Mới đây, bà Trương (60 tuổi, Trung Quốc) cảm thấy như trời sập sau khi biết kết quả chẩn đoán của mình: “Tôi cứ tưởng là do tôi chăm sóc bản thân tốt nên kinh nguyệt của tôi đã quay trở lại sau khi mãn kinh. Ai mà ngờ được rằng đó là bệnh ung thư".
Bất kể tình trạng da hay vóc dáng, bà Trương đều là người dẫn đầu trong số các bạn cùng lứa. Khi không nhắc đến tuổi tác, nhiều người tưởng bà chỉ mới ngoài 40. Vì gia đình khá giả nên bà luôn sẵn sàng “xung tiền” cho việc chăm sóc da và sức khỏe. Bà đã mãn kinh được 10 năm nhưng gần đây kinh nguyệt bỗng trở lại. Vừa ngạc nhiên, bà cũng có chút vui mừng: Tuổi trẻ trở lại với mình rồi.
Nhưng sâu thẳm trong lòng, bà Trương vẫn cảm thấy vướng víu: kinh nguyệt kéo dài hơn chục ngày không liên tục, thời gian có kinh không đều đặn nên ngày nào bà cũng buộc phải mang theo băng vệ sinh. Không thể chịu đựng được, bà đến bệnh viện để mong bác sĩ có thể “điều chỉnh” chu kỳ kinh nguyệt của mình ngắn hơn.
Siêu âm B cho thấy: nội mạc tử cung của bà Trương dày khoảng 10mm, mô khối đặc, lượng máu cục bộ lớn. Bác sĩ lập tức cảnh giác: về mặt lâm sàng, người ta tin rằng nội mạc tử cung sau mãn kinh nên được chú ý nếu độ dày nội mạc tử cung vượt quá 5mm. Theo mô tả của bà Trương, khác với màu đỏ sậm của máu kinh, màu máu kinh nguyệt không đều của bà có màu đỏ tươi.
Làm thêm nội soi chẩn đoán, lấy mẫu để kiểm tra bệnh lý để làm rõ tình trạng của nội mạc tử cung, bác sĩ phát hiện bà Trương bị ung thư nội mạc tử cung. Nhận kết quả chẩn đoán, bà Trương than khóc, không tin: “Tôi không đau, không ngứa, cũng không có cảm giác khó chịu về thể chất. Những người khác thậm chí còn nói rằng tôi trông khỏe mạnh, sao có thể ung thư được?”.
Khi được hỏi liệu bà có dùng bất kỳ sản phẩm hoặc thuốc y tế nào có chứa estrogen hay không, bà Trương sực nhớ, choáng váng trong giây lát. Bà cho biết, người bạn thân nhất của bà đã nhắc nhở bà rằng sau khi mãn kinh, chức năng buồng trứng của phụ nữ suy giảm, lượng estrogen tiết ra giảm và làn da sẽ lão hóa nhanh hơn. Ngay khi nghe điều này, bà lập tức bắt đầu chăm sóc buồng trứng thường xuyên và dùng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mang về từ nước ngoài của người thân và bạn bè mỗi ngày.
May mắn thay, bà Trương vẫn đang ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư nội mạc tử cung và chưa di căn sang các cơ quan khác. Sau khi phẫu thuật, hiện tại, bà đã được xuất viện và không cần xạ trị, hóa trị nữa.
Bác sĩ giải thích: "Mặc dù dùng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có chứa estrogen không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra ung thư nội mạc tử cung, nhưng mối quan hệ giữa hai vấn đề này rất chặt chẽ. Việc tiêu thụ quá mức các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có chứa hormone trong thời gian dài có thể dẫn đến sự phát triển bất thường của nội mạc tử cung và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung".
Ung thư nội mạc tử cung là một trong ba khối u ác tính phổ biến nhất trong phụ khoa. Nó hiện chỉ đứng thứ hai sau ung thư cổ tử cung và là khối u ác tính phổ biến thứ hai ở phụ nữ. Nó phổ biến hơn ở phụ nữ sau mãn kinh. Các nghiên cứu dịch tễ học đã phát hiện ra rằng những người không mang thai, chưa sinh con, béo phì, tăng huyết áp , tiểu đường, mãn kinh muộn, sử dụng estrogen ngoại sinh và các yếu tố di truyền sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Trong số đó, khoảng 80-90% bệnh ung thư nội mạc tử cung là phụ thuộc vào estrogen, sự xuất hiện và phát triển của bệnh có liên quan chặt chẽ đến mức độ estrogen trong cơ thể.
Đối với phụ nữ sau mãn kinh, biểu hiện ban đầu của ung thư nội mạc tử cung chủ yếu là chảy máu âm đạo hoặc tiết dịch. Một số bệnh nhân chưa mãn kinh còn bị đau bụng, rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng thường gặp nhất. Hầu hết bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung đều có thể được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót cao.
Bác sĩ nhắc nhở rằng trước hết, chị em phụ nữ nên phát triển thói quen sinh hoạt tốt, tránh béo phì và làm tốt công việc tự quản lý các bệnh mãn tính như tăng huyết áp và tiểu đường; thứ hai, tuân thủ nguyên tắc “phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, và điều trị sớm" và tiến hành khám sức khỏe định kỳ. Nếu có chảy máu bất thường, cần đến bệnh viện kịp thời.
Đặc biệt, trong cuộc sống hàng ngày, không nên dùng các sản phẩm hoặc thuốc bổ sung estrogen khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nguồn và ảnh: QQ, She Finds