Trốn tiền "bảo kê" bị Apple dập không ngóc đầu nổi, ứng dụng email bé nhỏ này đang kích động làn sóng phản đối gay gắt

CN, Theo Nhịp Sống Việt 22:00 18/06/2020
Chia sẻ

Trên trang Twitter của mình, ông Hansson còn liên tục so sánh Apple giống như xã hội đen, chuyên ăn chặn tiền của những người kinh doanh chân chính, chỉ có điều là Apple chưa bị pháp luật sờ đến. Mặc dù đã có nhiều khiếu nại như trường hợp của Spotify, nhưng cho đến nay các khiếu nại đó vẫn chưa được giải quyết.

Giám đốc công nghệ của Basecamp, ông David Heinemeier Hansson đã liên tiếp chỉ trích Apple vì hành động từ chối cập nhật cho ứng dụng email Hey trên App Store. Sự việc xảy ra ngay sau khi Ủy ban Châu Âu tuyên bố tiến hành điều tra chống độc quyền đối với kho ứng dụng App Store của Apple.

Hey của Basecamp là một ứng dụng email mới được ra mắt, đem đến những trải nghiệm khác với những ứng dụng email truyền thống như Gmail. Hey yêu cầu người dùng phải trả phí đăng ký hàng năm là 99 USD, nhưng cũng cung cấp một thời gian dùng thử miễn phí. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó thì câu chuyện không có gì để bàn đến.

Trốn tiền bảo kê bị Apple dập không ngóc đầu nổi, ứng dụng email bé nhỏ này đang kích động làn sóng phản đối gay gắt - Ảnh 1.

Ứng dụng tìm cách để không chia sẻ 30% doanh thu cho Apple

Phiên bản Hey 1.0 đã được Apple phê duyệt để ra mắt trên App Store, mới chỉ tuần trước. Nhưng Apple đã xem xét lại khi Basecamp ra mắt bản cập nhật 1.0.1 để sửa lỗi. Một cuộc gọi và một email từ Apple gửi đến Basecamp, cho biết rằng ứng dụng Hey cần phải thực hiện các bước đăng ký thông qua hệ thống thanh toán của App Store. Nếu không, ứng dụng sẽ bị xóa bỏ.

Theo ông Hansson, Apple nói với Basecamp rằng Hey đã vi phạm quy tắc 3.1.1 trong bản quy tắc hướng dẫn của App Store. Dưới đây là nguyên văn quy tắc 3.1.1:

“Nếu bạn muốn mở khóa các tính năng hoặc dịch vụ trong ứng dụng của mình (ví dụ như đăng ký thuê bao, nạp tiền vào trò chơi, truy cập vào nội dung cao cấp hoặc mở khóa phiên bản đầy đủ), bạn phải sử dụng tính năng in-app purchase. Ứng dụng không được phép sử dụng các cơ chế riêng để mở khóa nội dung hoặc tính năng. Ứng dụng cũng không được phép sử dụng các đường link, nút liên kết hay bất kỳ khuyến nghị nào hướng người dùng đến hình thức thanh toán khác bên ngoài”.

Trốn tiền bảo kê bị Apple dập không ngóc đầu nổi, ứng dụng email bé nhỏ này đang kích động làn sóng phản đối gay gắt - Ảnh 2.

Ứng dụng Hey không cho phép người dùng đăng ký thuê bao ngay trong ứng dụng. Thay vào đó, người dùng truy cập vào trang web của Hey để đăng ký, thông qua kênh thanh toán riêng của Basecamp. Cũng giống như nhiều ứng dụng phổ biến khác là Spotify hay Netflix. Mục đích là để không chia sẻ 30% doanh thu cho App Store.

Tuy nhiên điều khó hiểu là phiên bản Hey 1.0 đã được Apple chấp nhận, trong khi phiên bản hey 1.0.1 chỉ sửa một số lỗi nhỏ và không hề thay đổi các hình thức đăng ký thuê bao, thì lại bị Apple từ chối cập nhật. Nguyên nhân ẩn sau chính là vì Apple còn có một quy tắc nữa, mà không bao giờ công khai với các nhà phát triển.

Theo những chia sẻ của biên tập viên David Pierce tại Protocol, người đã theo dõi sát sao sự việc này, thì Apple có một bí mật không tiết lộ với các nhà phát triển:

“Apple nói với tôi rằng sai lầm thực sự là đã phê duyệt ứng dụng ngay từ đầu, khi mà ứng dụng này không tuân thủ các quy tắc của App Store. Apple cho phép những ứng dụng loại này (ứng dụng chỉ cho phép đăng nhập mà không có tính năng đăng ký) cho các dịch vụ doanh nghiệp, không phải cho người dùng. Đó là lý do vì sao Basecamp (ứng dụng cho doanh nghiệp) được cho phép trên App Store, còn Hey (ứng dụng cho người dùng) không được phép”.

Một điều nữa là: “Apple cho phép các ứng dụng dạng ‘Reader’, như Netflix hay Kindle hay Dropbox. Các ứng dụng này cho phép người dùng đăng ký thuê bao mà không cần thông qua in-app purchase của App Store. Nhưng email, nhắn tin và các ứng dụng khác lại không được tính là ứng dụng Reader”.

Cộng đồng các nhà phát triển phẫn nộ với Apple

Cộng đồng các nhà phát triển đã phản ứng gay gắt sau sự việc này và tỏ ra vô cùng phẫn nộ đối với Apple. Bởi những quy tắc đã không được làm rõ trong bản hướng dẫn của App Store. Sự phẫn nộ từ bấy lâu của các nhà phát triển cũng xuất phát từ việc tin rằng App Store lấy 30% doanh thu đăng ký từ các ứng dụng là không chính đáng.

Trong khi đó, CTO David Heinemeier Hansson của Basecamp khẳng định rằng sẽ không thực hiện thay đổi theo yêu cầu của Apple: “Cho dù là 1 triệu năm nữa, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ trả cho Apple một phần ba doanh thu của mình. Đó là hành vi của tội phạm. Và chúng tôi sẽ tiêu từng đồng USD mà chúng tôi có để loại bỏ điều đó, để đưa chúng ta đến một nơi tốt đẹp hơn”.

Trên trang Twitter của mình, ông Hansson còn liên tục so sánh Apple giống như xã hội đen, chuyên ăn chặn tiền của những người kinh doanh chân chính, chỉ có điều là Apple chưa bị pháp luật sờ đến. Mặc dù đã có nhiều khiếu nại như trường hợp của Spotify, nhưng cho đến nay các khiếu nại đó vẫn chưa được giải quyết.

Nguyên nhân khiến Apple có thể thoải mái đặt mức “thuế” lên tới 30% là nhờ sự độc quyền. “Vì sao phí xử lý giao dịch thẻ tín dụng chỉ dao động trong khoảng 1,8 - 2,8%, trong khi App Store của Apple ngang nghiên đặt mức phí 30%? Đó là bởi vì không có sự cạnh tranh. Họ có sự độc quyền nên có thể tự quyết định tất cả”, ông Hansson cho biết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày