Trải nghiệm của người đầu tiên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn thế giới: Quyết định liều lĩnh bất chấp sự lo lắng của chồng

Jayden, Theo Tổ Quốc 12:33 14/04/2020
Chia sẻ

Liều vắc-xin được tiêm vào vai trái của cô Jennifer chỉ trong vài giây, nhưng nó gây nên áp lực không hề nhỏ và cũng mang theo niềm hi vọng lớn lao đẩy lùi dịch Covid-19.

Bà mẹ hai con Jennifer Haller, 44 tuổi, không hề lảng tránh khi nhân viên phòng thí nghiệm tiêm vắc-xin vào da thịt mình. Cô đã chuẩn bị tinh thần từ rất lâu trước buổi sáng ngày 16/3, chính thức trở thành người đầu tiên trên thế giới nhận một liều tiêm phòng Covid-19, theo các nhà nghiên cứu Mỹ khẳng định.

Trải nghiệm của người đầu tiên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn thế giới: Quyết định liều lĩnh bất chấp sự lo lắng của chồng - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Nhiều tuần trước đó, cô Jennifer vẫn là người phụ nữ của gia đình kiêm quản lý vận hành một start-up công nghệ ở bang Washington. Nhưng rồi cô đã nhìn thấy trên Facebook một lời kêu gọi có 1-0-2 trong lịch sử về việc thử nghiệm vắc-xin chống lại chủng virus corona mới.

Quyết định thử nghiệm vắc-xin vì muốn có cảm giác kiểm soát

"Thời gian đó chúng tôi cảm thấy bất lực" - Jennifer nói với tờ báo Anh Telegraph trong khi đang tự cách ly ở nhà. "Tôi nghĩ mình chẳng thể làm gì để ngăn cản đại dịch toàn cầu. Sau đó, tôi nhìn thấy một cơ hội và nghĩ rằng: Chà, có lẽ đây là điều mà mình nên đóng góp".

Giữa mùa dịch Covid-19, mọi thứ mà chúng ta từng cho là dĩ nhiên như quyền tự do di chuyển, chủ động đến nơi làm việc... đã đột nhiên vụt mất trong tầm tay. Khi đó, việc thử nghiệm vắc-xin bỗng trở thành một cái "mỏ neo" để ta có thể vịn vào, đem lại một chút cảm giác an toàn. "Điều đó cho phép tôi cảm thấy mình có thể kiểm soát phần nào tình hình" - Jennifer nói.

Tuy vậy, cô không dễ dàng đưa ra quyết định cuối cùng. Sau khi cô được khám tổng quát để đảm bảo đủ điều kiện dùng thử vắc-xin, bạn bè và gia đình càng tỏ ra lo ngại. Chồng cô băn khoăn rằng liệu việc này có thật sự an toàn hay không. Cặp đôi từng cho phép con trai mình tham gia một số nghiên cứu y tế khi còn là trẻ sơ sinh, tuy nhiên vấn đề lần này hoàn toàn khác.

Trải nghiệm của người đầu tiên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn thế giới: Quyết định liều lĩnh bất chấp sự lo lắng của chồng - Ảnh 2.

Cô Jennifer bên cạnh 2 con của mình vào buổi sáng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 (Ảnh: AP)

Thử nghiệm vắc-xin sẽ do Viện nghiên cứu Sức khỏe Washington thuộc Tập đoàn Kaiser Permanente thực hiện, bao gồm tiêm 2 liều thử nghiệm vắc-xin, mỗi liều cách nhau 28 ngày và giám sát trong vòng 1 năm.

Vắc-xin có tên mRNA-1273 đã được dùng trên động vật và cho kết quả hứa hẹn. Tuy nhiên, ngày 16/3 là lần đầu tiên được thử nghiệm ở người. Việc này sẽ không bao gồm đưa vào cơ thể bất kỳ mầm bệnh Covid-19 nào, tuy nhiên toàn bộ quá trình vẫn khá phức tạp.

