Trung Quốc sẽ theo đuổi chiến lược nào đối phó với biến thể Omicron?

Hoàng Phạm, Theo VOV 14:16 30/11/2021

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, chiến lược Zero Covid-19 và ngăn chặn các ca nhập cảnh là cách dễ và hiệu quả nhất để kiểm soát đại dịch. Chiến lược phản ứng nhanh mà nước này đang áp dụng có thể đối phó với mọi loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có Omicron.

Kể từ đầu đại dịch tới nay, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược Zero Covid-19 (đưa số ca mắc Covid-19 về 0) với các chính sách phong tỏa, xét nghiệm trên diện rộng cho dù chỉ ghi nhận một vài ca mắc. Chiến lược này cũng bao gồm việc nhanh chóng truy vết tiếp xúc, bắt buộc cách ly, đóng cửa hoặc kiểm soát chặt chẽ biên giới. Mặc dù có hiệu quả trong việc ngăn chặn tử vong, nhưng chiến lược này khiến Trung Quốc khác biệt với phần còn lại của thế giới khi hầu hết các nước đều đã chuyển hướng sang sống chung với dịch bệnh và coi Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu.

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh biến thể mới Omicron đang dấy lên mối lo ngại về làn sóng Covid-19 mới trên toàn cầu, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero Covid-19.

“Sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây lan cao khiến chiến lược loại bỏ Covid-19 không thể duy trì mãi. Nhưng trong ngắn hạn, giới chức [Trung Quốc] sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này”, ông Mark Williams nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Capital Economics nhận định.

Biến thể B.1.1.529 mới, có tên là Omicron, được các nhà khoa học Nam Phi xác nhận đầu tiên. WHO đưa Omicron vào danh sách biến thể đáng lo ngại hôm 26/11 do biến thể này có số lượng đột biến protein gai nhiều chưa từng thấy.

“Các thông tin ban đầu cho thấy có nguy cơ cao tái nhiễm biến thể này cao hơn so với các biến thể đáng lo ngại khác”, WHO cho biết.

WHO cũng cho biết, hiện chưa rõ Omicron có gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác, như Delta hay không.

Bà Helen Zhu, Giám đốc điều hành công ty đầu tư Nan Fung Trinity có trụ sở ở Hong Kong cũng có nhận định tương tự về phản ứng của Trung Quốc trước sự xuất hiện của biến thể mới.

“Nếu Omicron thực sự là một mối đe dọa lớn, tôi nghĩ Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục kéo dài giai đoạn cách ly”, bà Helen Zhu nói với CNBC ngày 29/11.

Trong một báo cáo ngày 29/11, Morgan Stanley nói rằng, biến thể Omicron có thể kéo dài việc trì hoãn mở cửa, không chỉ ở Trung Quốc đại lục, mà còn cả ở Hong Kong và Đài Loan.

“Các nền kinh tế này tới nay vẫn duy trì chiến lược Zero Covid-19. Với sự nổi lên của biến thể mới, các tác động về kinh tế trong ngắn hạn có thể không lớn, nhưng tiếp tục chiến lược này có nghĩa là các nỗ lực mở cửa trở lại sẽ bị đẩy lùi ra xa, trì hoãn sự phục hồi và tăng trưởng trở lại”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết.

Zero Covid-19 là chiến lược “dễ dàng và hiệu quả nhất”

Ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou) nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc nói rằng Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin về biến thể mới Omicron trong khi tiếp tục duy trì lệnh kiểm soát biên giới chặt chẽ như hiện nay.

“Trên toàn cầu, đại dịch nghiêm trọng nhất chủ yếu vẫn ở châu Âu và biến thể nổi trội trong mùa đông năm nay và mùa xuân năm sau là Delta. Omicron có thể trở thành biến thể nổi trội hay không thì cần tiếp tục theo dõi”, ông Ngô Tôn Hữu nói.

“Tôi không nghĩ rằng nó (biến thể mới) sẽ có tác động lớn đến Trung Quốc ở thời điểm này. Chiến lược phản ứng nhanh mà Trung Quốc áp dụng hiện nay có thể đối phó với mọi loại biến thể mới”, ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong), chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Huashan ở Thượng Hải, cho biết trên Weibo.

Hiện các nước trên thế giới đã siết chặt trở lại các biện pháp phòng chống dịch do lo ngại biến thể mới Omicron.

Israel là nước đầu tiên đóng cửa biên giới và đã áp lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từ đêm 28/11 theo giờ địa phương. Lệnh cấm sẽ kéo dài 14 ngày.

Mỹ, Canada và Australia cũng hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ khu vực phía Nam châu Phi. Philippines đã đình chỉ các chuyến bay đến từ 8 nước phía Nam châu Phi trong khi Thái Lan cấm đi lại đối với những đến từ khu vực này đồng thời cách ly những trường hợp đã nhập cảnh gần đây. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố kế hoạch đình chỉ các chuyến bay đến từ các nước phía Nam châu Phi.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã kiểm soát biên giới chặt chẽ như một phần chiến lược Zero Covid-19.

“Đối với Trung Quốc, chiến lược Zero Covid-19 và ngăn chặn các ca nhập cảnh là cách dễ nhất và hiệu quả nhất để kiểm soát đại dịch. Nếu không thực hiện chiến lược này, Trung Quốc có thể có tới 47,84 triệu ca mắc và 950.000 ca tử vong do Covid-19 dựa trên tỷ lệ gây bệnh và tử vong trên toàn cầu. Nếu Trung Quốc áp dụng chiến lược tương tự như Mỹ và châu Âu, trong đó khách du lịch được phép nhập cảnh nếu đã tiêm chủng đầy đủ và có kết quả âm tính trong vòng 72h, thì dịch bệnh có thể bùng phát trên khắp đất nước và không thể kiểm soát được. Khi đó, những nỗ lực suốt 2 năm qua sẽ trở thành công cốc”, ông Ngô Tôn Hữu nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nhà toán học tại Đại học Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc có thể đối mặt với kịch bản hơn 630.000 ca mắc mới mỗi ngày nếu từ bỏ chiến lược Zero Covid-19 và nới lỏng hạn chế đi lại. Trung Quốc chưa sẵn sàng áp dụng các chiến lược “mở cửa” chỉ dựa vào giả thuyết về khả năng miễn dịch cộng đồng do tiêm vaccine.

Trong báo cáo được CDC Trung Quốc đăng tải trên trang China CDC Weekly, các nhà toán học cho rằng Trung Quốc sẽ không thể dỡ bỏ hạn chế đi lại nếu tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt mức cần thiết hoặc có các phương pháp điều trị cụ thể.