Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 17.000 ca ung thư dạ dày mắc mới, chiếm khoảng 10% số ca ung thư các loại. Tỉ lệ tử vong của ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong top các bệnh ung thư gây tử vong nhiều với hơn 15.000 trường hợp, chiếm khoảng 12%.
Đáng chú ý, 70% số người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển do không có triệu chứng rõ rệt và dễ nhầm lẫn với bệnh viêm dạ dày hay loét dạ dày. Đặc biệt, tuổi bệnh nhân ung thư dạ dày dưới 40 tuổi chiếm từ 20 - 25%, một con số rất cao và có xu hướng gia tăng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày thực hiện khoảng 2.000 ca nội soi đường tiêu hóa, trong đó khoảng 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và từ 1-2% bệnh nhân bị ung thư dạ dày.
Chia sẻ tại hội nghị cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa, do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, TS. Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, với trẻ nhỏ mắc ung thư dạ dày thường là do nhiễm vi khuẩn HP lây truyền từ cha mẹ hoặc từ môi trường xung quanh. Trong thời gian dài vi khuẩn HP gây ra các ổ loét mãn tính và tiến triển thành ung thư dạ dày.
Theo nhiều chuyên gia về tiêu hóa, nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư dạ dày ngày càng gia tăng trong giới trẻ là do lứa tuổi này thường thích những món ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh hoặc các món cay nóng…
Ngoài ra, thói quen ăn uống của đa số người dân Việt Nam là ăn chung, uống chung. Đây là đường lây truyền của nhiều vi khuẩn, độc tố trong đó có vi khuẩn HP. Vi khuẩn này có thể sống cộng sinh lâu ngày trong dạ dày, gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây loạn sản, dị sản, dễ dẫn tới ung thư dạ dày.
Đặc biệt, yếu tố stress , áp lực cuộc sống khiến tình trạng viêm loét dạ dày lặp đi lặp lại, nếu không điều trị, theo dõi chặt chẽ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
“Nếu bị viêm loét dạ dày mà không điều trị dứt điểm thì 40% trở thành bệnh viêm loét dạ dày mãn tính. Trong số bệnh nhân viêm loét dạ dày mãn tính thì có khoảng 60% bị ung thư dạ dày”, TS. Hùng cảnh báo.
PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức), lưu ý có nhiều người bị các bệnh lí về dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày thường có dấu hiệu của bệnh không rõ ràng, rất mơ hồ. Đó là cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no, luôn no, chán ăn, ợ nóng... Đây chính là những dấu hiệu chỉ điểm để có thể phát hiện bệnh sớm.
PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện số bệnh nhân mắc các bệnh lí đường tiêu hóa như ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng… ở Việt Nam có xu hướng gia tăng. “Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày rất cao, có tới 70-80% người dân nhiễm vi khuẩn này, chủ yếu lây qua đường ăn uống.
Khi tỉ lệ nhiễm vi khuẩn này cao, các tổn thương tiền ung thư tăng lên, cần tăng cường tầm soát để phát hiện sớm bệnh và điều trị khỏi”, PGS. Long cho biết.
PGS.TS Nguyễn Công Long cho biết, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, áp dụng các tiến bộ trong điều trị rất quan trọng để tăng tỉ lệ điều trị khỏi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện tỉ lệ người bệnh được chẩn đoán sớm ung thư dạ dày vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân là thói quen, người dân chưa chú ý đến vấn đề tầm soát hằng năm, những đối tượng cần tầm soát chưa được quan tâm đúng mức…
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Hiện nay, với những kĩ thuật mới, hiện đại, người bệnh có thể phát hiện được những dấu hiệu ung thư đường tiêu hóa từ rất sớm.
Đặc biệt, với phương pháp cắt tách dưới niêm mạc mà chuyên gia của Việt Nam đã học hỏi được từ đồng nghiệp Nhật Bản, mang lại cơ hội rất tốt cho người bệnh”.