Mỗi năm vào dịp Tết đến Xuân về, câu nói được người Trung Quốc sử dụng nhiều nhất là: "Cung hỉ phát tài, hồng bao nã lai!" (mang ý nghĩa chúc năm mới phát tài và nhắc nhở người được chúc đừng quên đưa phong bao lì xì). Đây không chỉ đơn thuần là một lời chúc phúc, một phần nguyện vọng của mọi người, mà còn là một phong tục đặc sắc không thể thiếu trong văn hoá đón Tết cổ truyền của người dân ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo khái niệm truyền thống, tiền lì xì còn được gọi là tiền mừng tuổi. Vào thời đại nhà Minh - Thanh (1368-1840), đa phần tiền mừng tuổi (khi ấy là đồng xu) được xâu chuỗi bằng một sợi dây màu đỏ rồi tặng cho lũ trẻ. Đến thời kỳ Dân Quốc (1912-1949), tiền mừng tuổi đã có nhiều thay đổi khi được bọc trong một tờ giấy màu đỏ. Và cho tới hiện tại, tiền mừng tuổi hầu như đều được để trong một chiếc bao giấy màu đỏ tươi vô cùng bắt mắt.
Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, các bậc trưởng bối sẽ chuẩn bị sẵn những phong bao lì xì màu đỏ để phát cho con cháu trong gia đình hoặc người quen. Tiền mừng tuổi được cho là có thể trấn áp những điều "tà tuý" (có nghĩa là xấu xa, tà ác). Bởi trong tiếng Trung, từ "tuý" (xấu xa, mờ ám) đồng âm với từ "tuế" (tuổi tác), thế nên người Trung Quốc xưa quan niệm rằng những đứa trẻ được nhận lì xì sẽ trải qua một tuổi mới bình an vô sự.
Văn hoá đưa và nhận lì xì là một phong tục đã tồn tại từ lâu đời của người Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội loài người, phong tục này cũng dần đổi thay và đôi khi cũng bị biến tướng thành quá đặt nặng vật chất mà coi nhẹ bớt các giá trị truyền thống.
Cùng với sự leo thang chóng mặt của vật giá, sức nặng của những phong bao lì xì cũng được nâng lên đáng kể. Nếu như vài năm trước, 100-200 tệ (tương đương 340-680 nghìn đồng) được coi là hậu hĩnh, thì nay để phong bao ở mức ấy đã bị xem là "ki bo", 400-500 tệ (tương đương 1,3-1,7 triệu đồng) chỉ được coi là "tạm ổn", còn nếu muốn "nở mày nở mặt" một chút thì chí ít cũng phải để vào trong phong bao 1.000-2.000 tệ (tương đương 3,4-6,8 triệu đồng).
Nguyên nhân chính khiến cho phong tục mừng tuổi ngày Tết bị "vật chất hoá" là vì cái được gọi là "thể diện" của những người Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là với những con người thuộc thế hệ 7X và 8X.
Một minh chứng rất hùng hồn cho việc này là trong cùng một gia đình, mỗi người có một hoàn cảnh và điều kiện kinh tế khác nhau, thế nhưng người này khá giả mừng tuổi con cháu trong họ 500 tệ (tương đương 1,7 triệu đồng) thì người kia cho dù nghèo khó đến mấy cũng phải cắn răng mừng khoảng 300 tệ (tương đương 1 triệu đồng), tuyệt đối không thể để thua kém quá nhiều.
Đối với những đại gia đình có một người giàu có vượt trội thì áp lực tiền mừng tuổi còn lớn hơn nữa, bởi dù biết không thể bằng được người ta nhưng chẳng ai muốn bị xấu hổ vì phong bao lì xì của mình quá nhẹ so với họ cả.
Một người đàn ông họ Lý sống ở thành phố lớn thở dài chia sẻ, năm trước anh đã nghiến răng chi đến 6.000 tệ (tương đương 20 triệu đồng) để mừng tuổi lũ trẻ trong nhà, vậy mà vẫn thấy chẳng ra làm sao.
Không phải anh nghèo mà hoang, căn bản vì hiện tại mọi thứ đều quá đắt đỏ, anh Lý mừng tuổi mỗi đứa cháu 300 tệ và thấy chúng chẳng mua được thứ gì "ra hồn". Bên cạnh đó, anh còn phát hiện ra những người khác trong gia đình đều đưa phong bao 500 tệ nên cảm thấy khá mất mặt. Chính vì vậy, năm nay anh quyết định sẽ nhét 600 tệ (tương đương 2 triệu đồng) vào mỗi chiếc phong bao để lì xì lũ trẻ.
"Mừng tuổi" vốn là một nét đẹp văn hoá truyền thống để biểu thị thành ý và những lời chúc phúc, chỉ cần một số tiền nhỏ tượng trưng, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người thì chẳng ai có quyền đánh giá hay coi thường người khác. Ấy thế nhưng, kinh tế phát triển vượt bậc đã khiến cho phong tục này dần mất đi giá trị ban đầu, không những vậy còn bị biến tướng thành những hình thức khoe của, hối lộ... và không còn chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa giống như những người đi trước hằng mong đợi.
Kỳ thực, thứ mà "tiền lì xì" muốn nhấn mạnh không phải là tiền, mà là tập tục văn hoá đã tồn tại từ lâu đời và cũng là phong vị đặc biệt không gì thay thế nổi của ngày Tết. Mỗi phong bao đỏ chót không chỉ tượng trưng cho niềm vui hân hoan và mối thân tình giữa những con người với nhau, mà còn chứa đựng biết bao lời chúc phúc cũng như niềm hy vọng vào một năm mới tươi sáng, rực rỡ hơn.
Hãy để lì xì luôn là một nét đẹp văn hoá truyền thống.