Tranh cãi chuyện các CLB ở trường Đại học "làm màu", tuyển người gắt gao khiến tân sinh viên shock vì bị đánh trượt

Sam, Theo Helino 22:17 19/10/2018

Có thật hay không chuyện tuyển thành viên CLB còn khó hơn tuyển sinh đại học? Tuyển gen mới hay chỉ làm màu? Trượt tất cả các CLB có phải vô dụng không?

Những ngày đầu của năm học mới, các CLB của mọi trường đại học nô nức tuyển thành viên. Đến thời điểm này, hầu như các newbie đều đã đoàn tụ với "ngôi nhà thứ hai" của mình trong những năm tháng sinh viên, nhưng đây mới chính là thời điểm nhiều tranh cãi nhất trong năm với một câu chuyện chẳng mới: Có thật hay không chuyện tuyển thành viên CLB còn khó hơn tuyển sinh đại học; Tuyển gen mới hay chỉ làm màu; trượt tất cả các CLB có phải vô dụng không?

Tự ti vì "trượt tất cả các CLB"

Các trường đại học hiện nay đều có đến vài chục CLB. Đây chính là sân chơi đầy màu sắc, đầy cơ hội và mới mẻ mà mọi tân sinh viên đều vô cùng háo hức. Nhìn các anh chị đi trước chuyên nghiệp, tự tin trong các sự kiện, ai cũng năng động, đa tài nên tân sinh viên nào cũng tự đặt mục tiêu trở thành "lính mới" của ít nhất một CLB trong trường.

Mọi thứ trước mắt đều quá nhiều hứa hẹn. Chọn được CLB mong muốn, điền đơn, tham gia thử thách, phỏng vấn, ai cũng háo hức chờ đợi kết quả. Vậy mà email đến báo bạn không phù hợp với CLB này, bạn chưa đủ may mắn để đi tiếp với CLB kia như một gáo nước lạnh, như một sự sụp đổ đầu tiên từ khi bước vào đại học mà nhiều bạn tân sinh viên phải đối mặt.

Tranh cãi chuyện các CLB ở trường Đại học làm màu, tuyển người gắt gao khiến tân sinh viên shock vì bị đánh trượt - Ảnh 1.

Rất nhiều tân sinh viên buồn vì "trượt" CLB

Đặng Thanh M, tân sinh viên một ngôi trường kinh tế hàng đầu tại Hà Nội buồn bã chia sẻ trên trang confessions của trường: "Mình đã suy nghĩ rất nhiều và chọn ra 3 CLB để đăng ký và đều dừng lại ở vòng thử thách cuối cùng. Lên lớp các bạn hỏi đã tham gia CLB nào rồi mà không biết trả lời như thế nào, cảm giác mình thực sự rất kém cỏi và tự ti".

Không ít bạn sinh viên cũng bày tỏ sự hụt hẫng tương tự, có bạn còn buồn suốt nhiều ngày. Trúng tuyển một trường top đầu, số đông các tân sinh viên đều từng có thành tích học tập, hoạt động rất khá khi còn học phổ thông thế nhưng vẫn không qua được các thử thách của những anh chị đi trước. "Trượt" CLB khiến nhiều bạn vốn tự tin trở nên trầm tính hơn vì nghĩ mình kém cỏi hay nhiều bạn thì thắc mắc một thời gian dài vì không hiểu sao mình bị trượt khi mà tham gia phỏng vấn, các anh chị cũng đánh giá cao đấy chứ!

Tuyển thành viên CLB còn khó hơn tuyển sinh đại học, phải chăng các CLB chỉ đang "làm màu"?

Từ câu chuyện đỗ trượt, năm nào cũng có những cuộc bàn cãi về cách các CLB tổ chức tuyển thành viên.

Cách thức phổ biến nhất mà rất nhiều CLB áp dụng hiện nay bao gồm 3 vòng: vòng đơn, làm việc nhóm hoặc thử thách, phỏng vấn. Một số CLB sở thích, năng khiếu sẽ có thêm những vòng thử thách đặc biệt như casting, thử giọng, một số khác thì có thêm các phần phỏng vấn nhóm, thực hiện dự án,... Tất cả các CLB đang ngày càng tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp hơn bằng cách đầu tiên là thật chỉn chu và đầu tư cho các đợt tuyển thành viên. Thậm chí có người còn đùa rằng "thi vào CLB còn khó hơn thi đại học" vì nhiều đội, nhóm "hot" có những đề bài cực kỳ học búa và nan giải với những tân sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm.

Và năm nào cũng thế, không ít người đặt ra những câu hỏi như: Chỉ tuyển thành viên có cần cầu kỳ thế không? Các thành viên cũ cũng chỉ là sinh viên năm 2, năm 3, họ có nhiều kinh nghiệm đến mức có thể đánh giá và "loại" người khác ư? CLB vốn được coi là nơi dành cho những ai có mong muốn được sinh hoạt, được tham gia các hoạt động, vậy mà muốn trở thành thành viên phải trải qua 4,5 vòng khó như ứng tuyển vào doanh nghiệp có tiếng! Và đương nhiên, năm nào cũng có hai phe, một phe ủng hộ cách tuyển của các CLB, một phe còn lại cho rằng chuyện tuyển quân của các CLB thật "vô bổ". 

Tranh cãi chuyện các CLB ở trường Đại học làm màu, tuyển người gắt gao khiến tân sinh viên shock vì bị đánh trượt - Ảnh 2.

