Từ lầm tưởng "đã hamburger lại còn nhân bò", cùng tìm hiểu nguồn gốc của món ăn nhanh bị ẩm thực đường phố Việt Nam đánh "bầm dập"

Hướng Dương HT, Theo Pháp luật và bạn đọc 13:10 09/03/2021

Rất có thể bạn chưa biết tới nguồn gốc của món ăn quen thuộc này.

Những tranh cãi về nguồn gốc hamburger

Bánh mì hamburger (có cách đọc là hăm-bơ-gơ hay hem-bơ-gơ) là một dạng đồ ăn nhanh, được coi là dành cho người luôn bận rộn, không có nhiều thời gian.

Chiếc bánh được miêu tả bao gồm 2 nửa bánh mì hình tròn, ở giữa có kẹp thịt (thường là thịt bò) và 1 số loại rau, củ, gia vị. Miếng thịt này có thể đã được nướng, chiên, hun khói... Bánh thường được thưởng thức cùng với khoai tây chiên.

Lịch sử bánh hamburger đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Có nhiều người cho rằng xuất xứ của món đồ ăn nhanh này là từ Đức. Thế nhưng lại có ý kiến cho rằng, nguồn gốc của hamburger bắt nguồn từ người Mông Cổ.

Từ ngàn năm trước, người Ai Cập cổ đại đã ăn thịt bằm viên. Sau này, chúng được ép theo dạng dẹt và được người Mông Cổ tích trữ dưới yên ngựa. Vào thế kỷ 13, khi sang xâm chiếm châu Âu, họ đã sáng chế ra loại bánh có thể ăn được ngay cả khi cưỡi ngựa, đó là bánh hamburger.

Khi người Mông Cổ xâm lược được Moscow, họ đã du nhập món bánh này vào nước Nga. Người Nga thì tiếp nhận món bánh này và sáng tạo thêm một chút để biến thành món ăn độc đáo của riêng nước họ. Những đầu bếp Nga đã cho thêm hành tây băm nhuyễn và trứng vào bên trong nhân chiếc bánh hamburger. Họ gọi món bánh của mình là "Steak Tartare" (Tartar là tên gọi người Mông Cổ).

Từ lầm tưởng đã hamburger lại còn nhân bò, cùng tìm hiểu nguồn gốc của món ăn nhanh bị ẩm thực đường phố Việt Nam đánh bầm dập - Ảnh 1.

Hamburger là món ăn nhanh được nhiều người yêu thích vì bổ dưỡng và tiện lợi

Sau này khi thương mại phát triển, món ăn độc đáo này mới được du nhập vào Đức, dần dần công thức làm món bánh hamburger cũng được lan truyền rộng rãi qua đường biển và phát triển thành món ăn thông dụng, đặc biệt là ở thành phố Hamburg của Đức. Từ đó tên gọi hamburger mới ra đời.

Ấy thế nhưng, một nhóm ý kiến khác lại quả quyết rằng, hamburger có nguồn gốc từ Mỹ. Nó xuất hiện vào năm 1834 tại một nhà hàng Delmonico ở New York. Tuy nhiên khi đó, trên menu của nhà hàng, món này có tên là bít tết Hamburg - thịt bò được băm nhỏ và kết hợp với tỏi, hành, muối và tiêu, sau đó nướng hoặc chiên. Phần nhân được ăn kèm với bánh mì, tuy nhiên không phải ở dạng kẹp thịt.

Tuy nhiên, nếu chỉ quan niệm bánh hamburger khi đó gồm 2 miếng bánh mì kẹp 1 miếng thịt bò bằm ở giữa thì làng Seymour tự tin gọi mình là "nguồn gốc của chiếc hamburger". Bởi một người có tên là Charlie Nagreen, đến từ Seymour - Wisconsin, ở tuổi 15 đã bán loại bánh này ở hội chợ Outagamie County. Anh ta gọi món bánh là Hamburger Charlie. Năm nào có hội chợ anh cũng bán, cho đến năm 1951 anh ta qua đời.

Một nhà khác có tên là Lassen cũng quả quyết mình là "ông tổ" của hamburger, họ đã sản xuất nó vào năm 1892.

Ngược lại, anh em nhà Menches cũng được nhiều người tin rằng đã phát minh món đồ ăn nhanh này tại hội chợ quận Erie năm 1885. Theo đó, anh em nhà Menches bán xúc xích nhưng do hết hàng, họ buộc phải mua thịt bò bằm và khi chiên nó lên, họ cho thêm một vài gia vị để tăng sự hấp dẫn. Sau đó, Frank Menches nhìn lên bảng hiệu ở hội chợ Hamburg và nói: "Đây là hamburger!".

Các thông tin ở trên có thể cho thấy rằng hamburger được phát minh ra ở rất nhiều nơi khác nhau trên nước Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng việc hamburger trở nên phổ biến ở đất nước này từ năm 1904. Những năm tiếp theo, nó đã trở thành món ăn nhanh tại nhiều chuỗi cửa hàng.

Hamburger đã trở thành biểu tượng của nước Mỹ kể từ khi hai anh em là Maurice và Richard McDonald mở cửa hàng McDonald's đầu tiên tại California vào năm 1948. Và dãy nhà hàng McDonald's mọc lên trên khắp thế giới, bán một loại hamburger có tên là Big Mac, và nó nhanh chóng trở thành món ăn được bán chạy nhất thế giới, được rất nhiều người ưa chuộng.

Những lầm tưởng "hề hước" về món hamburger chẳng mấy xa lạ

Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội, một thanh niên đã bình luận rằng: "Đã hamburger rồi còn bò". Theo anh chàng, trong chữ hamburger thì "burger" có nghĩa là cái bánh, còn "ham" có nghĩ là thịt giăm bông. Vì vậy, hamburger ý chỉ cái bánh kẹp thịt giăm bông. Còn khi kẹp nhân khác thì sẽ có tên là eggburger (nếu nhân trứng), chickenburger (nếu kẹp thịt gà)...

Từ lầm tưởng đã hamburger lại còn nhân bò, cùng tìm hiểu nguồn gốc của món ăn nhanh bị ẩm thực đường phố Việt Nam đánh bầm dập - Ảnh 2.

Hiểu lầm gây cười nghiêng ngả của 1 thanh niên về hamburger

Lập tức, quan niệm của anh về món bánh này bị cộng đồng mạng ném đá tơi tả. Bởi đây đơn thuần là tên bánh chứ không nhằm chỉ nhân thịt kẹp giữa 2 lát bánh mì tròn.

Cách ăn hamburger đúng chuẩn

Nếu bạn cầm hamburger bằng cách ngón cái giữ dưới đáy bánh, trong khi các ngón còn lại đặt trên nắp bánh thì đó là sai. Rất nhiều người đã sử dụng cách ăn như vậy. Nhưng không, nếu làm theo cách này, nhân trong bánh sẽ bị rơi ra và khi ăn sẽ không vệ sinh chút nào.

Từ lầm tưởng đã hamburger lại còn nhân bò, cùng tìm hiểu nguồn gốc của món ăn nhanh bị ẩm thực đường phố Việt Nam đánh bầm dập - Ảnh 3.

Cách ăn hamburger đúng chuẩn

Cách ăn chuẩn nhất là đặt 2 ngón tay cái và 2 ngón tay út để đỡ phần đáy bánh, 3 ngón tay giữa còn lại nên đặt trên nắp bánh. Kiểu đặt các ngón tay này sẽ hạn chế các phần thịt, rau, nước sốt bên trong bánh hamburger bị rơi ra ngoài, đồng thời giữ được lượng thịt bò và bánh ở mức lớn nhất lúc ăn.

Ngoài ra, theo chia sẻ của các blogger ẩm thực có tiếng, cách ăn hamburger đúng nhất phải là cầm lộn ngược và ăn bánh hamburger từ phần đáy. Nguyên nhân là do phần đỉnh bánh thường dày hơn phần đáy của bánh hamburger. Do đó việc ăn ngược so với cách truyền thống, tức là xoay ngược chiếc bánh và cắn từ dưới đáy lên đỉnh bánh giúp tránh làm phần nhân bị rơi ra ngoài.

Hamburger không "làm mưa làm gió" tại Việt Nam là do chúng ta nghèo? Còn lâu nhé!

Gần đây, một dân mạng Philippines bình luận trong nhóm cộng đồng We Are Asean rằng: "Người Việt Nam chuộng thức ăn truyền thống hơn vì họ nghèo, họ không có đủ tiền để ra những cửa tiệm đồ ăn nhanh, còn ở Philippines, chúng tôi có hàng ngàn cửa hàng đồ ăn nhanh. Các quốc gia nghèo khó như Việt Nam thì không phải là địa chỉ tiềm năng cho các thương hiệu đồ ăn nhanh đến".

Bằng chứng anh ta đưa ra là thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald's đã mở hơn 600 cửa hàng tại Philippines, trong khi đó, con số cửa hiệu của thương hiệu này tại Việt Nam chỉ là 22. Các thương hiệu đồ ăn nhanh khác cũng có kết cục tương tự ở Việt Nam.

Từ lầm tưởng đã hamburger lại còn nhân bò, cùng tìm hiểu nguồn gốc của món ăn nhanh bị ẩm thực đường phố Việt Nam đánh bầm dập - Ảnh 4.

Người Việt không có tiền ăn đồ ăn nhanh nước ngoài - đó là 1 quan điểm sai lầm

Tuy nhiên, đây là cách hiểu hoàn toàn sai lầm và thật ngớ ngẩn. Các cửa hàng đồ ăn nhanh như McDonald's hay Burger King thất bại tại Việt Nam, đơn giản là người Việt Nam có nhiều lựa chọn tốt hơn cả về tầm giá, độ ngon, dinh dưỡng và cách chế biến.

Theo khảo sát của Bloomberg, mức giá tối thiểu để 1 người lớn ăn đủ no ở 1 cửa hàng ăn nhanh là 5 USD, tương đương với 120.000 đồng tiền Việt Nam. Với số tiền như vậy, người Việt có nhiều lựa chọn món ăn tốt hơn việc ăn 1 chiếc bánh hamburger hay 1 miếng gà rán.

Họ có thể quay sang ăn bánh mì - món ăn cũng thơm ngon không kém mà mức giá đắt nhất cũng chỉ tầm 2 USD (khoảng 48.000 đồng). Số dư còn lại họ thừa sức uống cà phê, sinh tố hoặc trà sữa... Đặc biệt, bánh mì đâu chỉ có 1 loại, mà có hàng chục loại khác nhau để đổi vị.

Người Việt không chỉ có bánh mì, họ còn có hơn 200 món ăn đường phố khác. Ví dụ như bánh bao, bánh khúc, bánh gối, bánh rán, phở, bún, mì... Sự đa dạng về ẩm thực truyền thống Việt Nam khiến menu của những thương hiệu đồ ăn nhanh quốc tế bỗng chốc bị lu mờ.

Thêm 1 lý giải nữa đó là, đồ ăn nhanh ở nước ngoài nhưng chắc gì đã nhanh bằng Việt Nam. Những quán ăn vỉa hè của Việt Nam mọc lên nhan nhản khắp các nẻo đường. Người dân không phải chờ đợi lâu mà đã có ngay 1 suất ăn nóng hổi, tươi mới.

Người Việt tìm đến các cửa hàng ăn nhanh nhưng không phải lựa chọn hàng đầu. Đó chỉ là một lựa chọn "ăn trải nghiệm" hoặc "ăn để biết". Bởi khẩu vị của người Việt thường chuộng những món ăn truyền thống hơn. Những chiếc bánh hamburger rất ngon, nhưng ăn 1 - 2 bữa là ngán, không thể ăn được nữa.

Nguồn: Tổng hợp