Cây thường xuân là loại cây được trồng phổ biến cả trong nhà lẫn ngoài trời như một loại cây cảnh thanh lọc không khí hiệu quả.
Lọc khí độc, bức xạ, bảo vệ lá phổi đô thị
Thường xuân (tên khoa học: Hedera helix) là một trong những loại cây cảnh được ưa chuộng trồng trong nhà. Không chỉ đẹp mắt, cây còn có khả năng hấp thu nhiều chất độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), thường xuân có thể hấp thụ formaldehyde, benzen, toluen – các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có trong sơn tường, gỗ ép, đồ nội thất và đều là tác nhân gây ung thư.
Cây thường xuân.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, formaldehyde là chất gây ô nhiễm không khí phổ biến, phát sinh từ thảm, gỗ dán, nhựa gỗ. Việc tiếp xúc lâu dài với formaldehyde có thể dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, nóng rát họng, khó thở và tăng nguy cơ ung thư – theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cây thường xuân có khả năng hấp thu chất độc này rất tốt.
Ngoài ra, trong cuộc sống hiện đại, thiết bị điện tử như tivi, máy tính, bộ phát sóng Wi-Fi… xuất hiện ở hầu hết các gia đình. Trồng thường xuân trong nhà giúp giảm tác hại của bức xạ điện từ – yếu tố ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.
Thường xuân còn được ví như chiếc “bẫy tự nhiên” hút bụi mịn trong nhà. Loài cây này có thể lọc bụi siêu nhỏ PM2.5 – loại bụi có thể xâm nhập sâu vào phổi và hệ tuần hoàn, gây hại cho sức khỏe hô hấp.
“Trồng một giỏ thường xuân trong nhà giúp thanh lọc không khí, tạo không gian xanh mát, thư giãn cho thị giác và cải thiện tinh thần”, ông Sáng nói.
Ý nghĩa phong thủy và tác dụng với sức khỏe
Trong phong thủy, thường xuân mang ý nghĩa may mắn, tượng trưng cho tài lộc, sự sinh sôi, nảy nở. Là cây thân leo hoặc bò, thường xuân được cho là có khả năng hút tà khí, giảm sát khí nếu đặt ở các vị trí như góc tường, ban công, cửa sổ. Nhiều người tin rằng cây giúp trấn trạch, thu hút quý nhân và giữ chân tài lộc trong kinh doanh.
Không chỉ có giá trị thẩm mỹ và phong thủy, thường xuân còn là một dược liệu quý. Nhiều hoạt chất có lợi đã được tìm thấy trong cây như:
- Saponin (hederacoside C): có tác dụng long đờm, giãn phế quản, chống viêm.
- Flavonoid: chống oxy hóa, bảo vệ tế bào.
Theo ông Sáng, trong y học cổ truyền, lá thường xuân có tác dụng khu phong, trừ thấp, bổ phế, bình suyễn, hoạt huyết, mát gan và giải độc. Lá cây còn được dùng trong nhiều bài thuốc hỗ trợ làm đẹp da và thải độc.
Một nghiên cứu đã cho thấy chiết xuất từ lá thường xuân có hiệu quả tương đương acetylcystein – loại thuốc giảm ho, tiêu đờm phổ biến. Nghiên cứu thực hiện trên 5.000 trẻ bị ho có đờm, các em được cho dùng chiết xuất lá thường xuân 2 lần/ngày. Kết quả cho thấy khoảng 2/3 phụ huynh hài lòng với hiệu quả giảm ho rõ rệt.
Tuy nhiên, ông Bùi Đắc Sáng lưu ý, lá thường xuân tươi có độc nhẹ. Nếu ăn phải có thể gây buồn nôn, đau bụng. Do đó, người dân chỉ nên dùng chiết xuất đã được chuẩn hóa, không tự ý nấu lá uống hay dùng cho trẻ nhỏ nếu không có hướng dẫn từ chuyên gia. Dù có nhiều lợi ích, thường xuân không phải là thuốc điều trị, chỉ nên dùng như một liệu pháp hỗ trợ.