Ukraine mở cửa phòng điều khiển lò phản ứng hạt nhân Chernobyl cho du khách tham quan

Hải Vân, Theo Báo Tin Tức 17:52 16/10/2019

Trong nỗ lực biến nhà máy điện nguyên tử Chernobyl – hiện trường thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới - thành địa điểm thu hút khách du lịch, mới đây Chính phủ Ukraine đã quyết định mở phòng điều khiển lò phản ứng phóng xạ cao cho du khách có thể đến khám phá.

Phòng điều khiển Lò phản ứng 4 của Chernobyl là nơi các kỹ sư Liên Xô trước đây tắt máy làm mát lò phản ứng hạt nhân trong cuộc thử nghiệm an toàn vào tháng 4/1986. Chính hành động này đã dẫn đến một vụ nổ thảm khốc khiến 28 người chết ngay sau đó và nhiều người ở các khu vực xung quanh nhà máy phải sơ tán vì nguy cơ nhiễm chất độc phóng xạ.

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng du khách đến thăm do ngày càng có nhiều người có xu hướng khám phá những địa điểm kỳ bí gắn liền với thảm họa. Đầu tháng 9/2019, chính quyền Ukraine thông báo rằng họ sẽ mở phòng điều khiển lò phản ứng cho du khách tham quan. Động thái này là một phần trong nỗ lực thúc đẩy du lịch trong khu vực thảm họa Chernobyl.

Ukraine mở cửa phòng điều khiển lò phản ứng hạt nhân Chernobyl cho du khách tham quan - Ảnh 1.

Chính phủ Ukraine đã quyết định mở phòng điều khiển lò phản ứng phóng xạ cao cho du khách có thể đến khám phá. Ảnh: OD

Trước đó vào tháng 6/2019, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố Chernobyl là điểm du lịch chính thức khi khánh thành một mái vòm khổng lồ che phủ toàn bộ lò phản ứng bị phá hủy để ngăn chất phóng xạ rò rỉ ra bên ngoài. Căn phòng điều khiển Lò phản ứng số 4 nằm dưới vòm ngăn cách bằng thép có trọng lượng 36.000 tấn này.

Du khách sẽ phải suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi quyết định mạo hiểm vào bên trong. Trên thực tế, các chuyến tham quan chỉ được giới hạn trong vòng 5 phút nhằm ngăn chặn bức xạ quá mức.

Ukraine mở cửa phòng điều khiển lò phản ứng hạt nhân Chernobyl cho du khách tham quan - Ảnh 2.

Bất chấp lời cảnh báo nguy cơ nhiễm phóng xạ nguy hiểm, nhiều du khách liều mình trả phí để được tham quan "vùng đất chết". Ảnh: OD

Trang Oddity Central đưa tin những người muốn tận mắt chứng kiến khu vực có nồng độ phóng xạ cao tại Lò phản ứng số 4 “khét tiếng” bắt buộc phải mặc quần áo bảo hộ, đội mũ và đeo mặt nạ chống độc. Ngoài ra, du khách cũng được yêu cầu quét bức xạ cả ở lối vào và lối ra khi tham quan phòng điều khiển để đánh giá mức độ phơi nhiễm.

Theo các nhân viên bảo trì, bụi phóng xạ được coi là mối đe dọa lớn nhất trong chuyến tham quan bởi nó chứa lượng phóng xạ lớn. Nếu một vị khách vô tình chạm vào thứ gì đó, họ có nguy cơ bị nhiễm chất phóng xạ nguy hiểm. Để ngăn chặn điều này xảy ra, các nhân viên đã phun một loại chất hóa học vào các thiết bị để giữ bụi.

Ông Yaroslav Yemelianenko, Giám đốc Công ty lữ hành lớn nhất có dịch vụ tham quan vùng thảm họa Chernobyl cho biết nếu khách du lịch tham quan phòng điều khiển lò phản ứng, họ có nguy cơ bị phơi nhiễm dưới 4 micro sievert (đơn vị đo liều lượng phóng xạ), nhỏ hơn lượng bức xạ trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương kéo dài 1 giờ.

Bác sĩ Yury Bandazhevsky, người đã nghiên cứu thảm họa Chernobyl và hậu quả của nó trong nhiều thập kỷ cảnh báo rằng khi đến “vùng đất chết” này, du khách có thể có nguy cơ tiếp xúc với chất bức xạ chết người.

Mặc dù vậy, những cảnh báo đó vẫn không thể ngăn chặn những vị khách liều lĩnh. Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 323 người thám hiểm những nơi bị bỏ hoang xung quanh khu vực thảm họa trong năm 2019.

Du lịch khu vực thảm họa Chernobyl đã bùng nổ kể từ khi loạt chương trình về “Chernobyl” được khởi chiếu trên kênh HBO hồi tháng 5/2019. Theo báo cáo của LiveScience, Chernobyl từ lâu đã là một địa điểm thu hút khách du lịch, một phần của nó đã mở cửa cho công chúng trong gần một thập kỷ, lượng khách đặt tour tới Chernobyl đã tăng 30%. Thật bất ngờ khi nhiều du khách đồng ý trả phí để có cơ hội đặt chân vào căn phòng từng là nơi gây ra thảm họa hạt nhân tàn khốc nhất thế giới.

Video: Bên trong Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Nguồn: RT)

Hồi tháng 8/2019, một nhóm các nhà khoa học thậm chí đã cho ra mắt rượu vodka sản xuất từ gạo và nước tại Chernobyl (Ukraine) đồng thời khẳng định rằng loại đồ uống này an toàn.

Tờ Newsweek (Mỹ) dẫn lời giáo sư Jim Smith tại Đại học Portsmouth (Anh) thuyết phục rằng vodka "Made in Chernobyl" mang tên ATOMIK không nguy hiểm và cũng giống như nhiều đồ uống có cồn khác. Các nhà khoa học cho biết họ "nấu rượu" bằng nước khoáng từ thị trấn Chernobyl, được kiểm nghiệm không còn nhiễm phóng xạ.

ATOMIK là "công trình" sau 3 năm nghiên cứu về nông sản trồng tại Vùng cấm Chernobyl. Đây là sản phẩm tiêu dùng đầu tiên được sản xuất tại vùng cấm Chernobyl ở Ukraine, nơi xảy ra thảm họa lớn nhất trong lịch sử ngành năng lượng hạt nhân, khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl tại Pripyat phát nổ năm 1986.