Khoảng 2.661 người bị hại, tài sản thu giữ ước tính 5.200 tỷ đồng,... là thông tin mà Công an Hà Nội cung cấp liên quan đến vụ án TikToker Mr. Pips Phó Đức Nam và TikToker Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ. Cũng theo thông tin từ các cơ quan chức năng, tuy chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn nhưng phương thức, thủ đoạn của nhóm Mr. Pips không khác nhiều so với ổ nhóm tội phạm khác.
Một trong những chiến lược tiếp cận của nhóm tội phạm này, đó là trong quá trình hoạt động lừa đảo, nhân viên sale tạo nhiều tài khoản zalo để giả làm người tham gia đầu tư, chuyên gia tư vấn, đăng nhiều giao dịch thắng trên sàn lên các nhóm zalo để kích thích mọi người tham gia đầu tư.
Những nhân viên tư vấn này cũng sẽ đưa ra các thông tin về xu hướng thị trường, khuyến khích khách hàng thực hiện giao dịch với đòn bẩy lớn. Một số đối tượng tự dưng là các chuyên gia tài chính nói chuyện với khách, khích lệ khách nạp thêm tiền đầu tư mong gỡ lại.
Phân tích về chiêu thức lừa đảo của nhóm Mr. Pips, chuyên gia an ninh mạng cũng thừa nhận, đối tượng lừa đảo áp dụng công nghệ không mới, nhưng chiến lược tiếp cận và quảng bá lại rất công khai, khác biệt. Hệ thống marketing, chăm sóc khách hàng đến các website đầu tư cũng tạo cảm giác cho người dùng có niềm tin vào việc bỏ tiền ra để đầu tư.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia NCS nhận định, trong bối cảnh hiện tại, các vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi. Ông Sơn khuyến cáo người dùng cần cảnh giác và chủ động nhận diện các dấu hiệu bất thường của website và ứng dụng lừa đảo.
Ông Sơn chỉ ra 5 điểm phổ biến để người dùng nhận biết các nền tảng lừa đảo này. Đầu tiên, các nền tảng thường đưa ra lời hứa hẹn lợi nhuận phi thực tế. Cụ thể, các website hoặc ứng dụng lừa đảo thường thu hút người dùng bằng cách hứa hẹn mức lợi nhuận cao bất thường hoặc không có rủi ro. Các đối tượng thường sử dụng các cụm từ như "lãi suất khủng", "đảm bảo an toàn vốn", hoặc "kiếm tiền dễ dàng trong thời gian ngắn" để lôi kéo người dùng.
Thứ hai là tên miền đáng ngờ. Website lừa đảo có thể sử dụng tên miền nước ngoài (không có ".vn") hoặc các tên miền cố tình nhầm lẫn với các tổ chức uy tín.
Thứ ba là hệ thống thanh toán bất thường. Yêu cầu chuyển khoản thông qua các trung gian không rõ ràng như tài khoản cá nhân, ví điện tử, tiền điện tử. Ngoài ra, việc rút tiền thường rất khó khăn, chỉ được thực hiện khi đạt hạn mức cao hoặc bị kéo dài thời gian xử lý.
Thứ tư là hành vi tạo áp lực. Nhân viên hoặc đội ngũ liên lạc của các nền tảng này thường thúc ép người dùng đầu tư ngay lập tức, tạo cảm giác đây là "cơ hội hiếm có". Họ sử dụng các chiến thuật tâm lý như hứa hẹn "sắp hết thời gian ưu đãi" hoặc "chỉ dành cho một số ít người tham gia".
Thứ năm là thiếu giấy phép từ cơ quan quản lý nhà nước. Một hệ thống đầu tư tài chính hợp pháp luôn được cấp phép bởi cơ quan quản lý nhà nước. Nếu nền tảng không công khai các giấy phép này, đó là một dấu hiệu cần thận trọng.