Ứng viên "ấm ức" vì bị từ chối tuyển dụng: Biết rõ sinh viên mới ra trường mà vẫn gọi đi phỏng vấn?

H.Yến, Theo Pháp luật và Bạn đọc 15:57 17/06/2021

Sau buổi phóng vấn, bạn trẻ này liền chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội và nhanh chóng tạo ra những luồng tranh luận trái chiều.

Thời điểm này, sinh viên năm cuối tại nhiều trường Đại học hầu hết đã hoàn thành xong chương trình học, nhận bằng tốt nghiệp và chuẩn bị tâm thế bước chân vào thị trường lao động. Chính vì thế mà nhiều tình huống "oái ăm" cũng ra đời do ứng viên kinh nghiệm còn non nớt, khả năng xử lý tình huống hạn chế.

Thông thường nhà tuyển dụng và ứng viên trước khi bước vào cuộc phỏng vấn sẽ phải tìm hiểu rõ về nhau trước đó. Ứng viên mong muốn học hỏi được gì ở môi trường này, mức lương bao nhiêu, cơ hội thăng tiến ra sao...

Đồng thời nhà tuyển dụng cũng mong "chiêu mộ" được nhân tài, đáp ứng được yêu cầu công việc, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp tốt. Sẽ chẳng có gì để nói nếu hai bên làm việc theo đúng quy trình như vậy.

Thế nhưng, câu chuyện về thái độ của một ứng viên mới ra trường trong câu chuyện dưới đây lại gây ra không ít tranh luận.

Ứng viên ấm ức vì bị từ chối tuyển dụng: Biết rõ sinh viên mới ra trường mà vẫn gọi đi phỏng vấn? - Ảnh 1.

Ứng viên mới ra trường "ấm ức" vì bị từ chối, dù đã ghi rõ kinh nghiệm trong hồ sơ (Ảnh: Kiến thức kinh tế)

Cụ thể trong câu chuyện trên, ứng viên khá "ấm ức" khi bị từ chối dù đã ghi rõ trong hồ sơ là sinh viên mới ra trường. Trong khi vị trí không yêu cầu kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng vẫn gọi đi phỏng vấn. Điều này chứng tỏ rằng công ty không hề tìm hiểu kỹ hồ sơ ứng viên.

Sau những dòng tâm sự trên, cư dân mạng đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều khác. Một bên thì cho rằng một người trẻ mới ra trường, thái độ ứng xử như vậy là không tốt. Nhà tuyển dụng đã "trao" cho cơ hội để chứng minh năng lực bản thân mà ứng viên không biết nắm bắt.

"Đối với những nhân sự chưa có kinh nghiệm, nhưng có chuyên môn cao, chứng minh được qua những thành quả có được trong cuộc sống hay trong học tập thì công ty vẫn cho bạn cơ hội. Tất nhiên, khi phỏng vấn, nhân sự nhìn thấy bạn chưa có kỹ năng và cả thái độ nên từ chối. Cái gì cũng nên nhìn vào 2 chiều", bạn T.Đ chia sẻ.

"Nếu các bạn mới ra trường chỉ lựa chọn các nơi ghi tuyển không cần kinh nghiệm thì các bạn chỉ đang hạn chế cơ hội của mình mà thôi. Các nơi ấy thường là muốn lợi dụng điểm yếu ấy để có nhân sự giá thấp mà yêu cầu công việc đòi hỏi cao", bạn T.Đ bày tỏ.

Trong khi đó, một số ý kiến lại đồng tình với nhân vật trong câu chuyện khi cho rằng nhà tuyển dụng không lọc kỹ hồ sơ và đang làm mất thời gian đôi bên.

"Tuyển dụng chuyên nghiệp thì hiếm khi có trường hợp như vậy xảy ra. HR thường lọc kỹ rồi mới liên hệ contact phỏng vấn".

"Phỏng vấn vị trí không yêu cầu kinh nghiệm, được đào tạo nhưng đến nơi HR cứ xoáy vào chỗ chưa có kinh nghiệm, mới ra trường để mạt sát. Hỏi rõ là JD mô tả được đào tạo rồi HR thản nhiên bảo đi làm chứ có phải đi học đâu mà chỉ bảo. Thế gọi đến phỏng vấn để hơn thua nhau à?", M.Anh bình luận.

Thôi thì mỗi người một tư duy và cách nhìn nhận khác nhau. Trong câu chuyện trên, chưa rõ ai đúng, ai sai nhưng rõ ràng ứng viên nên có cách hành xử văn minh hơn, khéo léo hơn khi nhận được lời từ chối. Đi xin việc, dù chưa rõ có xin được hay không nhưng thái độ và cách ứng xử thông minh sẽ khiến người ta phải "nể" mãi, đúng không?