Trước khi tiêm phòng, Jennifer phải ký vào văn bản gồm 45 trang tuyên bố từ chối trách nhiệm của Viện nghiên cứu, cho thấy còn rất nhiều điều mà khoa học chưa thể khẳng định chắc chắn. Ngoài ra ngay cả khi tiêm vắc-xin, người phụ nữ vẫn có thể nhiễm Covid-19, vì dĩ nhiên mọi thứ vẫn đang thử nghiệm mà thôi.

Cuối cùng, Jennifer vẫn chấp thuận. "Có 1 tấn những mối nguy cơ hiển hiện. Nhưng tôi là người rất tích cực, và theo tôi đánh giá thì lợi nhiều hơn hại".

Các nhà khoa học tin rằng chỉ có nghiên cứu vắc-xin mới dập tắt được đại dịch Covid-19, cứu sống cho hàng trăm ngàn sinh mạng. Tuy nhiên quá trình chế tạo và tung ra thị trường có thể kéo dài ít nhất 1 đến 1,5 năm nữa. Cho đến lúc đó, các biện pháp phòng chống dịch, và có lẽ là miễn dịch cộng đồng, sẽ là những vũ khí tương đối hiệu quả của con người.

Cảm nhận sau 2 tuần tiêm phòng

Chỉ đến 8h sáng ngày 16/3, Jennifer mới phát hiện mình là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, khi cô nhìn thấy phóng viên hãng AP được mời đến đưa tin.

Sau khi liều vắc-xin đi vào người, Jennifer sẽ ghi chép lại các triệu chứng hàng ngày của mình trong vòng 2 tuần. "Ngày đầu tiên tôi cảm thấy thân nhiệt tăng lên một chút. Ngày thứ hai, cách tay trái hơi sưng tấy. Nhưng chỉ vậy, mọi thứ đều ổn định sau đó. Nó dễ dàng như tiêm phòng cúm".

Điều Jennifer cảm thấy hơi phiền là hàng ngàn tin nhắn cổ vũ trên Facebook và Instagram: "Chúng tôi cầu nguyện cho cô", "chúng ta cần vắc-xin", "cảm ơn bạn đã liều mạng để cứu lấy thế giới"...

Jennifer cho rằng những lời khen ngợi có phần thái quá. "Đột nhiên tôi không biết làm sao xử lý khi nhận được sự quan tâm lớn như vậy" - Jennifer bày tỏ. Trong khi đó, con trai 16 tuổi và cô gái 13 tuổi của cô tỏ ra... khá phấn khích. "Chúng thường thống kê là tôi đã có bao nhiêu lượt xem trên TikTok hay mọi người thảo luận thế nào trên Reddit. Tôi thấy khá là hài hước".

Trải nghiệm của người đầu tiên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn thế giới: Quyết định liều lĩnh bất chấp sự lo lắng của chồng - Ảnh 3.

(Ảnh: Jen Haller)

Cùng với 44 người trưởng thành khác đã tham gia vào cuộc thử nghiệm ở Washington, cô Jennifer sẽ nhận liều vắc-xin thứ hai vào tuần tới. Việc giám sát kéo dài đến mùa xuân năm 2021. Tuy quãng đường còn dài, Jennifer tự tin rằng một chế phẩm vắc-xin thành công sẽ nhanh chóng xuất hiện, dù là loại cô đã thử nghiệm hay là ở bất kỳ phòng nghiên cứu nào khác trên thế giới.

"Bất luận chừng nào chúng ta có vắc-xin và việc thử nghiệm của tôi sẽ kết thúc ra sao, tôi vẫn tự hào vì được đóng góp một phần".

Ngoài ra, bà mẹ hai con cho biết thêm "hàng trăm ngàn" người khác xứng đáng được khen ngợi hơn bản thân mình - những y bác sĩ, nhân viên bách hóa, nông dân và người dọn vệ sinh... Tất cả họ mới luôn luôn trực tiếp đương đầu với virus corona để bảo vệ cộng đồng.

"Tôi chỉ làm được một việc nhỏ, và tôi hạnh phúc vì điều đó. Tôi chẳng cứu thế giới gì đâu nhé" - Jennifer lại khiêm tốn một lần nữa.

(Theo Telegraph)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày