Từ "sát thủ có gương mặt trẻ thơ" đến Park Hang-seo: Muốn thành công, phải biết cách thu phục lòng người

HỒNG NAM, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 02/02/2019

Thành công của Ole Gunnar Solskjaer với Manchester United hay Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam một lần nữa giúp chúng ta định nghĩa lại về bí quyết chiến thắng của các chiến lược gia.

1. "Này Helena, tôi muốn cô giúp tôi việc này. Hãy để Zlatan ăn ngon, giúp Zlatan ngủ ngon và giữ cho Zlatan luôn luôn vui vẻ". Jose Mourinho nói với người phụ nữ Thụy Điển bằng giọng chậm rãi, nhưng đầy nghiêm khắc. "Helena" mà Mourinho đang nhắn nhủ chính là vợ của Zlatan Ibrahimovic - chân sút lừng danh từng khoác áo Juventus, Inter Milan, AC Milan, Paris Saint-Germain hay Manchester United.

Ngày cập bến Inter Milan, "Người đặc biệt" không cần cầu thủ phải lao vào tập luyện như điên. Thay vào đó, ông ân cần dặn dò... vợ của học trò, rằng phải giữ cho anh ấy luôn vui vẻ. Đúng. Phải vui vẻ, thoải mái, rồi mới đá gì thì đá. Đó là bài học vỡ lòng về "đắc nhân tâm" cho mọi HLV muốn bước vào con đường huấn luyện.

Chiến thuật, triết lý bóng đá có thể khi đúng khi sai, nhưng một khi có được nhân tâm, chiến lược gia đã nắm trong tay một nửa chìa khóa thành công.

Từ sát thủ có gương mặt trẻ thơ đến Park Hang-seo: Muốn thành công, phải biết cách thu phục lòng người - Ảnh 1.

HLV Jose Mourinho (phải) đã không kiểm soát được phòng thay đồ MU trong những ngày tháng cuối cùng ở Old Trafford. Ảnh: Sky Sports.

2. Cựu HLV Đặng Trần Chỉnh từng có câu nói mà bóng đá thế giới nên phiên dịch lại và ghi vào biên niên sử: "Ghế HLV có bốn chân, cầu thủ đã nắm đến ba". Quả thực, chưa bao giờ cầu thủ lại có quyền năng và sức ảnh hưởng đến thế trong mỗi đội bóng. Ở những CLB lớn như MU, cầu thủ phát triển thương hiệu riêng, có những cổ động viên riêng, đôi khi song song và độc lập với đội bóng. Cầu thủ cũng không gọi HLV là thầy. Không có tình nghĩa thầy - trò ở đây.

Mà cầu thủ hay HLV, cũng đều là những người "làm công ăn lương" ở CLB, có nghĩa vụ và quyền lợi riêng. HLV không phải ngẫu nhiên có được nhân tâm và khiến cầu thủ nể phục. "Sợ" đôi khi rất khác với "nể". Đội bóng mà cầu thủ chỉ sợ, chứ không nể HLV, tất tồn tại lay lắt như lâu đài trên cát. Muốn tạo chân đế vững vàng để vươn tới thành công, HLV phải xây được cái móng vững chắc. Như Ole Gunnar Solskjaer ở MU hay Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam làm được.

Hai con người từ hai quốc gia, không có nhiều mối liên hệ, chưa từng gặp nhau, chẳng có chút duyên nợ quá khứ. Nhưng nếu Solskjaer và thầy Park có cơ hội mời nhau một chén rượu Tết, có lẽ hai bậc thầy thu phục lòng người sẽ có nhiều thứ để nói.

3. Ngày Old Trafford chìm trong mây mù, ban lãnh đạo MU thực hiện "quyền thay đổi" định mệnh. Họ phế truất Mourinho, đặt niềm tin vào Ole Solskjaer - huyền thoại vốn đã quá nổi tiếng với những bàn thắng khi vào sân thay người. Dẫu vậy, lần "vào sân" hôm nay của Solskjaer rất khác. Ông nắm sa bàn, chỉ huy còn tàu chệch bánh sau ngày Sir Alex Ferguson nghỉ hưu để giữ lại cơn mơ tái sinh của bầy Quỷ đỏ - vốn đã chán ngán sau những năm tháng hợp tác cùng David Moyes, Louis van Gaal hay Mourinho.

"Tôi thấy thành công của Solskjaer không có gì đặc biệt. Tôi, Gary (Neville) hay bất cứ ai cầm Quỷ đỏ cũng có thể làm được như thế. MU đã quá... tệ dưới thời Mourinho, không thể tệ hơn được nữa rồi". Paul Ince từng nói thế khi được hỏi về thành tựu của Solskjaer. Đúng, cựu danh thủ người Na Uy chưa chắc đã giỏi. Ông từng đưa Cardiff City... xuống hạng, thừa nhận không dám dẫn dắt đội nào ở Ngoại hạng Anh trong khoảng thời gian dài. Solskjaer cũng không phải "thánh" để áp đặt triết lý huấn luyện chỉ trong ít tuần ngồi ghế huấn luyện.

Từ sát thủ có gương mặt trẻ thơ đến Park Hang-seo: Muốn thành công, phải biết cách thu phục lòng người - Ảnh 2.

Sau cơn mưa Mourinho, bầu trời Old Trafford lại sáng với ánh nắng Solskjaer. Ảnh: Sky Sports.

Nhưng MU vẫn thắng. Thắng tám trận liên tiếp, trước khi tạm "dừng chân" với trận hòa Burnley. Cùng với Solskjaer, Paul Pogba ghi sáu bàn, kiến tạo bốn lần trong bảy trận Ngoại hạng Anh. Marcus Rashford tiến bộ vượt bậc, liên tục "nổ súng" cho MU. Anthony Martial lấy lại cảm hứng chơi bóng, Romelu Lukaku "sống lại" cuộc đời thứ hai, còn Victor Lindelof thể hiện tầm vóc của bản hợp đồng đắt giá cho một trung vệ.

Solskjaer không có phép lạ. Cũng chẳng phải chiến lược gia người Na Uy giỏi hơn Mourinho. "Sát thủ có gương mặt trẻ thơ" một thời vẫn thành công, ông nắm được tâm lý của cầu thủ với sự mềm mỏng, uyển chuyển, linh hoạt. Tất cả đều cảm thấy họ mới là nhân vật chính tại Old Trafford, chứ không phải HLV.

Solskjaer lặng lẽ lùi lại phía sau, không đưa ra phát biểu "đao to búa lớn", cũng không chê trách cầu thủ trước giới truyền thông khi họ mắc lỗi. Cầu thủ không sợ Solskjaer, họ nể ông, hiểu rằng chiến đấu vì Solskjaer cũng có nghĩa là chiến đấu vì danh dự của bầy Quỷ đỏ. Pogba từng nói: "Phải đến khi HLV mới cập bến, tôi mới hiểu thế nào là bóng đá của MU".

Từ sát thủ có gương mặt trẻ thơ đến Park Hang-seo: Muốn thành công, phải biết cách thu phục lòng người - Ảnh 3.

Ole Gunnar Solskjaer thì khác, ông mang trong mình dòng máu của "Quỷ đỏ", truyền lại cảm hứng và thu phục nhân tâm. Ảnh: Sky Sports.

4. "Người phù hợp", cũng là biệt hiệu mà nhiều chuyên gia đặt cho HLV Park Hang-seo. Mười mấy năm lăn lộn gập ghềnh sau hào quang World Cup 2002 dưới bóng Guus Hiddink, thành tựu lớn nhất của thầy Park là chức vô địch K-League II cùng Sangju Sangmu. Trước khi bén duyên với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo dẫn dắt Changwon City ở giải hạng ba và "không có cơ hội làm việc ở Trung Quốc" - như chính thừa nhận của ông.

Đặt cạnh những HLV tên tuổi từ Hàn Quốc hay Nhật Bản khác, rất khó để nói ông thầy 60 tuổi tài giỏi, thông tuệ hay sở hữu triết lý đỉnh cao hơn. Nhưng với bóng đá Việt Nam, người giỏi chưa chắc đã hay bằng người phù hợp. Không khó để tìm kiếm người giỏi, song có được người phù hợp mới là vấn đề.

HLV Park Hang-seo không có cây đũa thần để tạo ra phép hồi sinh, nhưng ông nắm trong tay bốn bể thiên hạ nhờ sự linh hoạt trong "thuật dụng nhân" có một không hai.

Nếu HLV Solskjaer thu phục lòng người ở MU, HLV Park Hang-seo lại đắc nhân tâm cho cả nền bóng đá. Người ta nói nhiều đến dấu ấn chiến thuật Park Hang-seo với sơ đồ ba hậu vệ hay những lần thay người hợp lý, nhưng kỳ thực, thứ HLV Park Hang-seo thay đổi đối với bóng đá Việt Nam, chính là rũ bỏ tâm lý "nhược tiểu" mỗi khi bước ra sân chơi châu lục.

Từ sát thủ có gương mặt trẻ thơ đến Park Hang-seo: Muốn thành công, phải biết cách thu phục lòng người - Ảnh 4.

Ông nói "cầu thủ Việt Nam không yếu, chỉ vì nhiều người nói vậy nên họ mới nghĩ mình yếu thật". Ông chữa trị tâm bệnh "sợ thua từ trong tư tưởng" của bóng đá Việt Nam, yêu cầu tất cả không được cúi đầu. HLV Park Hang Seo mang đến cho đội tuyển, từ U23, Olympic đến ĐTQG một tâm thế mới, một sinh khí mới. Chỉ cần có chiến thuật và phương pháp tiếp cận hợp lý, chúng ta có thể vượt qua mọi đối thủ.

"Tôi không hiểu ông Park có chiến thuật hay lối đá gì. Có thể, ông ấy chỉ đặt ra tiêu chí cho từng nhiệm vụ tấn công, phòng ngự, chuyền bóng, di chuyển, bọc lót cụ thể", BLV Quang Huy phân tích. Hay như cựu trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa, tuyển Việt Nam của HLV Park Hang Seo chỉ có mục tiêu, tiêu chí, chứ nhất định không vận hành trên nền tảng triết lý bóng đá nào. Bí quyết đơn giản là sự tự tin của các cầu thủ.

Từ sát thủ có gương mặt trẻ thơ đến Park Hang-seo: Muốn thành công, phải biết cách thu phục lòng người - Ảnh 5.

Đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo là một tập thể không có vết nứt về sự đoàn kết. Ảnh: Hiếu Lương.

Càng tìm hiểu phong cách Park Hang-seo, ta càng thấy ông giống người cha, người anh của các cầu thủ, hơn là người thầy làm nhiệm vụ huấn luyện bóng đá đơn thuần. Một năm dẫn dắt, thầy Park tạo nên bầu không khí gia đình, thúc đẩy được tiềm năng của các cầu thủ.

Có lòng quân mới có thiên hạ. Mất lòng quân, dù có tài cao đến mấy, vị tướng lĩnh cũng không thể một mình xoay chuyển càn khôn. MU hay bóng đá Việt Nam, xem như cùng gặp may mắn khi tìm được những người phù hợp như vậy.