Cách bến tàu Tuần Châu khoảng 10 km về phía Tây Nam của vịnh Hạ Long, đảo Soi Sim vốn là điểm thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp hoang sơ với nhiều cây sim cùng hệ thực vật đặc hữu, có giá trị, điển hình của hệ sinh thái vịnh Hạ Long.
Đảo Soi Sim rộng khoảng 8ha, gần khu vực đảo Ti Tốp, hang Luồn, hang Sửng Sốt và là một trong những cảnh điểm nổi bật thu hút khách du lịch. Là điểm đầu tiên trong tuyến du lịch số 2 gồm: Soi Sim - Ti Tốp - hang Sửng Sốt - Bồ Nâu - Hang Luồn - Hang Trống - Trinh Nữ, hang Hồ Động Tiên và động Mê Cung... nhưng gần 4 năm nay, du khách không được vào Soi Sim.
Vé tham quan vịnh Hạ Long tuyến 2
Một chủ tàu đưa khách tham quan vịnh Hạ Long trên tuyến 2 cho biết: "Hiện tại Ban Quản lý vịnh Hạ Long không cho vào dù trong vé có điểm này. Không tàu nào được vào, chỉ đi qua dù du khách rất muốn vào, có ghé vào thì bị đuổi, bị phạt. Du khách có hỏi thì chúng tôi cũng chỉ nói được có vậy. Ngày nào chúng tôi cũng trả lời câu hỏi vì sao không được vào Soi Sim?".
Một trong những nét hấp dẫn của đảo Soi Sim là bãi biển rộng khoảng 200m và được UBND tỉnh Quảng Ninh công bố là bãi tắm du lịch, phục vụ du khách. Ngoài bãi biển Ti Tốp, Soi Sim là bãi tắm thứ 2 trên vịnh Hạ Long đủ điều kiện đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch, góp phần giảm áp lực cho Ti Tốp khi có tới hàng nghìn du khách tắm mỗi ngày.
Anh Hoàng Duy Linh - hướng dẫn viên du lịch cho biết: "Khách đến đây rất muốn tắm biển nhưng ra đến Ti Tốp đông như vậy lấy chỗ đâu mà bơi. Khi nhìn thấy Soi Sim họ cũng muốn được sang đây, chia ra thì rất là tốt chứ vì Ti Tốp đông quá. Tôi xuống đây hỏi thì nhà tàu nói Ban Quản lý vịnh không cho vào và cũng chỉ biết trả lời du khách như vậy. Trong vé là có Soi Sim và quyền lợi của khách là được vào".
Dự án mà Giám đốc Trung tâm bảo tồn số II nhắc tới là Khu bảo tồn động, thực vật vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim do UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty TNHH MTV Soi Sim thực hiện từ năm 2016 và Công ty cam kết đưa công trình vào hoạt động trước ngày 30/3/2017.
Cũng theo kết luận thanh tra, vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là thiếu các quyết định về giao đất, giao rừng theo quy định tại Điều 16, Luật Lâm nghiệp năm 2017. Do vậy, Ban Quản lý vịnh Hạ Long không đủ cơ sở ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng trên đảo cho công ty TNHH MTV Soi Sim để tiếp tục hoàn thiện dự án và đi vào hoạt động.
Ông Phạm Đình Huỳnh cho biết: "Chúng tôi đẩy nhanh tiến độ điều tra rừng, chủ động kiến nghị các Sở giao đất, giao rừng cho Ban để ký hợp đồng với công ty. Chúng tôi cũng có văn bản đôn đốc Công ty trong quá trình thực hiện và mong muốn công ty có trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động đẩy nhanh tiến độ, để đưa dự án vào hoạt động phục vụ khách tham quan".
Thực tế, các phần việc chính của dự án đã hoàn thành từ năm 2018 trong đó có khu vực Bến cập tàu số 1 và 2, bãi tắm Soi Sim, nhà điều hành, đón tiếp, khu vực nhà vệ sinh, dịch vụ, nhà làm việc Trung tâm bảo tồn động thực vật, các tuyến đường tham quan trên đảo... Đại diện Công ty TNHH MTV Soi Sim cho biết gần 3 năm nay, công ty không triển khai hoạt động xây dựng nào trên đảo Soi Sim.
Việc chậm đưa dự án đi vào hoạt động đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của du khách. Khi cần thời gian để hoàn thiện các phần việc còn lại liên quan tới thủ tục hành chính, cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư nên tính toán đưa bãi tắm Soi Sim - vốn là bãi tắm tự nhiên trước đó đã phục vụ du khách vào hoạt động. Việc này vừa góp phần đảm bảo quyền lợi của du khách mua vé tham quan tuyến du lịch số 2 trên vịnh Hạ Long, vừa giảm tải áp lực cho bãi tắm Ti Tốp vì cao điểm có ngày lên tới khoảng 2.000 du khách tắm ở đây.