Hai vợ chồng chị Trần Phương Trang (33 tuổi, Long Biên, Hà Nội) là công chức nhà nước, thời gian làm việc giờ hành chính khá gò bó nên thường xuyên phải nhờ xe ôm đưa đón con đi học mỗi ngày. Ít có thời gian theo sát con học hành nên từ khi con bắt đầu đi học chị đã đăng ký cho theo đầy đủ các lớp học thêm tại trường, vừa yên tâm con, vừa có thêm kiến thức.
Thế nhưng, từ đầu tháng 2, nhà trường đồng loạt thông báo dừng dạy thêm các buổi chiều, cô giáo chủ nhiệm cũng dừng dạy thêm các buổi tối tại nhà, khiến lịch sinh hoạt gia đình chị hoàn toàn bị xáo trộn.
Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng, khi nghỉ học buổi chiều ở trường, con sẽ làm gì? (Ảnh minh hoạ)
Nhiều đồng nghiệp khuyên chị gửi gắm con đến trung tâm, vừa thêm kiến thức vừa dễ quản lý. Sau khi tìm hiểu, thấy mức phí tại đây cao gấp 3-5 lần tiền học ở trường trước kia, kinh tế gia đình không gánh nổi, chị đành ngậm ngùi để 2 con ở nhà một mình.
"Mỗi sáng tôi phải dạy sớm hơn 1 tiếng để chuẩn bị cơm trưa cho 2 con ở nhà, đứa lớp 8 sẽ tự trông đứa lớp 6", chị nói và cho biết không yên tâm để con ở nhà nên chỉ chăm chăm soi camera. Cho con ra ngoài chơi cùng bạn bè cũng không yên tâm vì sợ tụ tập, rủ nhau đi chơi điện tử, dễ bị nhiễm thói hư tật xấu. Còn nếu ở nhà với bốn bức tường thì lo con dễ nghiện tivi, điện thoại... càng nguy hiểm hơn.
Giống như chị Trang, nhiều bậc cha mẹ khác cũng loay hoay tìm cách thích ứng với việc trường dừng dạy thêm, con ở nhà các buổi chiều.
Chị Lê Thị Diệu Nghiên (Đông Anh, Hà Nội) đau đầu tìm nơi gửi con mỗi buổi chiều. "Không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng tự học, tự giác nên việc ở nhà không đi học buổi chiều rất khó có cho gia đình. Vợ chồng tôi đều làm nhà nước nên không thể sắp xếp ở nhà trông nom", chị cho hay. Việc con nghỉ học ở nhà sẽ phát sinh nhiều vấn đề như xem điện thoại, xem tivi hoặc đi chơi không ai giám sát.
Mỗi ngày chị dành ra thêm vài tiếng để nghiên cứu, giao thêm bài tập cho con ở nhà làm, "tối về sẽ kiểm tra". Thế nhưng chị cho rằng, cách làm này chỉ áp dụng tạm thời, về lâu dài vẫn sẽ phải tìm trung tâm dạy thêm để cho con đi học các buổi chiều, tranh việc ở nhà một mình.
Cha mẹ cùng con thay đổi
Cô Nguyễn Thị Thuý, giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Thái Bình đánh giá, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT sẽ thay đổi thói quen học tập của học sinh. Thời gian đầu khi áp dụng, nhiều phụ huynh sẽ sốt ruột, lo lắng việc quản lý giám sát các con trong những buổi chiều không đến trường.
Vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh, cô Thuý cho rằng điều quan trọng nhất là phụ huynh cùng con thay đổi. Đây cũng là cơ hội để các phụ huynh quan tâm tới sự phát triển toàn diện của con cái về thể chất lẫn tinh thần chứ không chỉ riêng kiến thức.
Trường dừng dạy thêm, phụ huynh chật vật bỏ thói quen 'trăm sự nhờ thầy cô'. (Ảnh minh hoạ)
Thứ nhất, hướng dẫn trẻ tự học. Những buổi chiều không phải tới trường, phụ huynh vẫn nhắc nhở trẻ ngồi vào bàn học, ôn tập lại kiến thức. Kiến thức thầy cô dạy con trên trường, chỉ thực sự là của trẻ khi có quá trình tự học. Bao năm qua, nhiều gia đình mải miết cho con đi học mà quên mất tự học mới là yếu tố tiên quyết. Tự học giúp trẻ thấy yêu việc học, đồng thời làm nên sự tự giác, tự lập trong cuộc sống.
Thứ hai, hướng dẫn trẻ đọc sách. Mỗi gia đình nên có tủ sách cá nhân với những đầu sách hay, ý nghĩa, hợp với lứa tuổi. Thời gian trẻ không tham gia học thêm hãy tận dụng để đọc sách. Nên có nhật ký ghi lại những cảm nhận bản thân về những cuốn sách đã đọc. Hãy tin rằng, sách mở ra cả chân trời mới, những buổi chiều làm bạn với sách, trẻ sẽ thêm lớn khôn.
Thứ ba, dạy trẻ làm việc nhà. Bao năm qua, với lịch học dày đặc của con, cha mẹ thường sẽ ưu tiên làm hết việc nhà. Giờ là lúc phụ huynh cần lên kế hoạch dạy trẻ quét dọn vệ sinh nhà cửa, giặt giũ quần áo, sắp xếp lại đồ đạc, phụ cha mẹ nấu cơm tối. Làm việc nhà, trẻ sẽ thấy có trách nhiệm với gia đình, sau bước ra ngoài thế giới rộng lớn, trẻ tự lập, vững vàng bản lĩnh hơn.
Thứ tư, khuyến khích trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa, thử những việc thủ công đơn giản: học đan, làm đồ handmade, pha chế trà sữa, cafe... Con trẻ biết thêm điều gì đó, thế giới càng rộng mở.
Cô Thuý cũng không quên nhắn nhủ tới học sinh, phụ huynh còn công việc, gánh nặng mưu sinh, nên quá khó để sát sao những giờ con không đến trường. Tự ý thức và luôn cố gắng rèn giũa bản thân là cách làm của người đang khôn lớn, trưởng thành. Thay đổi bản thân, thay đổi những thói quen cố hữu có thể ban đầu sẽ khó nhưng chỉ cần kiên trì, quyết tâm, học sinh nhất định sẽ làm được.
Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2, các tỉnh, thành đồng loạt dừng dạy thêm, học thêm trong trường. Cũng với hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, điều 5 Thông tư 29/2024 quy định, giáo viên không được thu tiền và chỉ tổ chức dạy thêm với 3 trường hợp học sinh sau:
- Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt
- Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi
- Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.