhất cũng gần như không đáng kể.
Thực tế cho thấy, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận tài chính hơn khu vực thành thị bởi các rào cản về thu nhập, địa lý, chi phí, thói quen tiêu dùng… Đến cuối năm 2023, mới chỉ có khoảng 32,98% xã/thị trấn (tính cho địa bàn nông thôn) có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội).
Với mong muốn đảm bảo công bằng, bình đẳng cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ tài chính, từ năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tiên phong thử nghiệm mô hình đại lý ngân hàng (agent-banking). Được đánh giá là một kênh phân phối đổi mới, mô hình đại lý ngân hàng đã và đang trở thành giải pháp then chốt tại nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. Thông qua mô hình này, người dân ở những nơi chưa có mạng lưới chi nhánh ngân hàng, ATM truyền thống hay phòng giao dịch sẽ được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính như nhận - rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán nợ, thanh toán hóa đơn… mà không cần đến ngân hàng.
Ông Lê Văn Đại - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) cho biết, kể từ khi thí điểm mô hình đại lý ngân hàng, hệ thống ghi nhận có khoảng 1,6 triệu giao dịch được thực hiện mỗi tháng, minh chứng cho thấy hiệu quả của một mô hình mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng.
Mới đây, Viettel và MB cũng chính thức ký kết hợp tác triển khai mô hình đại lý ngân hàng tại khắp 63 tỉnh thành. Theo đó, từ ngày 26/12/2024, người dân cả nước có thể sử dụng dịch vụ của ngân hàng MB tại hơn 2.000 cửa hàng Viettel Store và bưu cục Viettel Post.
Chia sẻ tại lễ ký kết, đại diện Viettel Digital khẳng định sự kiện không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình hợp tác giữa hai bên mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách tiếp cận tài chính và tạo động lực cho tăng trưởng bền vững.
“Hy vọng, đây sẽ là tiền đề để mối quan hệ hợp tác tiếp tục phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực; đóng góp vào sự chuyển biến tích cực về chuyển đổi số trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính và các dịch vụ tiện ích tốt nhất cho người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc” - ông Lê Văn Đại bày tỏ.
Thời gian tới, hai bên cũng cam kết tiếp tục cải tiến nhiều giải pháp tài chính nhằm tối ưu lợi ích cho khách hàng. Dự kiến, các dịch vụ mới sẽ bao gồm việc hỗ trợ nộp và rút tiền mặt, thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, chuyển tiền và thực hiện các dịch vụ thanh toán khác.
Trong bối cảnh nhu cầu chuyển tiền tăng cao vào mùa mua sắm và dịp lễ Tết, hợp tác Viettel - MB sẽ giúp người dân an tâm giao dịch cũng như dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng và thuận lợi.