Vì sao Brazil không bao giờ cạn tài năng bóng đá?

Thanh Hải, Theo Tiền Phong 09:00 05/12/2022
Chia sẻ

Đôi khi chúng ta thường tự hỏi, làm thế nào mà xứ sở samba có nhiều ngôi sao đến vậy? Câu chuyện của Rodrygo, Gabriel Martinelli và Antony có thể tiết lộ câu trả lời.

Ở Brazil, mọi đứa trẻ sinh ra đều được hoạch định để trở thành cầu thủ bóng đá...

Nghe có vẻ điên rồ, nhưng bố Rodrygo biết rằng những đứa trẻ sinh cuối năm ít có cơ hội thành công hơn, vì vậy đã nắm lấy tay vợ van vỉ: “Vì Chúa, em cố giữ con trong bụng, đừng để nó ra ngoài vào lúc này”. Theo dự kiến, mẹ Rodrygo sẽ lâm bồn ngày 25/12. Và ông bố nói rằng không có ý định đưa vợ vào viện. “Hãy làm bất cứ điều gì có thể để trì hoãn”, ông nói.

Vì sao Brazil không bao giờ cạn tài năng bóng đá? - Ảnh 1.

Ba tài năng sáng giá trên hàng công của ĐT Brazil. Ảnh: SBOTOP

Không biết người mẹ đã làm cách nào, hoặc có thể lời cầu nguyện của ông bố đã tới tai Chúa, Rodrygo vẫn nằm ngoan trong bụng mẹ. Những ngày tiếp theo trôi qua thật nặng nề. Cuối cùng thì năm mới đã đến và ông bố thở phào nói với vợ: “Giờ thì em sinh cầu thủ của chúng ta được rồi”. Nhưng cũng phải đến mùng 9, Rodrygo mới chịu ra ngoài.

Khi Rodrygo chập chững, bố anh đã dẫn tới sân futsal và huấn luyện con trai ở đó. Ông làm thủ môn luôn và Rodrygo sẽ vật lộn để ghi bàn, đến mức bà mẹ cũng phát cáu.

Câu chuyện của Rodrygo trùng hợp một cách đáng kinh ngạc với những gì Gabriel Martinelli đã trải qua. Bố Martinelli sẽ cõng cậu con trai 6 tuổi tới sân bóng cũ nát gần nhà, thả nó xuống và bắt đầu luyện sút. “Chơi đi bố”, Martinelli nói. “Không, chúng ta cần luyện chân trái của con”, ông bố đáp. Luyện chân trái cho một đứa nhóc 6 tuổi? Thật điên hết sức. Song bố Martinelli không đùa. Cả hai sẽ về nhà sau khi Martinelli hoàn thành… 1.000 cú sút.

“Thôi nào, bố”, Martinelli nói câu này cũng cả ngàn lần suốt thời thơ ấu. Tuy nhiên anh biết rằng chính nhờ đó mới có được ngày hôm nay. Bố mẹ anh đã hy sinh rất nhiều. “Họ hầu như không có cuộc sống riêng, tất cả chỉ xoay quanh tôi, đưa tôi đi tập, tới sân và lại luyện ở nhà”, Martinelli cho biết.

Gia cảnh Antony ít có điều kiện hơn. Anh lớn lên trong khu ổ chuột ở Sao Paulo, nơi đám tội phạm giao dịch ma túy ngay trước cửa nhà. Năm 11 tuổi, bố mẹ ly thân và anh sống với bố. Mặc dù vậy, bố anh đã cố hết sức có thể để nuôi Antony nên người, chính xác hơn là trở thành cầu thủ bóng đá. Ông dám hét lên với bọn tội phạm, đuổi chúng xa khỏi thềm cửa để “con ông yên tĩnh xem một trận đấu”. Bố anh cũng rời nhà từ lúc 5h sáng và chỉ trở về sau 8h tối để làm việc. Ông muốn Antony được ăn nhiều một chút để cải thiện vóc dáng còm nhom, và ít nhất có tiền đi xe bus tới lò đào tạo của Sao Paulo.

Hãy cứ theo đuổi giấc mơ

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, quy mô dân số không liên quan tới tầm vóc của một đội bóng. Châu Á và châu Phi, hai châu lục đứng đầu về dân số có ít thành công hơn so với Nam Mỹ và châu Âu. 4/5 quốc gia đông dân nhất thế giới không có mặt tại World Cup 2022. Quốc gia còn lại, Mỹ, vừa bị loại khỏi vòng 1/8. Brazil đứng thứ 6 về tổng số dân. Tuy nhiên họ 5 lần vô địch World Cup không phải vì dân số đông đúc. Chính xác là họ có nhiều lựa chọn hơn, bởi mọi ông bố bà mẹ đều theo đuổi giấc mơ nhìn thấy con trai khoác áo ĐT Brazil và giơ cao chiếc Cúp thế giới.

Dĩ nhiên không phải ai cũng thành công, nhưng khi Rodrygo, Martinelli và Antony trở thành niềm tự hào của đất nước, bố mẹ họ đã chứng minh, hãy cứ theo đuổi giấc mơ. Họ đã làm việc cả đời cho khoảnh khắc con trai được gọi lên tuyển, sau đó chiến đấu vì chức vô địch thứ 6.

“Tại World Cup này, tôi biết gia đình tôi sẽ tập trung cả ở sân sau và xem tôi thi đấu trên TV. Chúng tôi sẽ mang Cúp về nhà, bởi bố mẹ chúng tôi muốn thế”, Martinelli nói.

Vì sao Brazil không bao giờ cạn tài năng bóng đá? - Ảnh 2.
Martinelli, Rodrygo (cùng 21 tuổi) và Antony (22) là 3 trong số 4 cầu thủ trẻ nhất ĐT Brazil (người còn lại là Vinicius). Rodrygo và Antony đã ra sân cả 3 trận vòng bảng còn Martinelli chơi 2 trận. Cùng nhau, họ tạo ra 7 cơ hội có thể ghi bàn cho các đồng đội.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày