Không thể phủ nhận Gen Z là thế hệ đang tạo ra một trang mới cho cả thế giới với rất nhiều sáng kiến, cải tiến và xu hướng. Thế hệ khum-biết-sợ-gì ấy sẵn sàng thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực, cho phép chính mình được đầu tư vào những thứ có thể đem lại thành công cho các bạn,... điều mà các thế hệ trước dường như e dè khi thực hiện.
Thế nhưng, chính làn sóng mạnh mẽ đó mà Gen Z tạo ra đã vô hình trung làm người ta quên rằng chính các bạn trẻ ấy cũng đang đối diện với một hiện tượng đáng báo động: dễ dàng rơi vào trạng thái "burn out" (tình trạng kiệt sức về cảm xúc, thể chất, tinh thần do căng thẳng quá mức và kéo dài).
Thỉnh thoảng lại thấy một bài viết: trải nghiệm tồi tệ tháng đầu tiên đi làm, kiệt sức vì việc học tại trường và hoạt động CLB, không hài lòng với những gì mình có,... và hàng tỉ tỉ thứ khác đang xuất hiện trên mạng xã hội.
Nguyên nhân đến từ đâu? Gen Z tự tạo ra hay áp lực ngoại cảnh?
Thành công sớm, chủ doanh nghiệp này, thắng chứng khoán nọ, công việc tự do có thu nhập cao,... Gen Z đã đạt được rất nhiều thành tựu từ khi còn rất trẻ: KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN!
Thế nhưng tất cả những điều đó không được tạo ra để trở thành quy chuẩn giá trị cho cả một thế hệ với dân số rất cao và mỗi người lại có một bản sắc rất riêng.
Chính vì được sinh ra và lớn lên trong một thế hệ như thế, Gen Z dễ dàng bị cuốn theo những cuộc "chạy đua", không muốn bỏ lỡ, không muốn thua thiệt. Họ dành hàng giờ liền để làm việc, dành cả tuần chẳng đi đâu để đạt được một thành tựu gì đó,... chung quy lại vì sợ không biết mình đã đủ thành công chưa?
Nên nhớ rằng, chúng ta là một thế hệ phát triển chứ không phải một thế hệ tranh đua thiệt hơn. Bán rẻ sức khỏe, tâm lực cho những cuộc đua vô bổ là điều không thật sự cần thiết.
Ảnh minh họa
Gen Z không may (nhưng cũng có phần may) lớn lên trong một thế giới với rất nhiều biến động. Đại dịch 3 năm qua đã phần nào tạo nên những khoảng thăng trầm cho cả một thế hệ và thúc đẩy họ phải liên tục thích nghi.
Việc liên tục thích nghi đặt Gen Z vào một ván bài sống còn: thích nghi hoặc bị bỏ lại? Giai đoạn giãn cách xã hội họ phải học cách làm việc tại nhà, tự cân bằng cuộc sống; để rồi khi bình thường mới trở lại, họ học cách thoát khỏi lối sống tự chủ để bắt đầu bước ra ngoài;... vòng lặp đó liên tục lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong những năm qua đã khiến cho Gen Z bị quay cuồng với việc thích nghi và quên rằng, bản thân cũng cần phải dừng lại để nghỉ ngơi.
Ảnh minh họa
Thế hệ Z không thích lựa chọn, các bạn muốn được chọn tất cả. Người xưa có dạy lại: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng Gen Z không thích thế, họ thích cả tốt gỗ và tốt nước sơn. Thích nét đẹp bên ngoài, nhưng cũng thích cả nét đẹp bên trong. Họ ý thức rất rõ phát triển của IQ và EQ mà chẳng cần bỏ lại gì phía sau - điều mà các thế hệ trước dường như quên lãng.
Những năm gần đây, khi công nghệ phát triển, xã hội biến động nhiều hơn, EQ bắt đầu được nhắc tới như một xu hướng mới, một phương diện mới cần được trang bị và giáo dục cho thế hệ đón đầu tương lai. Chỉ có Trí thông minh cảm xúc mới mang lại sự thấu cảm, đồng hành và kết nối. Thế nhưng, khi đặt vào bối cảnh với nhiều áp lực như vậy, việc đặt nặng EQ phần nào khiến các bạn dễ dàng "thẩm thấu" nỗi buồn và áp lực đó hơn. Điều này đã vượt ra khỏi định nghĩa của EQ và dần trở thành sự nhạy cảm.
Chính việc dễ dàng nhạy cảm khiến các bạn trở nên dễ kiệt sức về cả tinh thần hơn rất nhiều.
Ảnh minh họa
Thế hệ phát triển, thế hệ cảm xúc, thế hệ đầy biến động,... không đồng nghĩa với thế hệ "burn out". Tất cả những điều đó là động lực để Gen Z phấn đấu và cải tạo cuộc sống, thay vì tạo ra thêm áp lực cho chính mình.
Chuẩn giá trị được đặt ra bởi chính bạn, bằng việc bạn xác định bản sắc cá nhân và những mục tiêu của riêng bản thân mình. Chính điều đó sẽ giúp các bạn vững vàng hơn và sắp xếp cuộc sống hợp lí hơn, không để bản thân liên tục rơi vào trạng thái "burn out" hay kiệt quệ.
Nguồn: Diversity Q & Havard Business Review