Từ việc diễn viên Nam Thư tổ chức gặp gỡ báo chí: Tổ chức họp báo thì cần lưu ý gì?

Nam An (t/h), Theo Đời sống pháp luật 13:33 06/08/2024
Chia sẻ

Việc tổ chức họp báo cũng cần tuân thủ quy định trong Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Ngày 5/8, diễn viên Nam Thư cùng đại diện công ty quản lý và đại diện pháp lý đã có buổi gặp gỡ truyền thông, lên tiếng về những ồn ào đời tư gây xôn xao mạng xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, liên quan đến buổi họp báo này, bà Phạm Đắc Mỵ Trân, Trưởng phòng Báo chí (Sở TT&TT TPHCM), cho biết, đơn vị đã nắm được việc diễn viên Nam Thư tổ chức một buổi gặp gỡ truyền thông chiều cùng ngày. Tuy nhiên, Sở TT&TT TPHCM chưa nhận được hồ sơ xin phép tổ chức họp báo từ phía diễn viên này.

Từ việc diễn viên Nam Thư tổ chức gặp gỡ báo chí: Tổ chức họp báo thì cần lưu ý gì?- Ảnh 1.

Nam Thư xuất hiện trong buổi họp báo chiều 5/8

Từ đây, không ít người bày tỏ thắc mắc xoay quanh những quy định hiện hành về việc tổ chức họp báo như ai được tổ chức họp báo? Và nội dung phải thông báo trước họp báo gồm những gì?

Cụ thể, tại khoản 1, 2 Điều 41 Luật Báo chí 2016 quy định về người có quyền họp báo như sau:

- Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Việc họp báo của cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 10 Điều 56 Luật Báo chí 2016 .

- Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của:

+ Tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước;

+ Các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh;

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ;

+ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.

- Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Báo chí 2016 và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định sau đây:

+ Cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông;

+ Cơ quan, tổ chức không thuộc điểm a khoản 2 Điều 41 Luật Báo chí 2016 và công dân thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo.

Thời gian thông báo họp báo

Tại khoản 3 Điều 41 Luật Báo chí 2016 quy định về thời gian họp báo như sau:

Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Báo chí 2016 và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí.

Cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời Điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định sau đây:

- Cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Cơ quan, tổ chức không thuộc Điểm a Khoản này và công dân thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo.

Trách nhiệm trả lời thông báo họp báo của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí

Tại khoản 5 Điều 41 Luật Báo chí 2016 quy định về trách nhiệm trả lời thông báo họp báo của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí sau đây:

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, công dân về việc họp báo trong thời gian quy định tại Khoản 3 Điều 41 Luật Báo chí 2016;

Trường hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo.

Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận, trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

 Các hành vi vi phạm liên quan đến họp báo cần tránh 

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 119/2020/NĐ-CP, khi tổ chức họp báo, đơn vị tổ chức nên tránh các vi phạm sau:

Điều 11. Vi phạm quy định về họp báo

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận hoặc không đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi họp báo khi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

5. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung kích động bạo lực.

6. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày