“Bất cứ ai trong chúng ta cũng có những lúc cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng trong cuộc sống hay công việc, hoặc chẳng vì lý do gì cả. Nhưng khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi dai dẳng nhưng không nghiêm trọng, cũng không đau nhức ở đâu cụ thể, rất nhiều người thường xem nhẹ hoặc cố chịu đựng. Trong khi đó, cảm giác mệt mỏi thường trực hoặc kéo dài khó hiểu rất có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh tật, tính mạng đang bị đe dọa”. Đó là lời cảnh báo từ Tiến sĩ Hong Weijie, Trưởng khoa Y tế Dự phòng thuộc Khoa Y học Gia đình Bệnh viện E-Da (Đài Loan, Trung Quốc).
Ông chia sẻ thêm rằng, bệnh nhân gần nhất của ông có tình trạng tương tự là một người phụ nữ gần 60 tuổi, họ Trần (sống tại Đài Loan, Trung Quốc). Con gái bà Trần kể lại, mẹ cô bắt đầu tỏ ra thường xuyên mệt mỏi, nằm một chỗ nhiều hơn chỉ khoảng hơn 6 tháng trước khi qua đời.
Xem nhẹ cảm giác mệt mỏi dai dẳng nhiều tháng, người phụ nữ phát hiện suy tim ở mức độ nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Cụ thể, bà đột nhiên trở nên uể oải, thiếu năng lượng, buổi sáng khó thức dậy, thờ ơ hơn với mọi thứ xung quanh. Lúc này, các con khuyên bà nên đi khám sức khỏe, nhưng bà Trần nói rằng lâu lâu mình lại bị như vậy, chỉ một thời gian là tự hết. Cô con gái liên tục tự mình kiểm tra, hỏi rằng bà có bị đau nhức hay thấy bất thường ở bộ phận nào trên cơ thể hay không thì bà luôn trả lời là không, chỉ là tâm trạng không tốt và có tuổi rồi nên muốn ngủ nhiều hơn. Bản thân cô con gái đôi khi cũng trải qua cảm giác như vậy nên cũng không ép mẹ thêm nữa.
Vài tháng sau, bà Trần bắt đầu phàn nàn rằng mình cảm thấy khó thở khi vận động, chán ăn và muốn nghỉ ngơi nhiều hơn nữa. Các con tiếp tục khuyên bà đi khám nhưng bà phản đối rất gay gắt, cho rằng không cần thiết. Cho đến khi bà bị ngất xỉu khi leo cầu thang, các con mới có thể để bác sĩ thăm khám cho bà.
Tiến sĩ Hong kể lại: “Khi bệnh nhân trải qua một lần ngất do tim và tìm đến tôi, bà ấy đã được chẩn đoán suy tim. Mệt mỏi dai dẳng bất thường chính là một dấu hiệu của bệnh này đã bị bệnh nhân xem nhẹ, bỏ qua. Lượng máu bơm vào tim của bệnh nhân không đủ nên gây ra mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi, còn khi thực hiện các hoạt động cần nhiều máu hơn như tập thể dục, leo cầu thang… sẽ bắt đầu cảm thấy khó thở cùng nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác.
Phải hiểu rằng, mỗi khi tim bình thường co bóp thì ít nhất 40% lượng máu trong tâm thất phải được bơm ra ngoài mới đủ cho cơ thể sử dụng. Ít hơn như vậy là suy tim nhưng ở bệnh nhân lúc cao nhất chỉ là 36%. Chưa kể, bệnh nhân còn bị thiếu máu.
Tiêu chuẩn huyết sắc tố bình thường của phụ nữ là 12g/dl nhưng của bệnh nhân này chỉ là 9g/dl. Có thể hiểu rằng thiếu máu lâu dài khiến tim phải bơm máu nhiều lần hơn, tim bị quá sức và suy tim. Đồng thời, suy tim cũng tác động ngược lại khiến trầm trọng thêm các dấu hiệu thiếu máu nên chúng hiệp đồng lại khiến bệnh nhân mệt mỏi tới kiệt sức, dễ ngất xỉu. Điều đáng tiếc hơn là sau khi phát hiện bệnh, điều trị mới ở bước đầu thì bệnh nhân đã qua đời vì suy tim tại nhà ngay sau đó không bao lâu”.
Theo Tiến sĩ Hong Weijiei, giải thích y học về tình trạng mệt mỏi là họ cảm thấy mệt mỏi và rất dễ mệt mỏi chỉ vì những hoạt động nhỏ, thậm chí khi chẳng làm gì. Những biểu hiện như: rất khó thức dậy vào buổi sáng, không có cảm giác sảng khoái tinh thần, không muốn vận động, chán nản và không muốn đi làm, không còn sức lực để làm việc quen thuộc trong ngày, muốn đi ngủ nhanh và ngủ nhiều hơn, chán ăn và cảm thấy cơ thể không có năng lượng… đều được coi là mệt mỏi.
Khi có các dấu hiệu mệt mỏi quá độ, bất thường kéo dài quá 1 tuần tốt nhất là bạn nên đi thăm khám (Ảnh minh họa)
Ông cũng liệt kê ra 10 lý do hàng đầu dẫn tới cảm giác mệt mỏi kéo dài, trong đó có nhiều bệnh lý nguy hiểm mà chúng ta nên chú ý:
- Thói quen sinh hoạt: Chế độ ăn uống không cân bằng, uống rượu quá nhiều, nghiện ma túy, căng thẳng, làm việc quá sức, ít vận động, lệch múi giờ.
- Các bệnh về giấc ngủ: mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, chứng ngủ rũ, rối loạn giấc ngủ khi làm việc theo ca.
- Thuốc: thuốc ngủ, thuốc chống lo âu, thuốc chống loạn thần, thuốc giống morphin, thuốc chống co thắt, thuốc giãn cơ, thuốc chẹn beta, thuốc kháng histamine (thuốc dị ứng).
- Các bệnh truyền nhiễm: cúm, COVID-19, viêm phổi, bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, bệnh Lyme, nhiễm HIV.
- Các bệnh về tim, phổi: bệnh tim mạch, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khí thũng.
- Bệnh tâm thần: trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
- Các bệnh tự miễn: lupus ban đỏ, đa xơ cứng, nhược cơ, viêm khớp dạng thấp, bệnh Sjogren.
- Bệnh nội tiết: suy giáp, hypoadrenal cortisone.
- Các bệnh khác: ung thư, bệnh thận, bệnh gan, tiểu đường, hóa trị, ghép tủy, hội chứng mệt mỏi mãn tính, đau xơ cơ, thiếu máu, thiếu vitamin D, thiếu vitamin B12, mất nước.
- Vấn đề về ăn uống và cân nặng: chán ăn, ăn vô độ, béo phì, thiếu cân.
“Vì vậy, nếu bạn bị mệt mỏi kéo dài hơn 1 tuần, nhất là nếu không rõ nguyên do hoặc đi kèm một số khó chịu thể chất khác, mệt mỏi tới mức khó duy trì cuộc sống thường nhật thì nên đi thăm khám càng sớm càng tốt” - Tiến sĩ Hong Weijie nhắc nhở.
Ông cũng cảnh báo các triệu chứng của bệnh suy tim ngoài mệt mỏi bất thường như: thở khò khè, đau ngực, nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm, đánh trống ngực, nhịp tim không đều, nhức đầu, mờ mắt, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng hoặc yếu cơ. “Lúc này, thăm khám sớm bao nhiêu thì cơ hội điều trị tích cực, duy trì mạng sống của bạn cao nấy nhiêu” - ông nói.
Nguồn và ảnh: EToday, Health 2.0, QQ