Trận chiến với hàng xóm kém duyên không hồi kết của người dân Hàn Quốc: Dùng búa cao su, loa phát nhạc làm "vũ khí" đến khi đối phương chuyển đi mới thôi

Imacho, Theo Trí Thức Trẻ 01:31 03/04/2021

Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn trong chung cư Hàn Quốc từ lâu đã là vấn đề xã hội nhức nhối và đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Chịu đựng môi trường ô nhiễm tiếng ồn vì hàng xóm kém duyên

Trước khi mua búa cao su, chiếc loa gắn trên trần nhà phát những bản nhạc xập xình với lời bài hát tục tĩu thì Victor Park, 36 tuổi, đã cố thử cách nhẹ nhàng hơn để góp ý với hàng xóm.

Gia đình sống bên trên căn hộ tầng 11 của nhà Park có con nhỏ và những đứa trẻ này không ngừng làm ồn vào mỗi tối. Park đã hỏi liệu họ có thể giữ im lặng một chút được không. Thế nhưng, những cuộc gọi, lời than phiền gửi đến cơ quan quản lý căn hộ chung cư của anh đi vào ngõ cụt. Sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn gây ra nhiều ảnh hưởng sức khỏe đối với Park khiến anh luôn cảm thấy hoảng sợ và tim đập nhanh.

Thế là Park quyết định tự mình giải quyết vấn đề này: Ăn miếng trả miếng. Anh dùng búa cao su đập lên trần nhà, khởi nguồn cho cuộc chiến giữa các hộ gia đình sống tầng trên dưới.

"Sự khó chịu kéo dài 24/7 mỗi ngày, đó là tình huống mà bạn không thể thoát ra được. Con người không thay đổi. Họ chỉ nhận ra vấn đề nếu như chuyện tương tự xảy đến với họ" - Park, làm nghề giao hàng, nói.

Trận chiến với hàng xóm kém duyên không hồi kết của người dân Hàn Quốc: Dùng búa cao su, loa phát nhạc làm vũ khí đến khi đối phương chuyển đi mới thôi - Ảnh 1.
Trận chiến với hàng xóm kém duyên không hồi kết của người dân Hàn Quốc: Dùng búa cao su, loa phát nhạc làm vũ khí đến khi đối phương chuyển đi mới thôi - Ảnh 2.

Đại dịch Covid-19 khiến mọi người phải ở nhà nhiều hơn để tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Tại Hàn Quốc, nơi 2/3 dân số sống trong các căn hộ chung cư, điều này đồng nghĩa với việc con người sẽ chịu đựng tiếng ồn khi sống "dưới chân" người khác. Mặc dù lệnh giãn cách ở Hàn Quốc không khắt khe bằng một số quốc gia khác nhưng rất nhiều gia đình phải làm việc và học tập tại nhà trong suốt nhiều tháng trời. Phòng gym, quán cà phê và các trung tâm giải trí mua sắm đóng cửa khiến thủ đô Seoul với dân số 10 triệu người trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết.

Sự tập trung này gây ra sự mâu thuẫn về tiếng ồn mà trong những năm qua, nó đã khiến người Hàn Quốc phát điên, từ đó dẫn đến những vụ đâm chém, phóng hỏa và thậm chí là cho nổ khí ga có chủ đích.

Theo Tổng công ty Môi trường Hàn Quốc, các khiếu nại lên trung tâm giải quyết tranh chấp tiếng ồn liên tầng do chính phủ điều hành năm 2020 đã tăng hơn 60% so với năm trước. Người đứng ra hòa giải hay cảnh sát cũng không thể can thiệp quá nhiều, ngoài chuyện đưa ra lời khuyên rằng mọi người hãy quan tâm lẫn nhau hơn.

