Mở hộp ra là không biết bắt đầu từ đâu
Thùng đựng sản phẩm khá to, bên ngoài thùng có ghi tổng trọng lượng là 5,46kg
Điều bất ngờ đầu tiên, thậm chí có thể nói là sốc của tôi là đây. Từ trước đến nay bản thân tôi chỉ quen mở hộp điện thoại, máy ảnh, laptop, TV… nhưng đây là lần đầu tiên mở một thiết bị gia dụng có quá nhiều phụ kiện nhồi nhét bên trong như vậy.
Rất nhiều món đồ xếp chồng xếp lớp lên nhau...
Choáng ngợp ngay từ khi mở hộp ra, nói thật tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu và trong lòng nơm nớp lo sợ không biết khi trải nghiệm xong muốn sắp xếp vào lại hộp thế nào. Thôi thì đành chụp lại vị trí, về sau có khi lại cần.
Lời chào từ James Dyson - kỹ sư kiêm founder của Dyson
Và đây là hướng dẫn cách lắp ráp các bộ phận của máy hút bụi
Mặt còn lại hướng dẫn cách lắp sạc pin ốp vào tường
Sản phẩm kèm theo 7 đầu hút phù hợp cho từng mục đích sử dụng khác nhau, gồm: đầu hút laser, đầu hút sàn cứng, đầu hút cho đệm, đầu hút thảm, đầu hút chống rối chuyên trị tóc và lông thú cưng, đầu hút khe kẽ, đầu hút kết hợp. Ngoài ra, Dyson V12 Detect Slim cũng kèm theo ống nối dài để hút sàn, kẹp giữ gắn tường để xếp máy hút vào cho gọn khi không dùng đến cũng như để treo sạc pin.
Nhiều đồ chơi, tha hồ xếp hình
Đây là phần "đầu não" của V12 Detect Slim, cân nặng vào khoảng 2,2kg. Theo thông tin từ Dyson, nó nhẹ hơn 3kg so với phiên bản V11 và V15. Theo cá nhân tôi, trọng lượng như vậy là đủ để cầm hút bụi trong một quãng thời gian dài mà không sợ mỏi tay, nhất là những lúc phải giơ máy lên hút bụi và mạng nhện trên tường và trần nhà.
Thú thật tôi đã mất không ít thời gian để định hình được tất cả các món mà Dyson kèm theo, sau đó mới bắt đầu ráp lại. Tuy nhiều nhưng thực ra lúc lắp vào lại rất dễ, tất cả đều chỉ một thao tác: đặt vào đúng ngàm và đẩy vào, tiếng "tách" phát ra, thế là xong.
Pin có thể tháo rời để sạc
Nhưng đến khi dùng thì mê hẳn, sáng nào dậy cũng phải dọn dẹp nhà rồi mới chịu ngồi làm việc
Dyson V12 Detect Slim tuy trông nhiều đồ để lắp ráp nhưng nút bấm điều khiển chỉ có 2 nút duy nhất, một là để chọn 1 trong 3 chế độ hút (Boost, Auto và Eco) và nút còn lại là Start/Stop.
Lượng pin thực tế còn lại hiển thị ngay trong từng chế độ, nếu nhà không quá nhiều bụi và muốn tiết kiệm pin thì cứ chọn Eco. Chế độ Boost sẽ hút mạnh nhất nhưng hao pin nhất, cá nhân tôi thường dùng Auto vì nó sẽ tự động tăng giảm lực hút tùy vào điều kiện bụi trên mặt sàn.
Nút Start/Stop ngay phía trước
Bên trong đây là động cơ Dyson Hyperdymium có sức hút lên đến 150 air watt, kèm bộ lọc 5 giai đoạn giúp thu giữ 99,99% các hạt bụi có kích thước nhỏ tới 0,3 micromet để làm sạch sâu
Dùng thử đầu hút có kết hợp đèn laser, được xem là thứ đáng tiền nhất của sản phẩm này
Đèn laser này không chỉ phát sáng lên để bạn có thể thấy được lượng bụi mà mắt thường không nhận ra, mà bên cạnh đó còn giúp máy hút phát hiện và hướng đầu hút đến những nơi đó một cách tự động
Các kỹ sư của Dyson đã tích hợp một diode laser màu xanh lá - được lựa chọn vì khả năng tạo ra độ tương phản tốt nhất - gắn vào đầu làm sạch Slim Fluffy, định vị chính xác ở một góc 1.5 độ, cách mặt đất 7.3mm. Điều này có nghĩa là lớp bụi ẩn trên bề mặt sàn mà mắt thường không nhìn thấy có thể được phát hiện và loại bỏ.
