Khép lại vòng Công diễn 4 Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Nhà Cá Lớn đã mang đến tiết mục Chiếc Khăn Piêu (nhạc: Phát triển dân ca Xá, lời: Doãn Nho) mang đậm chất dân ca vùng núi Tây Bắc cùng hình ảnh chiếc khăn piêu, cô gái Thái, chiến sĩ Biên phòng,...
Qua tiết mục, Nhà Cá Lớn mong muốn tri ân đến các anh hùng dân tộc đã ngã xuống vùng biên giới, ca ngợi tình cảm hậu phương đẹp đẽ của quân-dân và cả những chiến sĩ Biên phòng đang canh gác vùng biên giới hiện nay.
Trích đoạn tiết mục Chiếc Khăn Piêu của Nhà Cá Lớn.
“Chúng tôi muốn gửi gắm đến tất cả với các bạn trẻ rằng, chúng ta có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, đã có biết bao nhiêu thế hệ cha anh đã ngã xuống. Đặc biệt trong thời bình, những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác cho từng tấc đất thiêng liêng tổ quốc và họ làm được điều đó vì đằng sau có gia đình, có những chiếc khăn piêu, có sự hỗ trợ của hậu phương, đó chính là điểm tựa vững chắc nhất của người lính”, NSND Tự Long nói lên thông điệp mà Nhà Cá Lớn muốn gửi gắm trực tiếp đến giới trẻ hiện nay. |
Trên trang cá nhân của mình, SOOBIN cũng xúc động nói về tiết mục của Nhà Cá Lớn: "Làm nghệ thuật vẫn phải yêu nước". Chia sẻ của SOOBIN nhận được nhiều sự đồng cảm và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng mạng.
Giải thích về hình ảnh chiếc khăn piêu được đưa vào tiết mục của Nhà Cá Lớn, Tự Long chia sẻ: “Hình ảnh chiếc khăn piêu là của đồng bào dân tộc vùng cao. Mà dân tộc vùng cao thì luôn ở cạnh các chiến sĩ Biên phòng. Cái việc ở địa đầu tổ quốc, họ có chắc tay súng hay không thì lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tinh thần. Mình sẽ nhân cách hóa lên, nó không chỉ là tình quân dân, có cả sự kết hợp việc gieo nhân vào đất tốt và sẽ có quả. Đối diện với bóng đêm, với kẻ thù mà không hề nao núng”.
Trình diễn đàn môi trong tiết mục, NSND Tự Long cho biết đây là tiết mục khó khăn cho các đồng đội khi phải làm thỏa mãn khán giả ở hai yêu cầu là dung hòa được giá trị truyền thống và sự hiện đại.