Mùa vải đang vào chính vụ, vải được bán ở khắp nơi. Đây là loại quả được rất nhiều người yêu thích, đồng thời cũng rất tốt cho sức khoẻ như tăng cường sức khỏe tim mạch, chống cúm, chữa táo bón... Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách thì nó có thể gây phản tác dụng, dẫn đến những hậu quả xấu. Điển hình như thời điểm bạn ăn vải cũng có những ảnh hưởng lớn đến cơ thể. Hãy lưu ý tránh các thời điểm dưới đây kẻo "tiền mất tật mang".
Khi bạn ăn vải tươi lúc đói, cơ thể sẽ phải nạp quá nhiều đường vào cùng một lúc, dễ dẫn đến tình trạng say với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay bủn rủn... Các bạn nên ăn vải sau bữa cơm khoảng 15 - 20 phút bởi lúc này, cơ thể đã tích lũy đủ lượng nước muối qua thức ăn nên không sợ say, nóng.
Trong một vài ngày trước chu kỳ kinh nguyệt, con gái thường rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, căng thẳng, mệt mỏi do mất cân bằng hormone estrogen và progesterone. Ăn vải lúc này có thể gây ra một vài tác động đến hormone, khiến tình trạng khó chịu của con gái càng tăng thêm.
Vải có tính nóng nên nếu bạn đang bị mọc nhiều mụn, bị nhiệt hay rôm sảy, lẹo mắt thì nên hạn chế bởi có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Ngoài ra, những người đang mắc bệnh tích đờm trong cổ họng cũng nên hạn chế ăn vải trong thời gian này.
Quả vải chứa một hàm lượng đường khá cao nên người bị tiểu đường ăn vào có thể khiến gan không chuyển hóa hết được frucotose, lượng đường trong máu tăng cao một cách bất thường.
Bên cạnh đó, lượng đường cao trong vải lại tạo cảm giác no khiến người bệnh không muốn ăn các loại tinh bột khác. Điều này có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết, rất nguy hiểm với người bị tiểu đường.
Theo các chuyên gia, phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai cũng nên hạn chế ăn vải bởi có thể gây ra tiểu đường thai kỳ, ngoài ra còn có nguy cơ xuất huyết và nhiễm khuẩn, biến chứng, có hại cho trẻ...
Nguồn: Health