Vì sao COVID-19 bỗng gia tăng trở lại?

Ngọc Minh, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 17:35 21/05/2025
Chia sẻ

COVID-19 đang gia tăng trở lại ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan,...

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong.

Vì sao COVID-19 bỗng gia tăng trở lại?- Ảnh 1.

COVID-19 tăng nhẹ trở lại.

COVID-19 tăng trở lại

TS.BS Đỗ Thị Thuý Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, cho biết thời gian gần đây, số trẻ em nhập viện do COVID-19 đã có dấu hiệu gia tăng. Từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ tăng lên hàng ngày. Đặc biệt, vào ngày 19/5, bệnh viện đã tiếp nhận 18 trẻ mắc COVID-19.

Bác sĩ Nga cho hay, mặc dù ca mắc gia tăng, nhưng tình trạng nặng, yêu cầu thở máy hoặc nguy kịch vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, có một số trẻ phải nhập viện do biến chứng viêm phổi và tình trạng này khá phổ biến.

Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện nay, số ca mắc COVID-19 nhập viện vẫn xuất hiện hàng ngày, nhưng đa số là các ca nhẹ.

“COVID-19 hiện tại không còn là bệnh nguy hiểm, chủ yếu là các ca nhẹ, bệnh nhân tự cách ly tại nhà. Tại trung tâm Hồi sức tích cực, dù có một số ca nặng cần thở máy, nhưng không có trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) như trước đây”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.

Theo bác sĩ Khiêm, bệnh viện đã đảm bảo các khu vực cách ly và phòng bệnh được bố trí hợp lý để tránh lây nhiễm. Với kinh nghiệm là bệnh viện chuyên ngành truyền nhiễm, việc phân khu và bố trí các khu vực điều trị không gặp khó khăn.

Vì sao COVID-19 tăng trở lại?

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hiện nay COVID-19 đã trở thành bệnh lưu hành và được xếp vào nhóm B của bệnh truyền nhiễm. Do đó, dịch bệnh không mất đi mà có thể gia tăng hoặc giảm theo chu kỳ, tương tự như bệnh cúm.

PGS Phu khẳng định rằng người dân không cần quá lo lắng về số ca mắc COVID-19 hiện nay, bởi dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong. Biến thể đang lưu hành hiện tại vẫn là chủng nhẹ của Omicron. Tuy nhiên, nhóm người có nguy cơ cao, bao gồm những người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, khi mắc bệnh vẫn có thể chuyển nặng và phải nhập viện.

Vì sao COVID-19 bỗng gia tăng trở lại?- Ảnh 2.

Bệnh nhân điều trị COVID-19 (ảnh PV).

PGS Phu khuyến cáo người dân khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ COVID-19 cần đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. "Các ca mắc COVID-19 hiện nay được xử lý giống như cúm mùa", PGS Phu cho hay.

Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch và sẽ đưa ra các khuyến cáo kịp thời nếu có biến thể mới lây lan nhanh hoặc gây bệnh nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia Truyền nhiễm cho biết, mọi người không cần phải quá lo ngại trước thông tin số ca mắc COVID-19 tăng. Do phần lớn người dân hiện nay đã có miễn dịch nền nên nguy cơ chuyển nặng là rất thấp. 

Bác sĩ Khanh cho hay, việc gia tăng số ca bệnh là không đánh kể. Do Thái Lan ghi nhận số ca mắc tăng nên chúng ta mới có những khuyến cáo. Còn về cơ bản, số ca mắc bệnh hô hấp năm nay không ghi nhận tăng so với năm ngoái. COVID-19 hiện nay về cơ bản không khác gì cảm cúm thông thường. Trường hợp có thể biến chứng nặng là những người mắc bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch hoặc người lớn tuổi. Nhóm này nên tuân thủ nghiêm các khuyến cáo về phòng bệnh hô hấp.

Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế;

- Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết);

- Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;

- Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý;

- Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…

Ngoài ra, người dân đến và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày