17h thứ Hai đầu tuần, mở Facebook lên đã thấy status "Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn?" xuất hiện dày đặc trên các fanpage, hội nhóm và cả trong friendlist. Cứ tưởng đầu tuần mọi người bận lắm, hóa ra vẫn đủ thời gian để “hóng biến”, chế cháo đủ kiểu!
Đến giờ thì nick Facebook của R.C - chàng trai chính trong câu chuyện inbox hỏi mua mèo và cô gái bị R.C “bóc phốt” đã khoá lại, bài đăng đó không rõ con số tương tác chính xác, nhưng cũng phải xấp xỉ 200k lượt react, 100k lượt share. Có lẽ vụ việc gần nhất nhận được tương tác “khủng” trên MXH Việt như thế là… tin Sulli tự tử. Éo le hơn, có những người mới lên tiếng đòi quyền bình đẳng, đòi tẩy chay bắt nạt trên mạng sau cái chết của Sulli, giờ lại đang cười cợt và chọc ngoáy vào đời tư anh chàng R.C chỉ vì anh ta… đáng bị như thế?!
Chuyện có thật và không hề chỉ để cho vui. Vui gì chứ, vui thế này thì buồn lắm người ơi…
Dân mạng 9 người 10 ý, dù là ý nào đi chăng nữa thì câu chuyện mua mèo này vẫn viral trên MXH, vẫn thành “trend”. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng người bất lịch sự và có lỗi trong trường hợp này là R.C. Nhất là hành động chụp lại màn hình để lộ thông tin cá nhân của bạn nữ rồi viết tràn lan đại hải "dạy" người khác phải cư xử ra sao càng khiến cư dân mạng khó chịu.
Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc bực mình khi bị người lạ inbox hỏi là một phản ứng bình thường vì mua thú cưng ở đâu, bao nhiêu tiền là điều khá nhạy cảm trong giao tiếp (theo quan điểm của 1 số người). Anh chàng kia chỉ là “thiếu tinh tế” khi đăng tải thông tin của người khác mà thôi.
MXH là môi trường dễ kích động, chỉ cần một cuộc hội thoại không vừa mắt hay một bức ảnh, một đoạn clip tạo cảm giác tiêu cực là lửa giận dữ sẽ phừng phừng bốc lên khắp nơi. Bài đăng của R.C rõ ràng hội tụ đủ những chất xúc tác để người khác phải nhướng mày và muốn đứng phắt dậy để... chửi lộn: một cuộc hội thoại đơn giản tự dưng bị "làm khó"; một bài đăng chỉ dạy, hướng dẫn cách giao tiếp đến từ một người rõ là... đang gặp vấn đề về giao tiếp (theo lời cư dân mạng). Và quan trọng, hình ảnh đối lập giữa một gymer to cao vạm vỡ và cô gái tội nghiệp hỏi mua mèo là yếu tố then chốt khiến câu chuyện này tạo ra những cảm xúc dữ dội như thế. Thử tưởng tượng đó là hai cô gái cãi nhau, hay hai anh gymer đôi co qua lại xem - khán giả đảm bảo giảm mất 5, 6 phần!
Chuyện gì đến cũng sẽ đến, người người chia sẻ, nhà nhà bình luận. Lướt một vòng Internet, không thiếu những comment dài dằng dặc, những bài đăng rao giảng, những topic bàn tán về cách cư xử của anh chàng R.C. Chỉ trong một buổi chiều thứ 2, "Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn?" trở thành câu nói hot nhất mà ai cũng phải cập nhật. Mọi căng thẳng và mệt mỏi của ngày đầu tuần như biến mất khi mọi người tìm được một thứ để mà hihi haha, để gửi cho đứa bạn thân, để cùng tụm lại chửi bới với hội đồng nghiệp lúc 5h chiều sau những vất vả mưu sinh.
Ai cũng thi nhau share status. Nhẹ nhàng sương sương thì chia sẻ để "bắt trend", để không trở nên lạc hậu giữa một biển internet đang nhiệt ơi là nhiệt; còn nặng đô hơn thì sẽ là chửi bới, chỉ trích để thể hiện quan điểm, để cho thấy rằng mình không thuộc phe phản diện như R.C.
Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở mức độ chê bai và chỉ ra cái chưa-đẹp, chưa-tốt thì không có gì để bàn, nhưng rõ ràng mọi thứ đã đi xa hơn rất nhiều. Trong vòng chưa đầy 3 tiếng, trên MXH ngập tràn hình ảnh của R.C, từ xưa xửa xừa xưa đến avatar mới nhất của anh chàng cũng được đào lại và chia sẻ khắp nơi. Đâu đâu cũng là những lời chửi bới, công kích cá nhân, mà không chỉ vài người, số bình luận, số lượt share lên đến cả trăm nghìn.
Từ một anh chàng bình thường chẳng mấy ai biết đến, R.C bỗng chốc trở thành người được cư dân mạng "chăm sóc" nhiệt tình bằng trọn bộ combo bắt nạt online: Bình luận miệt thị, bị report Facebook, gửi tin nhắn đùa cợt, share ảnh cá nhân lên các hội nhóm để mua vui, chế cháo 1001 kiểu. Thậm chí trong một diễn biến khác, những người đứng phe trung lập hay có ý muốn bênh vực R.C cũng vô tình trở thành mục tiêu "ăn gạch". Bằng chứng là một hội nhóm của anh chàng khi lên tiếng muốn kết thúc màn chế giễu này tự nhiên ăn "no đòn".
Xuất phát từ lỗi sai cơ bản khi dùng MXH của R.C, anh chàng đã “vô tình” trở thành nạn nhân của cyber bully. Và chúng ta - những cư dân mạng vô tư buông lời khẩu nghiệp, tung ra một loạt hình ảnh chế cháo đùa cợt không hề nhận ra hành động đó đã tinh vi chuyển mình, hóa thành gián tiếp xúc phạm và công kích đời tư của R.C - chuyên nghiệp, quy củ và tốc độ không thua gì những kẻ bắt nạt trên MXH.
Chưa bao giờ mà ranh giới giữa "lên án cái sai" và "công kích cá nhân" lại trở nên mong manh và khó phân định như vậy. Nhiều khi chúng ta chỉ nghĩ đơn giản là đang lên án một hành động xấu, đang cho cả thế giới biết đó là điều chưa đúng đắn. Một câu đùa thôi mà? Ừ, nhưng khi tất cả cùng đùa thì sẽ tạo ra cả một làn sóng. Mà trong cuộc vui, mấy ai biết đến điểm dừng? Khi niềm vui được hưởng ứng, khi giễu cợt có cả cộng đồng ủng hộ, thì trò đùa sẽ càng biến thiên và trở thành cái ác. Niềm vui trên nỗi đau, sự xấu hổ của một người nào đó thì không phải là niềm vui.
14/10/2019: từ câu chuyện Sulli tự tử chấn động châu Á, một bộ phận cư dân mạng Việt cho rằng chúng ta phải làm gì đó để chấm dứt hành vi công kích bằng ngôn từ trên mạng.
21/10/2019: từ câu chuyện inbox hỏi mua mèo, vẫn là một bộ phận cư dân mạng Việt cho rằng họ có quyền cười nhạo và công kích một người chỉ vì anh ta… đáng bị như thế?
Cái đáng nói ở đây là từ phản đối một hành vi xấu, chúng ta đã đi quá xa, trở thành cyber bully người khác, biến họ từ “người có lỗi” trở thành “nạn nhân”, còn chúng ta từ “người dưng” trở thành “kẻ bắt nạt”. Mà có khi còn chẳng ai nhận ra, bởi vì đó là “trend”, là câu nói hot nhất trên mạng ngày hôm đó mà, phải chế meme, phải chọc ngoáy cà khịa để mà đu trend nữa!
Chúng ta thường đối đáp khi bị người khác phản pháo hay góp ý ở trên mạng kiểu: “Đây là trang cá nhân của tôi, tôi có quyền nói gì mình muốn…”, “Không nghe thì lượn đi cho nước nó trong!". Không ai bảo cách phản biện đó là sai, nhưng đáng tiếc là chúng ta thường chỉ dùng chúng để biện minh cho hành vi của mình mà hiếm khi thông cảm và hiểu được cho người khác. Hệ quy chiếu mỗi người mỗi khác và bạn có quyền cảm thấy khó chịu trước những điều không giống với "vũ trụ" của mình. Nhưng ứng xử sao cho đúng khi cơn giận dữ đang lấn lướt toàn bộ lý trí lại là bài toán khó mà không phải ai cũng giải được.
Phản đối hành vi xấu sao cho chặt chẽ, sao cho thực sự có ích thì khó, mà để “biến tấu” thành cyber bully thì dễ như trở bàn tay. Dễ hơn nữa khi chúng ta không chỉ có một mình, mà còn cả một cộng đồng mạng khổng lồ đứng sau sẵn sàng kề vai sát cánh. Những gì xảy ra trong 48h qua chính là một lời nhắc nhở rằng: Hiệu ứng cánh bướm trên MXH rõ ràng là không đùa được đâu, và trong một mớ thông tin hỗn độn, rất dễ để chúng ta bị cuốn theo và trở thành một "côn đồ" phiên bản online mà không hề hay biết.
Những lúc này đây, câu thần thú hiệu nghiệm nhất chính là "tỉnh táo, tỉnh táo và tỉnh táo". Giữa một đám đông đang phẫn nộ và mất kiểm soát, ai giữ được sự bình tĩnh và khôn ngoan để lùi một bước thì người đó thắng!
"Bye Bye Bully (#byebyebully) - Ngừng buông lời ác!" là một campaign được thực hiện nhằm nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ về vấn nạn bắt nạt online (cyber bully). Cho dù có là nạn nhân hay là một kẻ bắt nạt ẩn sau màn hình máy tính đang chật vật tìm cách quay đầu đi chăng nữa thì tại đây, bạn đều sẽ được lắng nghe và nhận được sự giúp đỡ.