CLB nào cũng tỏ ra thật chuyên nghiệp và "khó tính" khi tuyển thành viên

Khách quan mà nói sinh viên chưa đủ khả năng, chưa đủ kinh nghiệm và không có "quyền" để quyết định một sinh viên khác có được vào CLB hay không vì suy cho cùng, CLB thuộc về các nhà trường chứ không phải tài sản cá nhân của ban quản trị và CLB là nơi để phát triển cá tính, sở thích chứ không phải một "với chẳng tới" vì yêu cầu quá cao. Các CLB luôn nói chào đón bất cứ ai có mong muốn nhưng các vòng tuyển thì yêu cầu rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng - điều không nhiều tân sinh viên có được. Thế nên năm nào cũng có không ít người đưa ra ý kiến yêu cầu các CLB bỏ các vòng tuyển và chào đón bất cứ ai có mong muốn.

Các CLB cũng không ngại đưa ra những ý kiến phản bác. Đầu tiên, là người trực tiếp duy trì và phát triển hoạt động của CLB, đương nhiên các thành viên cũ hiểu rõ tính chất của tổ chức mình là gì, ai sẽ là người phù hợp. Vì các anh chị đi trước đã cống hiến hết mình để phát triển CLB nên họ có quyền được lựa chọn những người phù hợp nhất để kế thừa và tiếp tục phát triển những thành tựu đã đạt được. Việc các vòng tuyển khó nhằm chọn lọc những ai thực sự mong muốn chứ không chỉ đơn thuần là "thích" vì những người dễ thích thì cũng dễ từ bỏ. Yêu cầu tuyển khó nhưng không đánh đố vì năm nào cũng có rất nhiều người vượt qua được những thử thách đó. Cuối cùng là câu chuyện về quản lý. Nếu các CLB mở cửa tự do cho bất cứ ai, mỗi đợt sẽ có cả trăm người đăng ký. Số lượng đông như vậy, vừa không quản lý được, vừa hoạt động không hiệu quả.

Thế nhưng dù mục đích chọn lọc và tuyển người phù hợp nhất, nhưng vẫn phải thừa nhận những vòng tuyển chọn của các CLB đúng là đang làm quá. Thậm chí, CLB thể thao, hội đồng hương cũng phải phỏng vấn, team-work và loại người. Với những tân sinh viên còn đang đầy háo hức khám phá những điều chưa từng có trước đó, nhìn quy trình tuyển chọn của các anh chị mà vừa sợ, vừa lo, vừa háo hức và tất nhiên là muốn chinh phục. Đây chính xác là một "chiêu bài" tâm lý trúng đích! "Trúng tuyển" một CLB với đủ các vòng thử thách như vậy thật là ngầu và cũng khá giỏi đấy chứ!

Tranh cãi chuyện các CLB ở trường Đại học làm màu, tuyển người gắt gao khiến tân sinh viên shock vì bị đánh trượt - Ảnh 3.

Cả CLB thể thao cũng loại ứng viên

Năm nhất mới háo hức tham gia CLB chứ năm 2, năm 3 chẳng ai đăng kí

Hầu như tất cả những lá đơn đăng ký vào các CLB chỉ đến từ những sinh viên năm nhất. Khi đã học năm 2, năm 3, ai cũng bận rộn với việc làm thêm và nhiều dự định cá nhân hay đơn giản là tham gia hoạt động CLB đủ rồi, cũng không có gì mới để khám phá nữa. Người thì rời đi, người thì vẫn ở lại nhưng gần như không hoạt động.

Quan trọng hơn, ở đại học 1, 2 năm, ai cũng sẽ có cái nhìn chính xác nhất liệu các CLB hoạt động có thực sự như những gì thể hiện bên ngoài hay không. Tham gia CLB có được nhiều lợi ích và kỹ năng như kỳ vọng hay không! Những ai lỡ "trượt" các CLB từ năm nhất hoặc quyết định không tham gia một CLB nào cả bỗng nhận ra cuộc sống đại học của bản thân vẫn đầy màu sắc và những điều mới mẻ dù không có một "ngôi nhà thứ hai" ở đại học. Nhiều người còn cảm thấy may mắn khi không tham gia các CLB bởi vì thế mà bản thân có nhiều thời gian hơn.

CLB không phải cơ hội trải nghiệm duy nhất

Cuối cùng, dù cho bạn có tìm thấy một "mái nhà thứ hai" ở đại học hay không thì điều quan trọng nhất bạn cần phải ghi nhớ chính là có vô số cơ hội khác ngoài các CLB. Đừng nghĩ mình kém cỏi do không trở thành thành viên một CLB nào cả vì có nhiều hoạt động khác thực sự phù hợp với bạn hơn. Cũng đừng vì dành toàn bộ thời gian cho các CLB mà bỏ qua các cơ hội trải nghiệm khác.

Tranh cãi chuyện các CLB ở trường Đại học làm màu, tuyển người gắt gao khiến tân sinh viên shock vì bị đánh trượt - Ảnh 4.

Ngoài CLB, sinh viên có rất nhiều lựa chọn trải nghiệm tuyệt vời khác

CLB là một điều tuyệt vời, là một phần quan trọng trong cuộc sống đại học của rất nhiều sinh viên, nhưng không phải là tất cả. Bạn không thành công trong những lần tuyển quân nhưng bạn lại tỏa sáng ở một sân chơi khác hay ngược lại, bạn không gặp thuận lợi khi đi làm thêm nhưng lại luôn là một người leader tuyệt vời của các thành viên trong CLB và bạn nhận ra đó là nơi mang lại nhiều cơ hội phát triển cho bạn nhất. Mỗi người đều có một con đường riêng và phù hợp với những điều không giống nhau. Khoan bàn về câu chuyện đúng, sai, nên hay không nên trong việc tổ chức các đợt tuyển với yêu cầu cao, bản thân mỗi sinh viên hãy trải nghiệm trước đã, trải nghiệm thật nhiều rồi bản thân bạn sẽ tự có một đáp án cho riêng mình!