Vì sao nhóm 24 chuyên gia quốc tế bác bỏ giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm?

Trà My, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 15:25 07/07/2021

Nhóm chuyên gia này nói rằng không có bằng chứng khoa học xác thực cho thấy COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa lên tiếng bác bỏ giả thuyết đại dịch COVID-19 có thể bắt đầu từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm và kêu gọi hợp tác nhiều hơn để điều tra nguồn gốc của virus.

Trong một lá thư đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 5/7, 24 nhà khoa học quốc tế nổi tiếng đã ủng hộ lời kêu gọi gần đây của các quốc gia G7 nhằm điều tra thêm về nguồn gốc của virus gây ra đại dịch COVID-19. Họ cũng kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) "khẩn trương" tiếp tục nghiên cứu với các chuyên gia ở Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc.

Đây là lần thứ 2 nhóm các nhà khoa học này "lên án các thuyết âm mưu gợi ý rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên". Trước đó, họ cũng đã viết một bức thư tương tự đăng tải trên tạp chí The Lancet hồi tháng 2 năm 2020.

"Giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm không có bằng chứng khoa học xác thực"

Nhóm các chuyên gia viết trong bức thư ngày 5/7: "Đã đến lúc giảm nhiệt cuộc tranh luận và làm nổi bật lên ánh sáng của nghiên cứu khoa học".

Những giả thuyết cho rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên đã thu hút sự chú ý trong những tháng gần đây và ngày càng nhiều nhà khoa học kêu gọi điều tra sâu hơn khả năng này. Một số nhà phê bình cho rằng giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm đã bị bác bỏ quá nhanh. Nhiều nhóm chuyên gia, bao gồm nhóm 2 chuyên gia Anh và Na Uy và nhóm 2 chuyên gia Mỹ , thậm chí còn chia sẻ bằng chứng mà họ tìm thấy, gợi ý rằng virus được con người tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Trong bức thư mới nhất, các nhà khoa học giữ vững quan điểm ban đầu của họ rằng virus xuất hiện trong tự nhiên. Nhóm chuyên gia này bao gồm Jeremy Farrar, người đứng đầu quỹ từ thiện Wellcome có trụ sở tại London; Dennis Carroll, cựu giám đốc đơn vị nguy cơ đại dịch mới của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ); và nhà virus học hàng đầu người Đức Christian Drosten thuộc bệnh viện đại học Charite ở Berlin; và các chuyên gia khác.

Vì sao nhóm 24 chuyên gia quốc tế bác bỏ giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm? - Ảnh 1.

Ảnh chụp bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán - tâm điểm của giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm

"Chúng tôi tin rằng manh mối vững chắc nhất từ ​​bằng chứng mới, đáng tin cậy và được bình duyệt trong các tài liệu khoa học cho thấy virus đã tiến hóa trong tự nhiên, trong khi giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm vẫn không có bằng chứng khoa học xác thực trên các tạp chí khoa học được bình duyệt", các nhà nghiên cứu viết.

"Cáo buộc và phỏng đoán không giúp ích gì, vì chúng không tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin và đánh giá khách quan… Cáo buộc lẫn nhau cũng không, và sẽ không khuyến khích hợp tác quốc tế", các chuyên gia viết thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận rằng quan điểm của họ "không phải là dữ liệu cũng như kết luận" và cuộc điều tra cần được diễn ra theo đúng quy trình khoa học, bao gồm "các cuộc đối thoại đang diễn ra" và đặt ra "những câu hỏi mới".

"Việc thu thập thông tin khoa học một cách cẩn thận và minh bạch là điều cần thiết để hiểu được cách thức virus lây lan và để phát triển các chiến lược giảm thiểu tác động đang diễn ra của COVID-19, cho dù nó xảy ra hoàn toàn trong tự nhiên hay bằng cách nào đó xuất hiện trong cộng đồng thông qua một con đường nào khác".

Vì sao nhóm 24 chuyên gia quốc tế bác bỏ giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm? - Ảnh 2.

Nhóm chuyên gia WHO đến Viện Virus học Vũ Hán tháng 2 năm 2021 trong một nhiệm vụ tìm hiểu về nguồn gốc COVID-19

"Khoa học khó có thể tiếp tục khi thiếu đối thoại"

Lá thư này được đăng tải khi nguồn gốc COVID-19 trở thành vấn đề nóng hổi trong thời gian gần đây. Đầu năm nay, WHO đã cử một nhóm các chuyên gia đến Trung Quốc trong một nhiệm vụ giai đoạn 1 kéo dài 4 tuần để tìm hiểu về nguồn gốc COVID-19.

Chủ đề nguồn gốc COVID-19 cũng được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng trước. Trong đó, các nhà lãnh đạo kêu gọi WHO thực hiện "một nhiệm vụ giai đoạn hai kịp thời, minh bạch, do các chuyên gia dẫn đầu và dựa trên khoa học". Bắc Kinh cũng đã lên tiếng ủng hộ việc nghiên cứu thêm về nguồn gốc COVID-19, nhưng cho biết "phần liên quan đến Trung Quốc" đã được thực hiện và công việc cần được tiến hành ở những nơi khác.

Leo Poon Lit-man, một giáo sư tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hồng Kông, một trong những chuyên gia ký hai lá thư đăng trên The Lancet, cho biết ông và các nhà khoa học khác lo ngại về sự không chắc chắn trong nghiên cứu giai đoạn hai.

Ông Poon cho biết: "Khoa học khó có thể tiếp tục khi thiếu đối thoại và giao tiếp", ám chỉ những lập luận về các giả thuyết khác nhau là một trở ngại của cuộc điều tra.

Vì sao nhóm 24 chuyên gia quốc tế bác bỏ giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm? - Ảnh 3.

Nhóm chuyên gia do WHO hậu thuẫn đến thăm một trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh động vật ở Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 2 năm 2021

"Chúng ta không có một cuộc đối thoại lành mạnh và xét trên sức khỏe cộng đồng, chúng ta phải xây dựng lòng tin… Tôi chỉ thấy không có sự tin tưởng giữa các chính phủ và trong các cộng đồng khoa học, và chúng ta cần phải tìm cách để hòa giải vấn đề này", ông nói.

Các chuyên gia trong phái đoàn do WHO cử đến Trung Quốc hồi đầu năm nay cho biết giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm - thường được liên kết với Viện Virus học Vũ Hán - là giả thuyết ít có khả năng xảy ra nhất trong số 4 kịch bản tiềm ẩn về cách virus (được cho là từ dơi) truyền sang người. Họ đề nghị nghiên cứu thêm ở Trung Quốc và các khu vực khác.

Nhưng sau khi báo cáo của họ được công bố vào tháng 3, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tất cả các giả thuyết vẫn đang được thảo luận và kêu gọi đánh giá nhiều hơn về giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Ông Tedros cũng nhắc đến các vấn đề trong việc truy cập dữ liệu thô trong chuyến thăm Trung Quốc và kêu gọi "chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn". Gần đây nhất, WHO cũng cho biết họ không loại trừ giả thuyết COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm.

Kể từ đó, mối quan tâm đến giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm đã tăng lên, với một nhóm nhà khoa học riêng biệt, trong một bức thư gửi tới tạp chí Science hồi tháng 5, kêu gọi cả giả thuyết về nguồn gốc tự nhiên và giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm được xem xét nghiêm túc "cho đến khi chúng ta có đủ dữ liệu".

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tháng 5 cũng đặt ra thời hạn 90 ngày để các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá hai giả thuyết.

Trung Quốc quyết liệt bác bỏ giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, bảo vệ tính minh bạch của mình và cáo buộc "một số quốc gia bắt nạt và ép buộc" các nhà khoa học ủng hộ giả thuyết này.

"Mọi người đều hiểu rằng việc truy tìm nguồn gốc của COVID-19 không nên được chính trị hóa và nó phải dựa trên cơ sở khoa học, được tiến hành thông qua hợp tác toàn cầu", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vào thứ 6 tuần trước.

Nguồn: SCMP