Khi nhắc nhở trong hòa bình không thành công, nhiều người không thể chịu đựng được nổi được nữa đã sáng tạo ra không ít cách đáp trả hàng xóm kém duyên, đơn cử như việc lắp đặt loa rồi gắn lên trần nhà, phát ra những bản nhạc xập xình hoặc âm thanh như búa bổ vào đầu, cốt để "tra tấn" người sống ở tầng trên. Trên một diễn đàn bàn luận về vấn đề tiếng ồn với hơn 58.000 thành viên, dân mạng đã chia sẻ cho nhau rất nhiều mẹo trả thù, như sử dụng súng mát xa đập trần nhà, đóng sầm cửa hoặc phát âm thanh ma quái qua lỗ thông hơi.

Trận chiến với hàng xóm kém duyên không hồi kết của người dân Hàn Quốc: Dùng búa cao su, loa phát nhạc làm vũ khí đến khi đối phương chuyển đi mới thôi - Ảnh 3.

Thi nhau lao vào cuộc chiến "1 sống 1 còn"

Tiếng ồn phát ra từ tầng trên khiến Lim Bo-mi, 30 tuổi, cảm thấy khó chịu. Từ mùa hè, cô đã phải đeo tai nghe từ 10h tối và bắt đầu sống phụ thuộc vào thuốc ngủ để có một đêm an giấc.

Thời gian làm nhân viên bán hàng cho một công ty thiết kế nội thất của Lim đã bị cắt giảm trong thời gian đại dịch hoành hành và điều này đồng nghĩa với việc cô phải ở trong căn nhà thuê nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày. Lim cầu cứu chủ nhà và tìm gặp hàng xóm sống ở tầng trên để nói chuyện nhưng chẳng ai bận tâm lời than phiền của cô.

"Họ nói tôi quá nhạy cảm và họ chẳng làm gì sai cả. Họ thật là vô tâm mà" - Lim bức xúc nói.

Sau 8 tháng chịu đựng, Lim đã mua một chiếc búa nhựa có giá 2 USD (khoảng 46.000 đồng) và dùng nó đập lên trần nhà mỗi khi nghe tiếng ồn phát ra từ bên trên. Ngoài ra, Lim còn phát hiện rằng nếu chuyển điện thoại sang chế độ rung và đặt nó vào tường sẽ khiến hàng xóm im lặng nhưng tất cả đều chỉ là cách giải quyết tạm bợ. Lim đang tìm một nơi khác để chuyển đi.

Trận chiến với hàng xóm kém duyên không hồi kết của người dân Hàn Quốc: Dùng búa cao su, loa phát nhạc làm vũ khí đến khi đối phương chuyển đi mới thôi - Ảnh 4.

Yoo, một người làm nghề tự do 40 tuổi, cũng sử dụng búa cao su để đối phó với hàng xóm. Thế nhưng, phương pháp này chỉ khiến anh nhận về những đắng cay hơn. Thế là Yoo dùng chiếc loa bluetooth và đặt nó hướng vào lỗ thông hơi trong phòng tắm, chĩa lên căn hộ bên trên trước khi mua một chiếc loa chuyên dụng để trả đũa.

Yoo tổng hợp nhiều thể loại âm thanh kéo dài vài tiếng đồng hồ để đảm bảo thu hút được sự chú ý của hàng xóm, bao gồm cả âm thanh lấy ra từ phim khiêu dâm. Kết quả là chỉ sau một đêm, hàng xóm của Yoo, người đã bỏ mặc lời than phiền trong suốt nhiều tháng qua, đã chịu "xuống nước" xin lỗi. Từ dạo đó, họ giữ im lặng rất tốt và nói với Yoo rằng họ dự định sẽ chuyển đến nơi khác sinh sống. Nhờ đó mà Yoo cũng chẳng cần phải dùng đến loa thêm lần nào nữa.

"Cuối cùng thì mọi vấn đề chỉ nằm ở con người. Mọi người chỉ nghĩ đến bản thân mình và không thể hiểu cho hoàn cảnh của người khác. Chỉ khi nhận lại những gì mình cho đi thì họ mới bắt đầu nhìn lại cách xử sự của mình" - Yoo chia sẻ.

Trận chiến với hàng xóm kém duyên không hồi kết của người dân Hàn Quốc: Dùng búa cao su, loa phát nhạc làm vũ khí đến khi đối phương chuyển đi mới thôi - Ảnh 5.

Một luật sư họ Lee luôn ra sức can ngăn khách hàng đưa vấn đề này ra tòa. Nguyên nhân bởi vì những sự vụ này rất khó để chứng minh và dù có chứng minh được đi chăng nữa thì mức án phí cũng không hề nhỏ. Bản thân Lee cũng đã bị tiếng ồn từ nhà hàng xóm có 3 con làm phiền trong suốt nhiều năm. Anh giải quyết vấn đề này không phải bằng pháp luật hay thủ thuật trả đũa nào mà là chuyển từ căn hộ ở tầng 13 lên một căn hộ áp mái tầng 30.

"Nhà phải là một nơi để bạn có thể nghỉ ngơi và cảm thấy thoải mái nhưng đôi lúc nó lại trở thành nguồn cơn của mọi sự căng thẳng. Rất nhiều người nói với tôi rằng họ muốn chết vì những vấn đề nhà cửa như vậy" - Lee nói.

Seo Byeong-ryang, quản lý tại trung tâm giải quyết tranh chấp về tiếng ồn, cho biết khi kỹ sư tiến hành đo tiếng ồn tại các căn nhà đưa ra lời than phiền, nó chỉ vượt quá ngưỡng quy định khoảng 7%. Ông nói nhiều người sau khi biết được hoàn cảnh và cuộc sống của hàng xóm, họ đã biết thông cảm hơn.

Đó chính xác là những gì ông Seo làm khi hàng xóm sống bên trên sử dụng ghế mát xa lúc 11h tối hoặc giữa đêm Lúc đó, ông nghĩ hẳn là họ đã có một ngày làm việc dài đầy mỏi mệt nên giờ mới có thời gian thư giãn. Hoặc những lúc nghe thấy hàng xóm thái tỏi lúc 7h sáng, ông Seo cho rằng họ hẳn là đang gấp đi ra ngoài lắm. Ông hy vọng hàng xóm sống ở bên dưới, người đã mắng vào mặt vợ ông, than phiền các con của ông ồn ào, cũng sẽ có sự thấu hiểu tương tự dành cho gia đình ông.

"Tôi là người gây ra tiếng ồn nhưng đồng thời cũng là nạn nhân. Chúng ta không thể làm gì khác khi cùng sử dụng chung không gian sống" - ông Seo chia sẻ.

Về phía Park, anh từ chối hiểu những người hàng xóm của mình. Sau nhiều năm sống cam chịu, anh đã mua búa cao su và chiếc loa giá 150 USD (hơn 3,4 triệu đồng) để trả thù. Park chọn một bản nhạc tiếng Hà Lan có tên là "This is Terror" (tạm dịch: Đây là khủng bố) và một ca khúc chứa đầy những lời lẽ thô tục mà không một người mẹ nào muốn con mình nghe được.

"Đó là một cuộc chiến. Tôi cho rằng đây là sự tự vệ chính đáng" - Park nói.

Trận chiến với hàng xóm kém duyên không hồi kết của người dân Hàn Quốc: Dùng búa cao su, loa phát nhạc làm vũ khí đến khi đối phương chuyển đi mới thôi - Ảnh 6.

Trong suốt 1 tháng, Park vận dụng cách thức của mình mỗi khi hàng xóm bên trên làm ồn. Cảm thấy mọi chuyện vẫn chưa đi đến đâu, Park quyết định bật loa cả ngày. Vài tháng sau, gia đình kia đã phải dọn nhà đi.

Khi đọc bài review về chiếc loa mà mình sử dụng trên một diễn đàn, Park nhận ra rằng nhiều người cũng đang lâm vào tình huống như anh.

"Sự phổ biến của vấn nạn này là một niềm an ủi đối với tôi. Nó cứu rỗi tôi khỏi sự bất lực vì không biết phải làm gì để chấm dứt mọi chuyện" - Park chia sẻ.

Nguồn: LA Times