Vệ tinh NASA phát hiện nơi lạnh nhất Trái Đất, thấp hơn cả nhiệt độ tại nhiều khu vực trên Sao Hỏa

Anh Việt, Theo Tổ Quốc 14:50 24/12/2022

Theo NASA, nơi lạnh nhất trên Trái Đất có mức nhiệt độ -93,2 độ C, thấp hơn cả nhiệt độ trung bình trên Sao Hỏa - ở khoảng âm 62,8 độ C trong năm.

Cao nguyên Đông Nam Cực là nơi lạnh nhất trên Trái đất, nơi nhiệt độ có thể xuống thấp tới âm 135,8 độ F, tức khoảng âm 93,2 độ C. Đây là ghi nhận của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), khi các vệ tinh của tổ chức này thực hiện các khảo sát ở vùng cực phía Nam của Trái Đất.

Theo đó, khu vực siêu lạnh nói trên là một cao nguyên nằm trên một sườn núi cao ở Nam Cực. Đáng chú ý, mức nhiệt độ này thậm chí còn thấp hơn so với nhiệt độ được ghi nhận tại một số địa điểm trên Sao Hỏa, nơi ở xa Mặt trời hơn nhiều so với Trái đất. Nhiệt độ trung bình trên hành tinh Đỏ ở khoảng âm 62,8 độ C trong năm, dao động trong khoảng từ 21,1 độ C ở khu vực gần xích đạo trong mùa hè và âm 140 độ C ở hai cực trong những tháng mùa đông.

Vệ tinh NASA phát hiện nơi lạnh nhất Trái Đất, thấp hơn cả nhiệt độ tại nhiều khu vực trên Sao Hỏa - Ảnh 1.

Hình ảnh của Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA về khu vực có mức nhiệt độ -93,2 độ C được phát hiện ở Nam Cực.

Mức nhiệt độ quá lạnh như vậy có thể gây nguy hiểm cho con người. Chẳng hạn, chỉ cần tiếp xúc trong vòng 2 phút với mức nhiệt độ âm 70,5 độ C, phần da thịt bị hở trên người chúng ta sẽ lập tức gặp phải tình trạng tê cóng hay bỏng lạnh, theo dữ liệu của Dịch vụ thời tiết quốc gia.

Bản thân thời tiết lạnh cũng có thể nguy hiểm hơn các cơn sóng nhiệt vào mùa hè. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào năm 2015 sau khi phân tích hơn 74 triệu ca tử vong ở 384 địa điểm trên 13 quốc gia cho thấy, thời tiết lạnh khiến số người tử vong cao gấp 20 lần so với thời tiết nóng.

Nhiệt độ lạnh nhất trên Trái t được ghi lại trước đây bằng cảm biến vệ tinh cũng là âm 93,2 độ C, vốn xảy ra ở khu vực dọc theo sườn núi giữa Mái vòm Argus và Mái vòm Fuji, cũng trên lục địa Nam Cực, vào tháng 8 năm 2010.

Tuy nhiên, do mức nhiệt độ này được ghi lại bằng cảm biến từ xa từ vệ tinh, thay vì bằng nhiệt kế trên mặt đất, điều này đồng nghĩa với việc chúng không được coi là đủ điều kiện để ghi nhận kỷ lục thế giới chính thức.

Kỷ lục về nhiệt độ thấp nhất trên mặt đất từng đo được là âm 89,1 độ C, được ghi nhận vào ngày 21 tháng 7 năm 1983, cũng trên Cao nguyên Nam Cực, tại trạm Vostok do Liên Xô điều hành lúc bấy giờ. Trước kỷ lục này, nhiệt độ lạnh nhất trước đó là âm 88, 27 độ C, cũng đã được ghi nhận tại trạm Vostok vào năm 1968.

Tuy nhiên, đây đều là mức nhiệt được ghi nhận tại các khu vực hoang vu không có người ở. Tại các khu vực có người sinh sống, thành phố Yakutia ở Siberia, Nga vẫn đang được coi là nơi lạnh nhất thế giới. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, thành phố này vẫn có khoảng 300.000 dân sinh sống.

Nhiệt độ ở Yakutia thường khoảng -50 độ C vào tháng 1, nhưng có thể xuống ngưỡng -70,5 độ. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh giá, người dân khuyến cáo không nên đeo kính bên ngoài. Theo đó, phần kim loại của kính sẽ đóng băng và dính vào mặt, thậm chí làm rách má nếu chúng ta cố tình tách ra.

Tham khảo NewsWeek