Kể từ khi ca sĩ ảo của Nhật có tên Hatsune Miku nổi tiếng năm 2007 khiến nhiều khán giả say mê với mái tóc màu xanh sáng và các bước nhảy lạ mắt đến nay đã 17 năm với những bước phát triển không ngừng. Thông qua phần mềm, Miku đã có hơn 100.000 bài hát và cô tiếp tục góp mặt trong nhiều bản hợp tác khác nhau. Miku thường biểu diễn trực tiếp bằng công nghệ chiếu ba chiều, lần đầu tiên vào mùa hè năm 2009. Sau đó cô hợp tác với thương hiệu thời trang, ca sĩ nổi tiếng và thậm chí còn được chọn làm nghệ sĩ biểu diễn tại Coachella 2020 trước khi lễ hội bị hủy do đại dịch.
Ngày nay, ở Nhật Bản đã phát triển một thế hệ ca sĩ thần tượng ảo khá phong phú về giới tính, màu da, lứa tuổi… và thu hút lượng khán giả riêng.
Ca sĩ thần tượng ảo nổi tiếng của Nhật là Hatsune Miku. (Ảnh: Vocaloid)
Sự nổi tiếng của Hatsune Miku đã dẫn đến việc tạo ra các thần tượng ảo tương tự, chẳng hạn như Luo Tianyi, nhóm nhạc nữ ảo KD/A của Trung Quốc. Hình ảnh thần tượng ảo ba chiều giờ đây sống động hơn trước nhờ những công nghệ: chụp chuyển động tạo ra các thần tượng ảo bằng quang học và quán tính. Lợi ích chính của phương pháp này là tăng độ nhạy và độ chính xác của hình ảnh. Nhờ vậy MV của các ca sĩ thần tượng dễ dàng đạt 100 triệu lượt xem trên mạng xã hội Youtube - điều mà nhiều ca sĩ thật còn phải mơ ước.
Ca sĩ VAVA thường xuyên cập nhật hình ảnh có bối cảnh đời sống riêng kênh các mạng xã hội. (Ảnh: IGNV)
Ở Thái Lan, ca sĩ hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo AI có tên VAVA thường xuyên ra mắt những MV ca nhạc sống động, đẹp mắt. Công ty phát triển sản phẩm đã tạo nên hình ảnh VAVA như một ngôi sao ca nhạc thực thụ với tài khoản mạng xã hội mang tên mình. Trong đó công ty thường xuyên cập nhật những hình ảnh của cô trong cuộc sống như nơi ở, khi đi thu âm, uống cà phê…
Hàn Quốc cũng là quốc gia chú trọng phát triển ca sĩ thần tượng ảo. Hầu hết các công ty quản lý nghệ sĩ hàng đầu đều đang phát triển công nghệ này. Họ mong muốn duy trì song song ca sĩ ảo và thật để đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng hơn.
Hàn Quốc phát triển ca sĩ thần tượng ảo là nhóm nhạc nữ Mave: khá nổi tiếng, gồm 4 thành viên có thể nói được 4 thứ tiếng và trình diễn mượt mà rất nhiều thể loại âm nhạc khác nhau.
Năm 2023 tại Việt Nam đã ra mắt ca sĩ thần tượng ảo đầu tiên tên là Ann với ca khúc Làm sao nói thương anh. Ở thời điểm đó Ann nhận được nhiều nhận xét về biểu cảm và giọng hát chưa tốt. Tuy nhiên đây cũng là bước thể nghiệm đáng ghi nhận của đơn vị sản xuất.
Hình ảnh sắc nét và năng động của ca sĩ ảo Ann do người Việt sáng tạo. (Ảnh: FBNV)
Tháng 8/2024, ca sĩ ảo Ann trở lại với MV Cry có sự lột xác về ngoại hình và phong cách âm nhạc. MV lấy bối cảnh viễn tưởng và hình ảnh hậu tận thế để phù hợp với dòng nhạc rock. Màu sắc âm nhạc chủ đạo của nữ ca sĩ ảo trở nên rõ ràng hơn qua màu giọng, đặc biệt là cách xử lý thể hiện được tinh thần của dòng nhạc. Ann xuất hiện với tư cách một nghệ sĩ ảo thực thụ, được đầu tư chỉn chu và có định hướng lâu dài. Nữ ca sĩ thần tượng ảo không chỉ dừng lại ở việc "thổi làn gió mới" cho nền nền âm nhạc, mà sẽ từng bước mang đến những dấu ấn riêng biệt trong lòng khán giả, đại diện cho sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Ann biểu diễn cùng với ban nhạc bằng công nghệ hiện đại. (Ảnh: Bobo Đặng)
Trong lần ra mắt này, Ann còn có phần trình diễn với ban nhạc trên sân khấu thông qua công nghệ 3D hologram. Nhiều người trông chờ hơn vào những màn kết hợp giữa ca sĩ ảo Ann và một nghệ sĩ thật. Nhờ sự ủng hộ này, đội ngũ sản xuất đang "lên dây cót" để giúp Ann hoàn thiện hơn về hình ảnh lẫn các kỹ năng trình diễn, sẵn sàng cho một dự án hòa giọng cùng một nghệ sĩ thực trong tương lai gần.
Cha đẻ của ca sĩ ảo Ann cho biết ekip muốn khán giả có thêm sự lựa chọn trong âm nhạc chứ không đặt nặng về tính thương mại khi phát triển dự án. (Ảnh: Bobo Đặng)
Ngành công nghiệp ca sĩ thần tượng ảo của Trung Quốc đã phát triển trong những năm gần đây. Theo một cuộc khảo sát về hiện tượng do công ty phát trực tuyến Trung Quốc iQIYI công bố, 64% người trong độ tuổi từ 14 đến 24 là tín đồ của thần tượng ảo. Thời gian xem trung bình hàng tháng của các buổi phát trực tiếp thần tượng ảo trên nền tảng Bilibili đã tăng 225%. Gần đây rapper ảo Thất Nguyệt còn hát cùng vận động viên Ngô Mẫn Hà để cổ vũ Olympic Paris 2024.
Trí tuệ nhân tạo với hành vi của con người được tích hợp vào các ca sĩ thần tượng ảo sử dụng nền tảng dữ liệu. Do đó, dựa trên thị hiếu của người hâm mộ ở nhiều quốc gia khác nhau và sự phát triển của công nghệ mà người ta có thể giới thiệu những hình mẫu ca sĩ ảo phù hợp với thẩm mỹ người địa phương.
Ghi nhận chuyển động của người để thiết kế ca sĩ ảo. (Ảnh: Weibo)
Ngoài việc giảm thiểu rủi ro khi biểu diễn trực tiếp, ca sĩ thần tượng ảo còn dễ dàng kiểm soát hơn về cảm xúc, giao tiếp và ý thức. Người nổi tiếng của bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn làm hài lòng khán giả bởi sản phẩm âm nhạc, nhưng họ luôn phải chia sẻ thông tin về đời sống riêng tư. Trong khi đó ca sĩ thần tượng ảo không có bí mật cá nhân. Nếu hình ảnh một ca sĩ ảo có vấn đề thì đơn vị sản xuất vẫn có thể dùng dữ liệu sẵn có để nâng cấp thành phiên bản khác.
Nếu như khán giả Nhật yêu thích ca sĩ thần tượng ảo vì văn hóa đọc truyện tranh, xem hoạt hình thì phần lớn người hâm mộ Trung Quốc đặt kỳ vọng cao vào các thần tượng ảo do người đời thực không thể đáp ứng hết.