Gen Z và thói quen chi tiêu khác biệt so với thế hệ trước như thế nào?

Q.N, Theo Trí Thức Trẻ 15:39 30/05/2022

Ưu tiên vào chất lượng và tính trải nghiệm, thế hệ Z có cách tiêu tiền khác hẳn thế hệ trước.

Thế hệ Z lớn lên trong cuộc Đại suy thoái và đang bước vào tuổi trưởng thành nhờ nền kinh tế từng hứa hẹn nhưng đã bị đại dịch Covid-19 tàn phá. Việc từng trải qua nền kinh tế không có sự chắc chắn và luôn thay đổi có thể sẽ củng cố một số thói quen chi tiêu mà thế hệ Z kế thừa từ thế hệ Millenial, đồng thời tạo ra các hành vi tài chính mới.

Trước hết, những người tiêu dùng trẻ tuổi yêu cầu các dịch vụ công nghệ nhanh, đáng tin cậy và sẽ trả một khoản phí cao cho các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa. Nhưng đồng thời, đây cũng là thế hệ có nhiều sự hoài nghi về bảo mật dữ liệu và bảo vệ thông tin tín dụng cá nhân.

Gen Z là ai?

Thế hệ Z (Gen Z) có năm sinh trong khoảng từ 1997–2012. Điều đó có nghĩa là những thành viên lớn tuổi nhất của nhóm chỉ mới bước vào tuổi trưởng thành.

Morgan Stanley ước tính rằng thế hệ Z sẽ trở thành thế hệ lớn nhất của Mỹ vào năm 2034, tăng lên chỉ dưới 80 triệu người. Ngân hàng ước tính rằng “sự bùng nổ của giới trẻ” này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế theo những cách chưa từng thấy kể từ thời kỳ hoàng kim của Baby Boomers.

Gen Z và thói quen chi tiêu khác biệt so với thế hệ trước như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mặc dù vẫn còn trẻ nhưng thế hệ Z đã có sức mạnh chi tiêu đáng kể. Công ty tư vấn Barkley Inc. ước tính rằng những người tiêu dùng trẻ tuổi có thể đã chi tiêu trực tiếp hàng năm hơn 140 tỷ đô la Mỹ ở Hoa Kỳ và tạo ra tới 127,5 tỷ đô la chi tiêu bổ sung cho các thành viên khác trong gia đình.

Không chỉ am hiểu tường tận về kĩ thuật số, Gen Z còn có khả năng nắm bắt xu hướng cực kì nhanh nhạy. Ước tính rằng gần như tất cả thanh thiếu niên đều có quyền truy cập vào điện thoại thông minh và 97% sử dụng một trong bảy nền tảng kỹ thuật số lớn. Một cuộc khảo sát của Morgan Stanley cho thấy 60% thế hệ Z đã thực sự sử dụng điện thoại thông minh trước 14 tuổi. Các chuyên gia cho rằng những trải nghiệm đó sẽ có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành kỳ vọng của thế hệ đó đối với hoạt động tiếp thị, mua sắm và tiết kiệm.

Đáng chú ý hơn, dù được ảnh hưởng tích cực về cách quản lí chi tiêu từ gia đình và thế hệ trước, Gen Z vẫn còn sự hoài nghi nhất định về tính ổn định của kinh tế, khi thế hệ này đã trải qua thời kì Covid-19 và cảnh giác hơn về chuyện tiền bạc, thu nhập và việc làm.

Gen Z tiêu tiền khác thế hệ trước như thế nào?

Thế hệ Z đã và đang phát triển thói quen chi tiêu và tiết kiệm sẽ tồn tại cho đến khi trưởng thành. Điều đó bao gồm kỳ vọng rằng công nghệ thanh toán, phương pháp tiếp cận kỹ thuật số ưu tiên hàng đầu và các kênh bán hàng kỹ thuật số nhanh chóng và đáng tin cậy hơn.

Morgan Stanley phát hiện ra rằng thế hệ Millennials và thế hệ Z đều dành một phần lớn thu nhập của họ cho việc ăn uống, thiết bị di động, phương tiện đi lại và nhà ở.

Gen Z và thói quen chi tiêu khác biệt so với thế hệ trước như thế nào? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Gen Z cũng có thói quen chi tiêu cho mua sắm tại các trang thương mại điện tử bằng hình thức thanh toán bằng thẻ, tín dụng hoặc ví điện tử. Tuy nhiên, một điều đáng ái ngại là thế hệ Z có thể chiếm khoảng một phần ba nợ tiêu dùng.

Theo thống kê cho thấy, phương thức mua hàng trước thanh toán sau của Gen Z ngày càng được nhiều doanh nghiệp áp dụng, điều này đồng nghĩa với việc Gen Z ngày càng có xu hướng thích mua trả góp hơn. Lý giải nguyên nhân này, nhiều chuyên gia cho rằng, lý do lớn nhất để Gen Z chịu chi trước như vậy đó là do tính hấp dẫn của những sản phẩm mới, họ không muốn bỏ lỡ những sản phẩm mới và hiện đại nhất, họ không muốn bị coi là “lỗi thời”, luôn phải bắt kịp xu hướng.

Chú trọng đến giá trị nhưng sẽ trả giá cao cho trải nghiệm độc đáo

Triển vọng kinh tế không chắc chắn sẽ chỉ làm tăng sở thích của Thế hệ Z về giá trị khi họ mua sắm. Theo báo cáo, 65% thế hệ Z có xu hướng tìm kiếm giá trị khi đưa ra quyết định mua hàng và hơn một nửa sẽ thay đổi thương hiệu nếu họ thấy sản phẩm thiếu chất lượng.

Gen Z cũng rất vui khi tìm đến các mạng phi tập trung để kiếm và tiêu tiền. Một cuộc khảo sát từ công ty thương mại điện tử Afterpay cho thấy 72% Thế hệ Z muốn bắt đầu kinh doanh riêng và nhiều người sử dụng các thị trường ngang hàng trực tuyến để kiếm tới 10.000 đô la mỗi năm ngoài mức thu nhập thông tường.

Gen Z và thói quen chi tiêu khác biệt so với thế hệ trước như thế nào? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Mặc dù thích đồ rẻ và chất lượng, thế hệ Z vẫn sẽ chi tiền cho những món đồ xa xỉ. Theo các nhà nghiên cứu tại công ty tư vấn McKinsey, thay vì tìm kiếm những nhãn hiệu thể hiện địa vị xã hội, người tiêu dùng thế hệ Z có nhiều khả năng chi trả cao hơn cho những mặt hàng độc đáo và phù hợp với sở thích của họ.

Tương tự, thế hệ Z cũng quan tâm hơn tới các doanh nghiệp có trách nhiệm về môi trường và xã hội. Gen Z cũng thích công nghệ hiện đại, thích trải nghiệm dịch vụ tốt, không thích chờ đợi, không thích thời gian giao hàng lâu. Vì vậy, họ sẽ quan tâm đến mức độ trả lời tin nhắn, hỗ trợ dịch vụ của doanh nghiệp để quyết định mua hàng.

Cuối cùng, là thế hệ có tiềm năng chi tiêu lớn, nhưng Gen Z cũng là một khách hàng “khó tính” trong vấn đề chi tiêu bởi nhiều yếu tố liên quan đến thu nhập, công việc, mạng xã hội, nền kinh tế và môi trường kĩ thuật số. Nhưng bên cạnh đó, đây cũng là thế hệ tiêu tiền nhiều hơn cho trải nghiệm và tính cá nhân hóa của bản thân.

https://kenh14.vn/gen-z-va-thoi-quen-chi-tieu-khac-biet-so-voi-the-he-truoc-nhu-the-nao-2022053011125601.chn