Một đứa trẻ được bao bọc trong tình yêu thương khi lớn lên, tâm hồn của chúng sẽ rộng mở, tâm trạng sẽ bình yên. Chúng không chỉ có thể biểu đạt rõ ràng bản thân mà còn chấp nhận sự không hoàn hảo của mình, đồng thời biết điều chỉnh cảm xúc và hòa thuận với mọi người. Giống như ánh mặt trời, nơi nào chúng đến đều mang theo ánh sáng.
Trong khi đó, một đứa trẻ thiếu tình yêu thương sẽ cảm thấy trống rỗng trong lòng. Chúng rất cần một nơi an toàn để dừng lại mỗi khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc bối rối.
Tuy nhiên, cha mẹ của chúng không xây dựng cho chúng một nơi như vậy, và vì để thu hút sự chú ý và quan tâm của cha mẹ, đứa trẻ chỉ còn cách gây rắc rối. Nhưng cha mẹ không những không hiểu được mục đích của chúng, mà còn coi chúng là "đứa trẻ có vấn đề".
"Đứa trẻ có vấn đề" không phải là một ngày một buổi mà hình thành. Mọi thứ không thể thay đổi chỉ trong một sớm một chiều.
Ảnh minh họa
Nhà tâm lý học Alfred W. Adler (Áo) cho rằng, khi trẻ không được công nhận, chúng sẽ tìm cách khác để thu hút sự chú ý của cha mẹ, và hành vi không phù hợp sẽ xuất hiện theo đó.
Thực tế, trước khi trẻ có hành vi "xấu", chúng thường gửi đi một số tín hiệu cầu cứu, nhưng hầu hết cha mẹ lại không để ý đến, dẫn đến mâu thuẫn ngày càng gia tăng.
Mỗi hành động của con người đều có mục đích nhất định. Adler chia hành vi không phù hợp của trẻ thành 5 giai đoạn, và khi chúng ta nhận ra những tín hiệu này từ trẻ, có thể giúp thay đổi hành vi của trẻ và giúp chúng tìm thấy cảm giác thuộc về.
Giai đoạn 1: Khao khát sự công nhận
Trẻ muốn làm những việc để nhận được sự công nhận và khen ngợi từ mọi người xung quanh. Nếu nhu cầu này không được thỏa mãn, ví dụ như không nhận được phản hồi và lời khen mong muốn, trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2: Tìm kiếm sự chú ý
Mặc dù trẻ không thích bị mắng, nhưng chúng thà bị la mắng còn hơn là bị phớt lờ. Trẻ rất khát khao được yêu thương và chăm sóc, vì vậy bắt đầu có những hành động thử nghiệm để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Ví dụ, khi bạn đang làm việc, trẻ ngồi bên cạnh vẽ tranh, thỉnh thoảng đá vào bàn, bạn bảo không được đá, nhưng trẻ lại càng đá mạnh hơn. Nếu trẻ thường có những hành vi làm bạn khó chịu và mỗi khi bạn ngừng hành động đó, chúng lại tiếp tục, điều đó có nghĩa là trẻ đang tìm kiếm sự chú ý.
Giai đoạn 3: Tìm kiếm quyền lực
Khi trẻ thử nhiều cách mà không đạt được điều mình muốn, chúng sẽ nghĩ rằng "chỉ khi có quyền lực thì họ mới nhìn nhận tôi", "khi cha mẹ không thể kiểm soát tôi, tôi mới có giá trị", "tôi là người lớn, không ai có thể bắt tôi làm gì". Do đó, chúng sẽ có những hành vi vượt quá giới hạn, để khiêu khích cha mẹ. Mục đích của trẻ là làm bạn tức giận để cảm thấy mình có quyền kiểm soát. Nếu bạn vẫn cứ trách mắng trẻ mà không suy nghĩ kỹ, bạn đã rơi vào bẫy của chúng. Bởi vì hành động của bạn sẽ càng làm trẻ cảm thấy mình đúng và chúng sẽ càng kiên quyết tiếp tục theo hướng đó.
Giai đoạn 4: Trả thù
Khi trẻ nhận ra rằng mình không thể có được quyền lực trong giai đoạn trước, chúng sẽ có thái độ "nếu tôi không được yêu thích, tôi sẽ khiến người khác cũng cảm nhận được nỗi đau của mình". Trẻ sẽ bắt đầu trả thù. Ví dụ:
"Không thích tôi ném đồ chơi, tôi sẽ ném. Nhìn thấy bố mẹ tức giận, tôi rất vui".
"Ghét tôi vẽ trên tường, tôi sẽ vẽ, tôi thích nhìn thấy bố mẹ nổi giận".
"Coi trọng thành tích hơn tôi, tôi sẽ cúp học, xem làm gì được tôi!".
Tóm lại, trẻ sẽ làm mọi thứ để khiến cha mẹ buồn và đau khổ. Đây là phản ứng cuối cùng của trẻ để thu hút sự chú ý của cha mẹ.
Giai đoạn 5: Thể hiện sự bất lực
Khi trẻ không nhận được sự giúp đỡ và hướng dẫn thích hợp trong giai đoạn thứ tư, chúng bắt đầu từ bỏ bản thân và không còn kỳ vọng vào bất kỳ điều gì. "Tôi không có khả năng, tôi không làm được, đừng kỳ vọng gì ở tôi". Và trẻ sẽ có thái độ tiêu cực với mọi thứ.
Như vậy, hành vi lệch lạc của trẻ thường bắt đầu từ giai đoạn đầu tiên và dần dần leo thang. Càng về sau, việc sửa chữa vấn đề càng khó khăn hơn.
Vì vậy, khi bạn phát hiện hành vi không đúng của trẻ, trước tiên hãy xác định trẻ đang ở giai đoạn nào, hiểu rõ mục đích sau hành vi và đưa ra hướng dẫn thích hợp để có thể đạt được hiệu quả.
Cảm giác thuộc về là mục tiêu quan trọng nhất trong hành vi của con người. Điều này có nghĩa là, con người mong muốn được chấp nhận trong nhóm mà mình thuộc về và thực hiện hành vi để đạt được mục tiêu đó, đây là bản năng của con người.
Đối với trẻ, gia đình là nhóm duy nhất mà chúng thuộc về. Khi được cha mẹ công nhận, chúng cảm thấy mình là một phần không thể thiếu của gia đình.
Thực ra, trẻ không đòi hỏi quá nhiều. Chúng chỉ mong muốn cha mẹ công nhận và đánh giá cao chính bản thân chúng mà thôi. Khi chúng ta nhìn nhận con với một thái độ mở và thấy được những mặt tốt nhất của chúng, chúng sẽ tự nhiên lớn lên như những cây non vươn mình hướng về ánh sáng!