Phút 45+1’, đón pha ném biên của Tuấn Tài, Dụng Quang Nho ngoặt bóng loại bỏ hậu vệ Hairiey Hakim bên phía U23 Malaysia trong vòng cấm. Bóng chạm tay Hairiey bật lại nhưng cú sút của Quang Nho bị chặn đứng bởi pha ngăn cản kịp thời từ Zikri Khalili.
Trọng tài Dilan Perera cho U23 Việt Nam hưởng quả phạt góc nhưng sớm nhận tín hiệu từ tổ VAR. Trong phòng máy, các trợ lý video kiểm tra tình huống chạm tay của hậu vệ Hairiey Hakim. Sau 4 phút trao đổi nhưng không ra vấn đề, trọng tài chính bèn chạy ra đường biên xem lại tình huống. Phải mất tới 2 phút xem kỹ, trọng tài mới trao penalty cho U23 Việt Nam và rút thẻ đỏ trực tiếp đuổi Hairiey Hakim.
Sở dĩ các trọng tài mất rất nhiều thời gian bàn bạc vì phải phân định 2 vấn đề rắc rối: quả pen cho U23 Việt Nam và hình phạt cho cầu thủ U23 Malaysia. Luật chạm tay theo quy định của IFAB (Hội đồng bóng đá quốc tế) khá phức tạp. Theo luật sửa đổi mới nhất, cầu thủ sẽ không bị thổi phạt đền nếu cánh tay làm cơ thể to ra tự nhiên, hoặc cánh tay là hệ quả của chuyển động, giúp cơ thể chống đỡ khi ngã xuống sân.
Nhưng góc cánh tay thế nào thì được gọi là hệ quả của chuyển động tự nhiên và giúp cơ thể chống đỡ khi ngã mới là câu chuyện phức tạp, mất nhiều thời gian để phân xử. Trong trường hợp này, cánh tay cầu thủ U23 Malaysia tạo một góc gần 180 độ so với thân, dẫn đến cảm giác anh ta cố tình vươn tay ra để cản bóng, nên bị IFAB xếp vào dạng “cánh tay không tự nhiên", giống với tình huống Duy Mạnh chơi bóng bằng tay ở vòng loại 3 World Cup 2022. Nếu anh ta khép tay lại khi trượt xuống mặt cỏ sau cú xoạc, như 2 tình huống dưới đây thì mới có thể được tính là tư thế tay tự nhiên.
Thứ hai, trọng tài chính cũng cần nhiều thời gian để phân tích xem cầu thủ này xứng đáng ăn thẻ đỏ hay chỉ nhận thẻ vàng. Cuối cùng, quyết định của trọng tài người Sri Lanka là hậu vệ số 2 của U23 Malaysia cố tình dùng tay chơi bóng, ngăn cản cơ hội trực tiếp dẫn đến bàn thắng nên phải bị đuổi khỏi sân.