Bên cạnh đó, chiếc máy hút bụi này cũng trang bị công nghệ mới cho phép đo lường lượng bụi khi hút vào, sau đó hiển thị trực quan trên màn hình LCD để người dùng biết được tình trạng bụi bặm ở nhà thế nào. Được biết, công nghệ này hoạt động nhờ 1 cảm biến âm thanh piezo tích hợp sẵn trong máy hút bụi.
Các sợi carbon trong đầu làm sạch sẽ hút các hạt có kích thước cực nhỏ, đo lường và đếm các hạt này tới 15.000 lần một giây.
Bụi được hút vào máy, va chạm với cảm biến âm thanh piezo bên trong hộp chứa, tạo ra các rung động cực nhỏ được chuyển thành tín hiệu điện tử. Kích thước và số lượng bụi được hiển thị trên màn hình LCD tích hợp, vì vậy người dùng có thể theo dõi lượng bụi đã hút được, cũng như kích thước khác nhau của các hạt.
Đây là đầu hút chống rối khá phù hợp với mặt sàn đang có nhiều tóc hoặc lông thú cưng. Bình thường khi hút nếu không có thiết kế chống rối thì rất dễ bám ở ngay rìa, từ đó tắc nghẽn và giảm hiệu suất. Với đầu hút chống rối này, Dyson sử dụng thiết kế thanh chải hình xoắn ốc bên trong, dễ dàng hút tóc/lông và đưa vào hộp chứa, ngăn không cho tóc bị cuốn quanh thanh chải.
Với kiểu đầu hút mềm, người dùng có thể chải các mặt phẳng dễ trầy xước hoặc để hút ga giường cũng được
Độ ồn của Dyson V12 Detect Slim cũng vừa phải, nếu đặt chế độ Eco sẽ nghe rất êm, vừa hút vừa nghe nhạc trên TV thoải mái. Thời gian sạc đầy pin cho sản phẩm này vào khoảng 4 giờ, trong khi đó thời lượng hoạt động khoảng 1 giờ, đủ để dọn dẹp toàn diện căn nhà của mình.
Để ý phần này nếu bụi lên đến vạch Max thì đi đổ rác là vừa.
Cách đổ cũng rất đơn giản, đẩy cái lẫy đỏ về phía trước là bụi sẽ được "tống" ra ngoài. Lưu ý nhớ để sát vào sọt rác kẻo bụi lại bị văng ra ngoài lại đấy
Nhìn chung, theo đánh giá của người viết thì chiếc V12 Detect Slim này rất hữu dụng, cách dùng đơn giản, trái ngược với cảm giác ban đầu mới mở thùng ra bị choáng ngợp vì quá nhiều đồ kèm theo. Từ ngày được trải nghiệm chiếc máy này, tôi bắt đầu siêng năng dọn dẹp hơn hẳn, bắt đầu 1 ngày mới với việc hút bụi phòng, dọn cả góc chân bàn, sau đó lại đổi đầu hút bụi luôn mặt bàn lẫn bàn phím… rồi mới bắt đầu làm việc.
Trước đây tôi từng nghĩ sẽ sắm cho mình 1 con robot hút bụi vì bản thân đôi khi cũng bận rộn, phần nữa vì lười. Thế nhưng robot sẽ chẳng thể nào hút sạch được như thế, hơn nữa lại không thể hút được trên bàn hay trên tường, trần nhà cả. Vậy nên, cứ tự thân vận động cùng chiếc máy hút bụi là tốt nhất.
Rào cản duy nhất của chiếc V12 Detect Slim này có lẽ là giá khi trọn bộ hiện được bán với mức 19.190.000 đồng, nhưng theo đánh giá của tôi là đắt xắt ra miếng. Hiện Dyson cũng có cửa hàng trải nghiệm thực tế tại Crescent Mall nên người dùng có thể đến tham khảo và dùng thử trước khi quyết định "xuống tiền".