Trong đầu tôi luôn có 3 giọng nói vang lên mỗi khi sắp tiêu tiền

Hà Nguyên, Theo Thanh niên Việt 19:15 27/05/2025
Chia sẻ

Mẹ tôi dạy tiết kiệm, TikTok dạy đầu tư, còn tôi thì cứ tiền đâu tiêu đó.

Giọng đầu tiên là của mẹ: “Tiết kiệm đi con, phòng khi bất trắc.”

Giọng thứ hai là của TikTok: “Tiền là công cụ, không phải để cất mà để đẻ ra tiền.”

Còn giọng cuối cùng... là của chính tôi: “Ủa, có tiền thì xài chứ? Mai sao thì mai tính.”

Nghe hơi rối não, nhưng thật ra đó là tâm trạng chung của rất nhiều người trẻ bây giờ: sống giữa một rừng lời khuyên tài chính, mỗi ngày một kiểu, mỗi người một lý. Cuối cùng không biết nên theo ai, chỉ biết tháng nào cũng rút ví trong lo âu.

Trong đầu tôi luôn có 3 giọng nói vang lên mỗi khi sắp tiêu tiền- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

3 trường phái dạy tiêu tiền: ai cũng đúng, chỉ là không hợp ai

1. Mẹ tôi: Trường phái tiết kiệm truyền thống

Lối tiêu tiền theo kiểu “tiền lương - tiền ăn - tiền gửi tiết kiệm” luôn là kim chỉ nam của thế hệ cha mẹ. Mẹ tôi từng có thời ghi chép tỉ mỉ từng khoản mua bắp cải, chai dầu ăn. Đi làm bao nhiêu, tiết kiệm bấy nhiêu, gửi ngân hàng lấy lãi.

Nghe thì rất an toàn, và thực tế là nó hiệu quả với người sống trong một thời chưa có lạm phát phi mã, chưa có app sale, chưa có cám dỗ kiểu "mua ngay kẻo hết deal".

Nhưng nếu chỉ tiết kiệm mà không đầu tư hay chi cho phát triển bản thân, thì sau 10 năm số tiền đó có thể không còn nhiều giá trị. Nhất là khi lãi suất ngân hàng giờ đây cũng chẳng còn hấp dẫn như ngày xưa.

Trong đầu tôi luôn có 3 giọng nói vang lên mỗi khi sắp tiêu tiền- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

2. TikTok: Trường phái đầu tư chủ động

Trên TikTok, một thế hệ influencer tài chính đang lên sóng đều như cơm bữa. Họ chia sẻ về cách quản lý tiền, cách đầu tư cho người mới, cách phân bổ thu nhập nghe đâu cũng hợp lý, ngắn gọn, dễ hiểu.

Nhờ những nội dung này, nhiều người trẻ lần đầu biết đến khái niệm quỹ khẩn cấp, lãi kép hay tư duy “đầu tư sớm để tự do tài chính”. Không thể phủ nhận họ đã góp phần khiến chủ đề tài chính bớt khô khan, bớt xa vời.

Nhưng chính vì quá dễ tiếp cận, quá ngắn gọn và quá trendy, những lời khuyên ấy đôi khi trở nên phiến diện. Họ nói nhiều về cơ hội, ít nói về rủi ro. Dễ tạo cảm giác "ai cũng đang làm, mình không làm là chậm chân". Một số trend kiểu “đầu tư với 1 triệu đồng”, “cách tăng tài sản với lương 7 triệu” nghe thì hấp dẫn, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ rằng kết quả còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, nền tảng và cả may mắn của từng người.

Và khi thiếu kiến thức nền, thiếu hướng dẫn cụ thể, nhiều bạn trẻ bước vào hành trình tài chính với sự tự tin cao hơn mức cần thiết để rồi gặp cú sốc ngay từ tháng đầu tiên.

3. Tôi: Trường phái sống tới đâu tính tới đó

Tôi biết tiết kiệm là cần. Tôi cũng từng thử tìm hiểu đầu tư. Nhưng thường thì vừa mở app định chuyển tiền tiết kiệm thì quảng cáo món gì đó đẹp đẹp lại hiện ra. Thế là tiêu.

Tôi không tiêu hoang. Tôi chỉ tiêu theo cảm xúc. Và tôi biết rất nhiều người trẻ cũng như tôi khi bị cuốn vào guồng xoay của “tiêu vì vui”, “tiêu vì mệt”, “tiêu vì buồn”. Có tháng tôi xem lại sao kê mà không nhớ nổi 60% số tiền mình đã tiêu vào đâu. Nhỏ giọt từng tí, nhưng cuối tháng thì như mất hút.

Trong đầu tôi luôn có 3 giọng nói vang lên mỗi khi sắp tiêu tiền- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Thử sống theo lời khuyên: tưởng đơn giản mà không hề

Tôi từng thử thí nghiệm nhỏ: chọn lần lượt từng kiểu tiêu tiền để sống theo, xem cái nào hợp nhất với mình.

Tuần đầu, tôi sống theo kiểu mẹ dặn. Lập bảng chi tiêu, ăn cơm nhà, tuyệt đối không mở app đặt đồ. Công bằng mà nói, tôi tiết kiệm được kha khá, khoảng 1,5 triệu sau một tuần. Nhưng đi kèm là cảm giác bí bách, chối từ mọi cuộc hẹn chỉ vì... "ngoài ngân sách". Tối nằm cũng không yên, vì thấy mình khắt khe quá mức với chính bản thân.

Sang tuần thứ hai, tôi thử sống theo TikTok: xem video hướng dẫn chia thu nhập 50-30-20, đọc mấy cuốn sách tài chính hot, tập tành đầu tư vào vài quỹ đơn giản. Cảm giác ban đầu là “được khai sáng”. Nhưng sau đó là choáng vì thông tin dồn dập, mỗi người nói một kiểu, càng đọc càng rối. Có hôm ngồi soi app tài chính đến nửa đêm mà vẫn không biết nên chọn cái nào.

Tuần cuối, tôi để bản thân sống thoải mái như bình thường: thấy món gì vui thì mua, cuối tuần book vé đi chơi không tính toán. Thoải mái thật. Nhưng tới giữa tuần sau, khi ví báo còn dưới 200k mà lương chưa về, tôi mới thấm sống chill không đồng nghĩa với sống ổn.

Tóm lại, không có công thức nào hoàn hảo cả. Mỗi trường phái có cái hay riêng, nhưng nếu áp dụng cực đoan thì đều phản tác dụng. Điều quan trọng không phải là học theo ai, mà là hiểu rõ mình đang ở đâu trong hành trình tài chính rồi chọn ra cách sống phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình.

Vậy rốt cuộc nên theo ai?

Thật ra, mình không cần phải chọn 1 trường phái duy nhất. Giống như chăm da, không ai chỉ dùng 1 sản phẩm từ đầu đến cuối đời.

Hãy lấy tinh thần tiết kiệm từ mẹ để biết quý trọng tiền. Học một chút tư duy đầu tư từ TikTok để tiền không nằm im. Và giữ sự thành thật với bản thân vì nếu không hiểu mình muốn gì, thì học bao nhiêu cũng vô ích.

Tiêu tiền cũng là một dạng tự hiểu mình. Chỉ khi hiểu, mình mới tiêu mà không tiếc. Và không bị phiến diện bởi bất kỳ lời khuyên nào dù từ mẹ, TikTok hay chính cái quảng cáo vừa hiện ra trước mắt.

Trong đầu tôi luôn có 3 giọng nói vang lên mỗi khi sắp tiêu tiền- Ảnh 4.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày