Bác sĩ Đoàn Thị Khánh Châm, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến ở Việt Nam. Bệnh do virus cúm gây ra, với các triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ho, nhức mỏi người… Ở mẹ bầu, thời gian mắc cúm thường kéo dài hơn và nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng cao hơn. Tuy nhiên, hiện còn nhiều mẹ bầu chưa hiểu rõ về bệnh cũng như vắc xin phòng cúm. Bác sĩ Châm chỉ ra các hiểu lầm thường gặp sau đây.
Theo bác sĩ Châm, khi mang thai, cơ thể người mẹ điều chỉnh miễn dịch xuống mức thấp nhất để tránh các phản ứng đào thải thai nhi và nuôi dưỡng thai nhi tốt hơn. Thông thường, người mắc bệnh cúm có thể khỏi sau 2-7 ngày, còn ở phụ nữ mang thai, bệnh có thể kéo dài hơn đến 2 tuần, nguy cơ trở nặng cũng cao hơn gấp 3-4 lần.
Cơ thể người mẹ thường điều chỉnh miễn dịch xuống mức thấp nhất nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Vecteezy
Trong đó, biến chứng thường gặp nhất của thai phụ mắc cúm là viêm phổi, tăng nguy cơ suy hô hấp, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và con. Mẹ mắc bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ, em bé có nguy cơ bị dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh, dị tật ống thần kinh… Tình trạng sốt cao kết hợp với độc tính của virus còn dẫn đến sảy thai, thai sinh non hoặc thai chết lưu.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp thai phụ mắc cúm dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Như tháng 3/2025, thai phụ 35 tuổi quê Hải Dương bị sảy thai đôi do biến chứng cúm A khi mang bầu ở tuần 21. Trước đó, vào tháng 12/2024, sản phụ 21 tuổi ở TP HCM cũng rơi vào nguy kịch, phải can thiệp hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO do nhiễm cúm A, dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.
Thai phụ 21 tuổi ở TP HCM bị nhiễm cúm A nguy kịch được các bác sĩ cứu chữa kịp thời. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Hiểu lầm thứ 2 thường gặp của các mẹ bầu là vắc xin không tiêm được trong thai kỳ. Thực tế vắc xin cúm là dạng bất hoạt nên không khiến mẹ bầu nhiễm cúm sau khi tiêm và không tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên mà ngược lại, theo các nghiên cứu cho thấy có thể giúp giảm nguy cơ thai lưu.
Các tổ chức y tế uy tín như Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP), Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) và CDC Mỹ đều khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin cúm trong bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Tiêm vắc xin cho mẹ bầu, tốt nhất từ 3 tháng giữa trở đi còn giúp truyền kháng thể thụ động bảo vệ con trong những tháng đầu đời trước khi đến tuổi chủ động tiêm vắc xin cúm.
Tiêm vắc xin cúm cho mẹ bầu giúp truyền kháng thể bảo vệ con trong những tháng đầu đời. Ảnh: Vecteezy
Nghiên cứu tại Bangladesh cho thấy, những thai phụ đã tiêm vắc xin trong mùa cúm giảm tỷ lệ sinh non hơn 70%, trẻ sinh ra cũng giảm hơn 69% khả năng bị còi cọc so với tuổi thai. Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng cúm, đặc biệt là ở nhóm người nguy cơ cao, trong đó có phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai.
Mẹ bầu nên chủ động tiêm ngừa vắc xin, ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục vừa sức để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Vecteezy
Bên cạnh đó, một số mẹ bầu cũng cho rằng tiêm vắc xin cúm vẫn mắc cúm, vắc xin không hiệu quả, đây là quan niệm chưa đúng. Lý do, vắc xin cần khoảng 2-3 tuần để tạo kháng thể đặc hiệu chống lại mầm bệnh. Nếu trong thời gian này, tiếp xúc virus, mẹ bầu vẫn có thể mắc bệnh. Một số phản ứng sau tiêm thường gặp như sốt, nhức đầu, mệt mỏi hoặc mắc một số bệnh khác có triệu chứng tương tự cúm như cảm lạnh, nhiễm Covid-19… cũng có thể khiến mẹ bầu nhầm tưởng với cúm. Thêm nữa, vắc xin cúm phòng ngừa hiệu quả nhất đối với những chủng virus cúm có trong thành phần vắc xin, được đánh giá là lưu hành phổ biến trong cộng đồng.
Mẹ bầu tiêm vắc xin ngừa cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Mộc Miên
Bác sĩ Châm cho biết hiện Việt Nam đã có vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới, phòng cả 4 chủng virus cúm phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2 và 2 dòng cúm B. Các vắc xin tứ giá này có hiệu quả bảo vệ rộng hơn các vắc xin tam giá. Trong đó vắc xin cúm tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm… Vắc xin cúm cần tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm để cập nhật chủng cúm lưu hành theo khuyến cáo của WHO và củng cố kháng thể suy giảm theo thời gian.
Việc tiêm vắc xin cúm giúp thai phụ giảm 40% nguy cơ mẹ bầu nhập viện do cúm, giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 25% tỷ lệ sinh non và giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Cúm dễ lây lan trong không khí và bám trên các bề mặt, vật dụng lây cho người khỏe mạnh. Cùng với tiêm ngừa vắc xin, thai phụ cũng cần đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, ăn ngủ điều độ, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi…