Rau gia vị và rau sống là một khía cạnh đặc biệt trong ẩm thực Việt Nam, và được phân loại vào thảo mộc (herbs) chứ không phải các loại rau củ quả (vegetables). Và khác với nhiều nước dùng thảo mộc như gia vị, nêm chỗ này một ít, chỗ kia một ít, người Việt Nam có cách sử dụng các loại rau nhỏ này rất "hào phóng". Thường thường thì người Việt Nam hay gọi chung là "rau thơm", vì loại nào cũng có mùi hương đặc trưng và được ăn kèm với rất nhiều những món ăn truyền thống Việt Nam.
Khác với những loại rau cải thông thường, rau thơm Việt Nam rẻ "như cho" vậy. Thậm chí đến các hàng rau củ quả quen thuộc ở chợ, chỉ cần bạn mua một món gì đó thì còn có thể được cho không ít rau thơm. Và mặc dù chẳng đáng là bao, nhưng những loại rau này là thành phần không thể thiếu, góp phần tạo nên nét đặc trưng cho nhiều món ăn Việt.
Nhắc đến ngò gai thì không thể không nghĩ đến các món như phở, canh chua và canh các loại khoai như khoai môn, khoai mỡ... Ở nước ngoài người ta chỉ dùng ngò hay các loại tương tự để ướp thịt, cá, tạo mùi cho món ăn, nhưng ở Việt Nam thì được ăn sống. Việc ăn sống này khiến mùi thơm mạnh và hơi hăng của ngò gai được giữ trọn vẹn, khi kèm những món có vị đậm đà hoặc beo béo một chút sẽ mang lại sự cân bằng cho món ăn, giảm ngấy. Ngò gai ăn với phở có lẽ là sự kết hợp nổi tiếng nhất, nếu không có ngò gai thì bát phở sẽ trông thật xa lạ. Thậm chí là đối với những người không ăn ngò gai đi nữa, thì hình ảnh ngò gai nằm trong đĩa rau sống bên cạnh cũng trở thành một điều quen thuộc.
Rau răm có vị cay the, mùi thơm hăng, và hẳn chẳng cần nói thì ai cũng biết rau răm đi với trứng vịt lộn là "tuyệt phối". Thậm chí có nhiều người theo phản xạ có điều kiện, nghe mùi rau răm thì liền nghĩ ngay đến trứng vịt lộn, một số còn nhầm mùi rau răm là mùi trứng vịt lộn. Hai món này gắn liền nhau đến mức không thể tách rời. Ngoại trừ các yếu tố hương vị thì đây là sự kết hợp để mang lại cân bằng cho cơ thể. Hột vịt lộn có nhiều chất đạm, ăn nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Rau răm lại có tính ấm, chống đầy hơi, sát trùng và tán hàn, giúp dễ tiêu.
Ngoài ra thì các món gỏi, nộp, gà xé phay nếu vắng bóng rau răm thì sẽ chẳng còn gì là đặc trưng nữa.
Là loại rau thơm phổ biến nhất nhì, và chỉ cần là các món bún phở truyền thống của Việt Nam thì "mâm" nào húng quế cũng có mặt. Húng quế cũng có vị cay nhưng nhẹ, đi sau là dư vị ngòn ngọt. So với ngò gai thì húng quế còn phổ biến hơn tỏng các món như phở, bún bò Huế... Thậm chí các món gỏi cuốn cũng cần có húng quế để giữ được hương vi đặc trưng. Ngoài ra thì húng quế cũng được dùng để trang trí nhiều món ăn.
Nghe tên thì có vẻ lạ, nhưng nhắc đến bún đậu mắm tôm thì chắc kèo là ai cũng nhớ ra ngay. Đấy chính là loại rau thơm ăn kèm với bún đậu mắm tôm trứ danh đấy. Tưởng tượng bún đậu mắm tôm mà không có lá kinh giới thì thật là chẳng nhận ra. Kinh giới đặc biệt "thân thiết" với ẩm thực miền Bắc khi mà góp mặt trong hầu hết các món gỏi, bún, cháo...
Thử tưởng tượng gọi một phần chả cá lã vọng mà không thấy cọng thì là nào, chắc chắn ai cũng sẽ lấy làm lạ cho mà xem. Thì là là loại rau thơm thường ăn kèm với các món cá, do độ ấm cùng mùi thơm nồng đặc trưng giúp loại bỏ vị tanh. Một trong những món ăn phổ biến nhất có thì là mà ai cũng biết là chả cá lã vọng, ngoài ra thì còn có canh chua cá các loại hoặc các món chả cá.