Bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm, do virus cấp tính Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh lý này dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ phân, nước bọt, các bọng nước, dịch tiết mũi họng của người bệnh.
Bệnh chân tay miệng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 10 tuổi. Ở nước ta, với thời tiết khí hậu nóng ẩm gió mùa thì bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ mùa nào trong năm. Trong đó, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 là thời kỳ bệnh bùng phát mạnh với xu hướng tăng nhanh rõ rệt số lượng ca bệnh.
Những biến chứng cực kỳ nguy hiểm của bệnh
Chân tay miệng có thể là bệnh dễ gặp nhưng phụ huynh không được chủ quan mà cần phát hiện và điều trị sớm nếu bé có những biểu hiện của bệnh. Nếu để lâu, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não virus với triệu chứng đau đầu, sốt, đau cứng cổ, đau lưng… Bị biến chứng này, người bệnh cần được nhập viện sớm để điều trị.
Chân tay miệng là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ
Ngoài ra, bệnh chân tay miệng còn gây các biến chứng như: bại liệt, tê liệt hoặc viêm não. Các biến chứng về não ở trẻ em thường có những triệu chứng như khó ngủ, quấy khóc, dễ giật mình khi thức hoặc lúc bắt đầu ngủ, hay nói lảm nhảm, méo miệng, sốt cao co giật… Những biến chứng này nếu không được xử trí sớm có thể dẫn đến tử vong trong vài giờ, rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, trẻ có thể bị bội nhiễm ở vị trí các bọng nước trên da.
Dấu hiệu muộn, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác ở trẻ
Bệnh chân tay miệng có những dấu hiệu rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác, dẫn đến chủ quan không phát hiện và điều trị sớm, làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng như sốt, mệt, kém ăn, nổi bọng nước… dễ nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước thông thường do nhiễm khuẩn hay bệnh thủy đậu. Những vết loét trong miệng, trong vòm miệng, lợi, trên đầu lưỡi dễ nhầm lẫn với viêm loét miệng thông thường do nóng, do trẻ cắn phải.
Chân tay miệng có thể dễ dàng chữa khỏi nếu trẻ được chăm sóc tốt ngay tại nhà. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, bệnh diễn tiến nặng cần đưa trẻ đi bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và hướng dẫn cách chữa trị. Vậy khi nào cần đưa bé đi bệnh viện?
Theo bác sĩ Trần Văn Bản, Trưởng khoa Nhi BVĐK Hồng Ngọc, ba mẹ cần đưa bé đi khám ngay nếu con có 3 biểu hiện sau:
Trẻ quấy khóc liên tục
Trẻ bị chân tay miệng khóc cả đêm hoặc cứ ngủ được 15 – 20 phút lại dậy khóc thì các bậc phụ huynh nên đưa bé đi khám. Trường hợp này trẻ khóc không phải vì đau, vì khó chịu mà đó có thể là dấu hiệu cảnh bảo nguy cơ nhiễm độc thần kinh giai đoạn sớm.
Trẻ bị chân tay miệng mà quấy khóc liên tục thì ba mẹ nên cho con nhập viện
Trẻ hay giật mình
Hay giật mình có thể là dấu hiệu tình trạng nhiễm độc thần kinh. Ba mẹ hay quan sát trẻ, xem tần suất giật mình của bé có thường xuyên hay không. Nếu con bị giật mình liên tục, giật mình ngay cả khi đang chơi đùa thì hãy cho bé đi khám ngay.
Trẻ sốt cao liên tục không giảm
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ, liên tục hơn 48 giờ và uống thuốc hạ sốt vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần cho bé nhập viện gấp. Sốt cao kéo dài cảnh báo mức độ viêm nghiêm trọng, có thể dẫn đến nhiễm độc thần kinh.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để tránh nhầm lẫn với những căn bệnh khác cũng như đưa ra phương pháp điều trị sớm giúp bệnh nhanh khỏi và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo bác sĩ Trần Văn Bàn, bệnh chân tay miệng ở trẻ tiến triển theo 4 giai đoạn, với các dấu hiệu thường gặp ở mỗi giai đoạn như sau:
Giai đoạn ủ bệnh: Bắt đầu từ khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, kéo dài khoảng 3 – 6 ngày.
Giai đoạn khởi phát: Được tính từ lúc có những triệu chứng đầu tiên của bệnh như: Trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, 38,5 – 39 độ C, mệt mỏi; Trẻ bị đau họng, chảy nhiều nước bọt; Trẻ biếng ăn, quấy khóc, có thể tiêu chảy vài lần trong ngày; Xuất hiện các tổn thương, đau rát ở vùng răng và miệng.
Giai đoạn toàn phát: Tính từ sau 1 - 2 ngày khởi phát bệnh. Lúc này, các triệu chứng điển hình của bệnh xuất hiện.
Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở các vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Mỗi bọng nước có đường kính khoảng 2 – 10mm, hình bầu dục, màu xám, mọc ẩn hoặc lồi, không đau, không ngứa.
Hình ảnh những nốt phỏng nước ở tay của trẻ bị chân tay miệng
Niêm mạc má, lợi, miệng xuất hiện bóng nước có đường kính từ 2 – 3mm, dễ vỡ, khiến trẻ bị đau, khó ăn, quấy khóc.
Ngoài những dấu hiệu điển hình trên, một số trường hợp có thể bị rối loạn tri giác, co giật, mê sảng.
Giai đoạn phục hồi: Sau 7 – 10 ngày từ ngày khởi bệnh, trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn. Các bóng nước mất dần và trẻ không còn biểu hiện bệnh nữa.
Nếu sau thời gian này, trẻ vẫn còn sốt cao, kèm theo các biểu hiện như nôn, tim đập nhanh, da nổi vằn, co giật, chân tay run rẩy thì cần đưa bé đi bệnh viện ngay.
“Chân tay miệng có thể là bệnh phổ biến, dễ gặp, dễ chữa nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm ba mẹ không được chủ quan”, theo lời khuyên của bác sĩ Trần Văn Bàn.