Từng cãi nhau như cơm bữa vì chồng chi tiêu vô tội vạ, giờ có 1,5 tỷ tiết kiệm chung: Điều gì tạo ra sự thay đổi?

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 11:00 27/05/2024

Chồng “nghiện” chi, trong khi mình lại ưu tiên tiết kiệm, phải làm sao để không cãi nhau như cơm bữa?

*Dưới đây là chia sẻ của Olivia Christensen - Cô vợ đã từng “bất lực” với thói quen chi tiêu của chồng. Chồng của Olivia là kiểu người cứ có tiền là tiêu cho bằng hết, còn bản thân Olivia lại là tuýp phụ nữ biết lo xa cho tương lai nên đề cao việc tiết kiệm. Hôn nhân của họ trong những tháng đầu tiên không mấy yên ấm chỉ vì sự trái ngược này. Dẫu vậy, Olivia cũng tìm ra cách để “xử đẹp” thói quen chi tiêu vô tội vạ của chồng.

Tôi đã từng đọc được một nghiên cứu nói rằng 36,1% các cặp vợ chồng khẳng định tiền bạc là nguyên nhân chính khiến họ ly hôn. 24% trong số đó cho biết họ không chia sẻ chuyện tiền bạc với nhau, nói nôm na cho dễ hiểu chính là tiền ai người ấy tiêu.

Con số ấy giống như một cú tát giúp tôi thức tỉnh. Ở thời điểm ấy - khoảng 14 năm trước, tôi và chồng mới kết hôn. Ngay khi mới về chung một nhà, tôi đã ngờ ngợ cảm thấy không ổn về cách chúng tôi quản lý chi tiêu. Chuyện này có lẽ cũng chẳng phải vấn đề nếu như anh ấy không phải là kiểu người “nghiện” tiêu tiền, còn tôi thì ngược lại.

Từng cãi nhau như cơm bữa vì chồng chi tiêu vô tội vạ, giờ có 1,5 tỷ tiết kiệm chung: Điều gì tạo ra sự thay đổi? - Ảnh 1.

Olivia Christensen và chồng

Thành thật mà nói, quan điểm trái ngược về tiền bạc đã khiến chúng tôi hục hoặc không ít lần. Tôi nhận ra việc tranh luận gay gắt không phải là cách hay, vì suy cho cùng đó đều là những thói quen được chúng tôi duy trì suốt nhiều thập kỷ khi còn độc thân, không thể một sớm một chiều mà thay đổi.

Cứng rắn không được, tôi đành phải lấy nhu thắng cương. Bằng cách trao đổi và thống nhất áp dụng 3 quy tắc này, tình hình tài chính của chúng tôi đã cải thiện đáng kể. Quan trọng nhất là hôn nhân yên ấm, không còn vì tiền mà xung đột.

Đầu tiên: Phải trung thực!

Sự trung thực luôn là nền tảng của mọi mối quan hệ. Tuy nhiên trong hôn nhân và trong chuyện tiền bạc, trung thực lại trở thành một rào cản mà bản thân mỗi người phải tự vượt qua. Chúng ta có thể thành thật với nhau mọi thứ, nhưng động đến tiền bạc thì tất cả đều ái ngại, dè chừng.

Chúng tôi cũng từng như vậy và thật may, cả hai đều hiểu rằng đó không phải là thái độ nên có, nếu muốn chấm dứt cảnh cứ dăm bữa nửa tháng lại cãi nhau vì bất đồng chi tiêu.

Trong cuộc hôn nhân của chúng tôi, sự mập mờ tài chính không chỉ làm xói mòn lòng tin từng người dành cho nhau, mà còn khiến cả hai không thể có một cái nhìn đúng và khách quan về tương lai. Tôi từng chẳng biết chồng tôi tiêu tiền vào những thứ gì, anh ấy cũng vậy, chứ đừng nói tới các quỹ tiết kiệm, dự phòng chung cho tương lai.

Vậy nên, động thái đầu tiên mà chúng tôi làm chỉ đơn giản là liệt kê mọi khoản chi và cùng nhau ngồi lại mỗi cuối tuần để xem, sau đó là cho nhau “feedback”, tựa như: “Em thấy khoản này không thực sự cần thiết”, “anh thấy em mua sắm hơi nhiều”.

Tiếp theo: Thẳng thắn nhận xét nhưng đừng tỏ thái độ thiếu tôn trọng đối phương!

Có lần, trong lúc đang tranh cãi nảy lửa về việc liệu có nên thay tấm đệm cũ trong phòng ngủ hay không, chúng tôi đã không giữ được bình tĩnh và gọi nhau bằng những danh xưng không mấy hay ho cùng những lời miệt thị.

Anh nói sự nhạy bén tài chính của tôi chỉ như một đứa trẻ 7 tuổi, chẳng biết gì. Còn tôi lại xa xả mắng anh là gã đàn ông quá tồi. Tất cả những tranh cãi không hay ấy diễn ra chỉ vì một tấm đệm. Lúc bình tĩnh lại, chúng tôi mới nhận ra điều đó thật chẳng đáng. Không giữ được bình tĩnh để rồi đánh mất sự tôn trọng dành cho nhau từng là lý do chính khiến chúng tôi khó thành thật, trung thực về các khoản chi.

Thế nên quy tắc số 2 mà chúng tôi đặt ra chính là luôn phải tôn trọng nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tranh cãi cũng được, nhận xét đối phương cũng được nhưng tuyệt đối không được thể hiện sự thiếu tôn trọng.

Cuối cùng: Đừng cho rằng mình giỏi hơn đối phương để vỗ ngực tự tin “tôi đúng, anh sai”

Từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ dạy rằng phải tiết kiệm cho tương lai, vì không ai lường trước hết được cuộc sống sẽ có biến cố gì. Thói quen dành dụm, tiết kiệm của tôi đã ngấm vào máu từ tấm bé.

Từng cãi nhau như cơm bữa vì chồng chi tiêu vô tội vạ, giờ có 1,5 tỷ tiết kiệm chung: Điều gì tạo ra sự thay đổi? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Khi lớn lên, tôi mặc định phải sống tiết kiệm mới là đúng đắn và bởi thế, tôi luôn coi thường và chỉ trích những người có lối sống hoang phí quá mức cần thiết. Run rủi thế nào, tôi lại “vớ” phải một ông chồng “nghiện” tiêu tiền. Thú thực, tôi đã từng cáu kỉnh, phán xét thầm trong lòng vì thói quen chi tiêu của chồng tôi.

Mãi tới khi đã thành thật với nhau về chuyện tài chính và thống nhất quan điểm “luôn phải tôn trọng lẫn nhau”, tôi mới nhận ra thích tiêu tiền hay “nghiện” tiết kiệm đều có cái hay riêng. Mọi thứ đều có hai mặt và chuyện này cũng vậy.

Vì tôi hay lo xa, thích tiết kiệm nên tôi sẽ có thể dành dụm. Nhưng đổi lại, tôi có xu hướng không dám hưởng thụ và chịu khổ. Lúc này, thói quen tiêu tiền phục vụ cuộc sống của chồng tôi lại có tác dụng dung hòa mặt trái của việc tiết kiệm mà tôi từng cho rằng là đúng đắn hoàn toàn.

Tôi nghĩ rằng suy nghĩ “mình luôn đúng” là điềm gở với mọi mối quan hệ, không riêng gì hôn nhân vì nó “che mắt” chúng ta, làm chúng ta không thấy được những ưu điểm xứng đáng được ghi nhận của đối phương.

Bằng cách đặt ra và luôn cố gắng duy trì 3 nguyên tắc trên, vợ chồng tôi đã cải thiện được tình hình tài chính. Chúng tôi có quỹ dự phòng, quỹ nghỉ hưu và một khoản tiết kiệm chung 60.000 USD (khoảng 1,528 tỷ đồng). Để làm được điều đó, cả tôi lẫn chồng đều phải đôi lúc nhún nhường, không thể giữ mãi cái tôi cao như xưa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày