Tranh cãi chuyện chiến sĩ cảnh sát sơ cứu CĐV nhí ở Nam Định sai cách: Khoa học lý giải thế nào?

HIẾU LƯƠNG, Theo Trí Thức Trẻ 23:35 04/08/2019
Chia sẻ

Hành động ứng cứu của chiến sĩ cảnh sát cơ động Trần Đức Giảng và đồng nghiệp với CĐV nhí ở SVĐ Thiên Trường tối 4/8 được nhiều người trân trọng. Tuy nhiên, cách thức mà anh chàng cảnh sát này sơ cứu lại gây nhiều tranh cãi.


Chiến sĩ cơ động nén đau đưa em nhỏ ra xe cấp cứu trong trận Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai. Video: GN

Hình ảnh ghi lại cho thấy CĐV nhí chừng 4-5 tuổi có dấu hiệu mất ý thức, lên cơn co giật được một chiến sĩ cảnh sát vừa bế vừa chạy ra chỗ xe cứu thương của sân, một người khác thì lấy tay cho vào miệng để tránh tình trạng nuốt lưỡi. Anh chàng cảnh sát kể trên lộ rõ gương mặt đau đớn do cậu bé vẫn cắn chặt miệng.

Hình ảnh này sau đó được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người ghi nhận phản ứng kịp thời và cách ứng xử đẹp của các chiến sĩ cánh sát cơ động. Tuy nhiên, một số người cũng nêu ý kiến cho rằng cách sơ cứu như vậy không chính xác và có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân. Họ cho rằng cần để cậu bé nằm yên, nghiêm mình và không nên cho tay vào miệng.

Tìm hiểu thêm về vấn đề này cho thấy phản ứng trên của một số người là hoàn toàn hợp lý. Trên trang chủ CDC (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của chính phủ Mỹ), hành động cậy miệng và cho ngón tay vào trong là điều tối kị đối với người có chuyên môn. Việc đưa một vật thể vào trong miệng người đang lên cơn co giật có thể vô tình gây ra tổn thương cho hàm hoặc lưỡi của nạn nhân và chính người sơ cứu.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ, người từng làm việc ở đội tuyển quốc gia Việt Nam, cho biết: "Nguyên tắc xử lý cơ bản nhất là ngay lập tức khai thông đường thở cho nạn nhân bằng cách để nằm nghiêng, dùng vật mềm như băng gạc hay vải để ngáng miệng nạn nhân, tránh dùng vật dụng cứng dễ gây tổn thương cho răng và hàm. Tư thế nằm nghiêng cũng giúp lưỡi tự rơi ra một cách tự nhiên thay vì thụt vào trong".

Tranh cãi chuyện chiến sĩ cảnh sát sơ cứu CĐV nhí ở Nam Định sai cách: Khoa học lý giải thế nào? - Ảnh 3.

Đặt người bệnh nằm nghiêng là cách sơ cứu cơ bản đối với trường hợp bị co giật, có dấu hiệu nuốt lưỡi.

Trong khi đó, bác sĩ Vũ Tưởng Lân thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai thì chia sẻ không nên dùng ngón tay đưa vào miệng người lên cơn co giật để cố định lưỡi. Lực cắn của con người khi ấy rất mạnh, dù là trẻ nhỏ, thậm chí có thể nghiến đứt gân ngón tay gây nguy hiểm cho cả người bệnh lẫn người sơ cứu.

Bác sĩ Lân cũng cho biết, con người không thể tự nuốt lưỡi. Nguyên nhân là trong miệng người có một bộ phận hình chữ thập, được gọi là thắng lưỡi hay hãm lưỡi. Thắng lưỡi liên kết đáy lưỡi với sàn miệng và cố định lưỡi tại đó. Vì vậy, lưỡi vẫn chỉ ở đáy miệng và bạn không bao giờ tự nuốt được lưỡi của mình.

Nếu bị va chạm mạnh, hệ thống cơ lưỡi không hoạt động theo cơ chế thông thường, lưỡi sẽ tụt vào trong gây nghẹt đường thở, thậm chí có thể gây trào dịch bao tử vào phổi, cản trở đường hô hấp. Nạn nhân rơi vào tình trạng thiếu ôxy, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Y khoa gọi là hiện tượng tụt lưỡi hay tụt khối cơ lưỡi, nuốt lưỡi.

Tranh cãi chuyện chiến sĩ cảnh sát sơ cứu CĐV nhí ở Nam Định sai cách: Khoa học lý giải thế nào? - Ảnh 4.

Bộ phận hình chữ thập có tên "thắng lưỡi" theo ngôn ngữ khoa học.

Như vậy, theo các chuyên gia, cách sơ cứu của chiến sĩ cảnh sát cơ động Trần Đức Giảng là chưa hợp lý. Tuy nhiên, việc cho ngón tay vào trong miệng để cố định lưỡi chỉ là cách cùng bất đắc dĩ mà thôi.

Nhiều người hâm mộ vẫn lên tiếng bảo vệ và cho rằng ở thời điểm thập tử nhất sinh như vậy, việc có một người đủ bình tĩnh, ứng cứu để bệnh nhân không bị nguy hiểm tính mạng là điều quan trọng nhất.

Sau khi được đưa đến xe cấp cứu và được các bác sĩ có mặt tại sân làm thủ thuật, cậu bé đã hồi tỉnh. Sau đó, các bác sĩ đã đưa cậu bé cùng bố mẹ đến bệnh viên để kiểm tra sức khỏe kỹ càng hơn.

Cách sơ cứu nạn nhân có dấu hiệu co giật, "nuốt lưỡi"

NÊN

- Đặt người bệnh xuống sàn, nhẹ nhàng đổi tư thế sang nằm nghiêng.

- Thu dọn các vật thể sắc nhọn xung quanh, tránh gây tổn thương cho người bệnh.

- Kê đầu người bệnh bằng gối mềm hoặc áo khoác.

- Bỏ kính mắt (nếu đeo).

- Nới lỏng carvat hoặc nơ, khuy cổ... - tất cả những thứ có nguy cơ cản trở việc hô hấp.

- Gọi cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút.

NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH:

- Không giữ chặt người bệnh.

- Không cho bất kỳ thứ gì vào trong miệng người bệnh. Điều này có thể làm tổn thương răng và hàm.

- Không thực hiện hô hấp nhân tạo. Người bệnh sẽ tự thở lại sau khi cơn co giật kết thúc. Hô hấp nhân tạo khiến người bệnh dễ sặc hơn.

- Không đưa đồ ăn, thức uống cho người bệnh cho đến khi họ hoàn toàn tỉnh táo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày