D. từng kỳ vọng niềng răng sẽ giúp cô có được nụ cười tự tin. Cuối năm 2020, D. bắt đầu tìm hiểu về phương pháp này. Khi thấy quảng cáo niềng răng với 25 triệu đồng, D. quyết định tới một phòng nha để khắc phục tình trạng răng hô và khớp cắn sâu.
Tại đây, D. được chỉ định nhổ 2 răng hàm dưới và dự đoán "thời gian niềng kéo dài khoảng 3 năm, cải thiện được 70% tình trạng". Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, D. liên tục phải chi trả thêm nhiều khoản phát sinh như nhổ răng, gắn minivis. Sau hơn 3 năm, răng D. vẫn còn nhiều khe hở, tình trạng hô gần như không cải thiện.
Khi đến một phòng khám khác để kiểm tra, D. lại được chẩn đoán bị viêm nha chu và bắt đầu điều trị trong suốt một năm. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện, nướu thường xuyên chảy máu, hơi thở có mùi và xuất hiện cơn đau khớp thái dương hàm.
Hình ảnh chụp phim thể hiện D. mất 2 răng hàm dưới, viêm nha chu dẫn đến tiêu xương ổ răng theo chiều ngang nhiều răng
Không chỉ chịu đựng đau đớn, D. rơi vào trầm cảm vì những hệ lụy kéo dài. Cô tìm tới Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM để điều trị. Các bác sĩ chẩn chụp phim cắt lớp, khảo sát răng và xương hàm, xác định tình trạng viêm nha chu không quá nghiêm trọng như chẩn đoán trước đó, và vẫn còn khả năng cải thiện tình trạng hô. D. bị tiêu mót đầu lồi cầu khớp thái dương hàm dưới, cần tiến hành chỉnh nha để điều chỉnh tương quan giữa hai hàm, đồng thời ổn định vận động của khớp thái dương hàm. Dự kiến toàn bộ quá trình sẽ kéo dài khoảng 2 năm, với chi phí ước tính 30 triệu đồng.
Đáng nói, D. không phải trường hợp duy nhất. Nam sinh B.T.H. (20 tuổi, TP.HCM) cũng là một nạn nhân của "nha tặc". Sau khi xem quảng cáo trên mạng chỉ cần 8 triệu đồng và một năm niềng là răng đều đẹp nên H. quyết định thử để khắc phục tình trạng răng móm của mình.
Tuy nhiên, mới được 3 tháng điều trị, nam sinh phát hiện phòng nha đã "bay màu". Chủ nhà cho biết phòng khám đã chấm dứt hợp đồng thuê, lúc đó, H. mới nhận ra mình bị lừa, mất trắng 8 triệu đồng.
Trực tiếp thăm khám cho H. sau đó, BS. Nguyễn Minh, Hệ thống Nha khoa Tấm Dentist cho biết, nam sinh mới thực hiện niềng răng ở phòng nha trước đó được 3 tháng nên chưa thấy có sự biến chuyển gì về răng. Vấn đề của H là mất thời gian và thiệt hại kinh tế.
Trình trạng móm của H. vẫn y nguyên nhưng số tiền 8 triệu đồng đã "bốc hơi" theo phòng nha
Cảnh giác với nhiều chiêu trò của "nha tặc"
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM cho biết đã tiếp nhận khoảng 335 trường hợp bệnh nhân đến điều trị sau khi thực hiện niềng răng không đạt hiệu quả tại các cơ sở khác.
PGS. TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những ca biến chứng do chỉnh nha sai kỹ thuật.
Theo ông, nhu cầu chỉnh nha là chính đáng, nhưng bất kỳ can thiệp thẩm mỹ nào cũng cần đảm bảo yếu tố an toàn, hiệu quả và tránh biến chứng. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều cơ sở nha khoa hoạt động với mức độ kiểm soát khác nhau. Một số nơi được quản lý chặt chẽ, nhưng cũng có những cơ sở lỏng lẻo, thậm chí thuê người không có chuyên môn để chỉ định điều trị.
"Các biến chứng thường không xuất hiện ngay lập tức, mà là biến chứng muộn. Nhiều trường hợp bị trầm cảm vì chỉnh nha sai cách, do người thực hiện không có chuyên môn hoặc quy trình bị thương mại hóa quá mức", PGS. TS Trần Cao Bính nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, chỉnh nha sai thường xảy ra khi bác sĩ thiếu kinh nghiệm hoặc không được đào tạo bài bản. Mỗi người có giới hạn điều chỉnh răng khác nhau, việc áp dụng quy trình cứng nhắc có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng, kéo dài thời gian điều trị và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý bệnh nhân.
"Khách hàng thường phải đóng tiền trước cho cả quá trình chỉnh nha. Sau khi thu được một khoản lớn, những phòng khám này đột ngột đóng cửa, bỏ trốn, khiến khách hàng tiền mất tật mang", BS. Nguyễn Minh cảnh báo.
Theo BS. Nguyễn Minh, nhiều phòng khám "nha tặc" đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng và quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thực tế, các phòng khám này thường không có bác sĩ được đào tạo bài bản. Toàn bộ quá trình niềng răng thường do phụ tá thực hiện, dẫn đến chỉ định sai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Một số phòng khám còn lách luật bằng cách ký hợp đồng ngắn hạn với bác sĩ (1-2 tháng) để lấy "mác" hợp pháp rồi sau đó cắt hợp đồng.
Làm gì để tránh gặp phải "nha tặc"?
Theo BS. Nguyễn Minh, để tránh trở thành nạn nhân của các phòng khám nha khoa không phép, người dân cần tỉnh táo và kiểm tra kỹ các yếu tố sau trước khi điều trị.
- Chỉ thực hiện niềng răng tại các phòng khám có giấy phép hoạt động do Sở Y tế cấp. Thông tin này phải được niêm yết rõ ràng trên biển hiệu.
- Phòng khám uy tín sẽ có một bác sĩ theo suốt quá trình điều trị, thay vì mỗi lần khám là một người khác.
- Cảnh giác với quảng cáo giá rẻ bất thường, như 8-10 triệu cho cả hai hàm.
- Khi gặp vấn đề, phòng khám chuyên nghiệp phải có trách nhiệm giải thích và xử lý kịp thời. Nếu cơ sở đùn đẩy, né tránh hoặc liên tục hẹn lại lịch tái khám, đó có thể là dấu hiệu của "nha tặc".
Trong bối cảnh các nha khoa lừa đảo ngày càng tinh vi, người dân không chỉ cần cẩn trọng trong việc chọn lựa nha khoa để trao gửi niềm tin. Một quyết định vội vàng vì ham rẻ có thể phải trả giá bằng cả sức khỏe và tiền bạc.